Phóng to |
Tôi luôn tự hỏi: bao giờ trở lại…? bao giờ…? Sau sáu năm, tôi mới có dịp một lần nữa đối mặt với đỉnh Phăngxipăng…
Con đường thứ ba và bước chân trên sống núi
Lên đến Sa Pa (Lào Cai), mới biết người ta vừa mới mở một con đường thứ ba lên đỉnh phía Ô Qui Hồ (so với hai con đường khác xuất phát từ thung lũng Cát Cát và Sin Chảy), chúng tôi quyết định chọn con đường mới này để xuất phát. Đêm cuối ở Sa Pa, nhà nhiếp ảnh kỳ cựu Nguyễn Thọ tình cờ gặp tôi đã trợn mắt: “Bộ em muốn chết sao đi đường này? Anh đã suýt chết năm ngoái vì chọn con đường này…”. Nhưng tôi đã không còn thời gian để thay đổi lộ trình.
Với những “kinh nghiệm xương máu” của chuyến đi sáu năm về trước, tôi đã thiết kế chuyến đi chi tiết hơn và thuê phu người H’Mông nhiều hơn, trang bị cả máy bộ đàm tầm ngắm để liên lạc và cứu hộ. Năm giờ sáng, đoàn xuất phát về hướng đèo Trạm Tôn, Ô Qui Hồ. Mây sà thấp xuống chân núi, cảnh trí đẹp như trong phim thần thoại. Các anh trong đoàn phân công tôi khóa đuôi và phụ trách máy bộ đàm số 2 để “rước” những thành viên rớt lại sau, còn anh Võ Hữu Thiện (Điện lực Chợ Lớn) và anh Kiên – người mở đường – phụ trách máy bộ đàm số 1.
Con đường mới mở chỉ vừa được phát hoang đủ lối một người đi, chạy từ đỉnh đèo vào bìa rừng nguyên sinh, chúng tôi phải luồn rừng mà đi, còn gian nan hơn cả chặng đường tôi đã đi sáu năm trước từ thung lũng Cát Cát. Càng lên cao và vào sâu trong rừng, cácn trang bị chống rét lần lượt được nhét vào balô vì mồ hôi dầm dề, nhưng không ai dám dừng lại nghỉ mệt lâu vì chỉ hai ba phút ngừng vận động là cái lạnh đã làm cả người tê cứng…
Lên đến độ cao 2.000m, chúng tôi nghĩ lại ăn trưa. Nhiều thành viên trong đoàn mở máy đo độ cao ra xem. Những người phu khuân vác phì cười vì khúc dạo đầu ấy chưa thấm vào đâu so với chặng đường phía trước mà nhiều thành viên đã bắt đầu lắc đầu ngao ngán. Ngửa mặt lên chỉ thấy dáng núi sừng sững trùng điệp, bốn bề vây kín… Càng lên cao gió càng thổi mạnh, mạnh đến mức nhiều người phải bò rạp xuống mà di chuyển. Vượt qua được con dốc cao ngất trời, chưa kịp thở thì ai cũng tái xanh vì phía trước mặt, nơi nối liền giữa hai đỉnh núi cao trên 2.000m chỉ là một lối đi sống trâu vừa đủ bước chân người, hai bên là vực thẳm sâu hút không nhìn thấy đáy! Người dẫn đường bảo đó là con đường độc đạo, không còn đường vòng nào khác! Từng bước chân họ dẫm bước qua vực. Hữu Thiện, Việt Hùng và Minh Ngọc qua vực mà mắt không dám nhìn xuống dưới chân mình. Những cơn gió quái ác vẫn giật mạnh, nghe càng ớn hơn! Trời càng về chiều, đoàn vẫn tiếp tục vượt qua những sống núi hãi hùng như thế. Nhiều phu khuân vác bảo: “Nếu biết đi đường này, em ở nhà thôi!”.
Đến hơn 6g tối, nhiệt độ đã xuống đến 5 độ C mà cả đoàn vẫn chưa đến được nơi tập kết như dự định vì còn hai người khuân vác bị kẹt lại dưới vực do vọp bẻ. Chúng tôi quyết định nghĩ đêm giữa một sống núi tương đối rộng rãi…
Đêm giữa rừng già trên núi đáng sợ nhưng cũng thật đáng yêu. Gió giật ầm ầm như sắp trút cơn thịnh nộ xuống những túp lều bé nhỏ, nhưng rồi có ai đó reo lên: “Trăng đẹp quá!”. Cả đoàn quên cả giá rét chui ra khỏi lều. Trăng treo ngay trên đầu, tròn vằng vặc như gửi chút hơi ấm cho chúng tôi. Nguyễn Tài My và Trọng Tuyến chợt kêu: “Hôm nay đúng ngày rằm, chúng ta hên rồi!”…
Cờ Tổ quốc và cánh chim đại bàng
Buổi sáng trở dậy, trời vẫn gió to. Đêm qua ai nấy đều bị một phen hú hồn vì mưa trút xuống nặng hạt. Cả đoàn họp lại quyết định tăng tốc. Đường lên đỉnh 2.900 len lỏi từng bước giữa những rừng sạt chằng chịt. Những cây sạt vừa được người đi mở đường phía trước chặt đứt đưa mũi nhọn hoắt như một bãi chông vô cùng bất trắc cho người đi sau. Tôi biết mình đang đi trên đường đỉnh của hàng loạt các đỉnh núi cao như Tả Dàng Phìn, Pu Song Sung, Sà Phìn…
Đường lên Phăngxipăng thật kỳ ảo. Sáu năm trước, tôi đi theo đường San Sả Hồ - Cát Cát, ngày ấy các tầng thực vật “mặc” áo rêu đều là loại liễu thanh tùng cổ thụ, dẻ, sồi… đặc trưng cho miền ôn đới. Còn chặng đường hôm nay lại là những cây trúc, sạt… đặc trưng cho miền nhiệt đới nhưng cũng “mặc” một lớp áo rêu chống rét. Nước uống đối với chúng tôi là nỗi khổ triền miên trong suốt hành trình. Bây giờ là mùa khô, các nguồn suối cạn kiệt, càng lên cao càng ít tìm được nguồn nước. 10g30 chúng tôi có mặt tại điểm rẽ lên rừng trúc lùn trên cao điểm 2.900. Vân, người phụ trách hậu cần chính, phân đoàn ra thành hai toán. Một, hỗ trợ bảy anh em chúng tôi lên đỉnh 3.143m, còn hai người khác trở về dòng suối bên dưới vực 2.800 chuẩn bị thực phẩm cho đoàn trở về…
Chặng cuối lên đỉnh Phăngxipăng qua rừng trúc lùn càng gian nan hơn bởi không chỉ cần đôi chân vững chắc, dẻo dai với hàng chục con dốc dựng ngược, mà còn cần đôi tay khỏe để… bới rừng trúc mà đi! 11 giờ 45 máy bộ đàm của tôi vang lên rõ mồn một giọng Kiên – người phụ trách máy 1: “Alô, máy 1 gọi máy 2… Toán đầu tiên đã đặt chân lên đến đỉnh, đã chạm tay được vào tháp đuyra… Có cả một chú chim đại bàng rất to đang bay trên đầu chúng tôi… alô…”. Tôi và Mã Văn Trạch sung sướng đến rơi nước mắt. Món nợ sáu năm trời nay đã đến lúc phải trả! Hai mươi phút để vượt qua 200m dốc dựng đứng sao dài vô cùng… và rồi chiếc đuyra hình kim tự tháp cũng đã hiện ra trước mắt. Đây rồi! Đỉnh Phăngxipăng của tôi!
Đúng 12 giờ, đoàn tập trung làm lễ thượng cờ Tổ quốc bên cạnh tháp Đuyra. Bên dưới lá cờ có dòng chữ “Tuổi Trẻ” do tôi đặt làm từ Sa Pa. Gió thổi rất mạnh và lạnh cắt da, nhưng ai cũng kềm chân đứng thẳng người bên cờ Tổ quốc. Chú chim đại bàng đã rời xa đỉnh, nhưng ai cũng có cảm giác nó vẫn còn đâu đó để chào đón những người vừa chinh phục được một đỉnh cao của đất nước mình.
Bốn bề mây mù, nhưng trong tâm thức tôi những dòng chữ của giáo sư Lê Bá Thảo viết về Phăngxipăng vẫn còn như in khảm trong lòng suốt bao năm qua: “Lúc trời quang, đứng trên đỉnh Phăngxipăng với tầm nhìn bốn phía rộng đến 200 cây số, có thể nhìn thấy cao nguyên Đồng Văn, cao nguyên Mộc Châu, trung du Phú Thọ, Việt Trì, biên giới Việt – Lào và cả vùng đất Vân Nam, Trung Quốc rộng lớn…” (Thiên nhiên Việt Nam, NXB Giáo Dục – 1964).
Chúng tôi cố nán lại đỉnh Phăngxipăng đến hơn một giờ vì ai cũng muốn để lại một dấu ấn nào đó của mình trên đỉnh núi này, cho dù tất cả đều mệt lả người vì gió, rét và đói, bởi trong bụng tất cả từ sáng sớm đến giờ mới chỉ có một gói mì khô và nước suối lạnh giá. Phải đến hơn 6 giờ tối cả đoàn người đói khát mới vượt qua được hơn mười vực thẳm dựng đứng trơn trượt sâu hàng trăm mét để về bên suối rừng nghỉ chân ở độ cao 2.500m và thưởng thức bữa cơm tối muộn màng trong làn mưa rừng tầm tã…
Sáng ngày thứ ba, cả đoàn dậy thật muộn vì chặng đường lên đỉnh và rời đỉnh hôm qua thật gian nan, quá sức mọi người. Ngay cả ba anh chàng H’Mông “thiện chiến” nhất trong đoàn cũng phải thốt lên: “Chuyến này chúng em đuối sức”. Cả đoàn họp lại quyết không trở về đường cũ vì quá nguy hiểm mà về đường Sin Chảy, dù vách núi dựng đứng hơn nhưng không phải đi qua những sống núi cheo leo hai bên vực thẳm…
Tôi có chút riêng tư để tán thành phương án này, không phải vì thích đổi vực thẳm lấy vách núi mà vì tôi là người hiếm hoi có cơ hội đi qua cả ba con đường chinh phục Phăngxipăng năm 1995 tôi đi đường Cát Cát – San Sả Hồ, chuyến đi này đi đường Ô Qui Hồ - núi Xẻ và về bằng đường Sin Chảy. Khi đoàn chuẩn bị khởi hành xuống vách núi cũng là lúc một đoàn thám hiểm người Đức vượt núi đi lên. Họ cũng quyết tâm chinh phục cho được đỉnh cao này qua đường Sin Chảy…
Núi liền núi, mây liền mây, chúng tôi leo xuống dần trong mọi tư thế… Đến hơn 3 giờ chiều, mọi người đều có đủ mặt dưới dòng suối Cả trong vắt, xa xa đã là bản làng đầu tiên của người H’Mông. Tiếng trẻ con nô đùa, tiếng chó sủa vang báo hiệu chúng tôi đã chính thức rời xa Phăngxipăng… Đêm Sa Pa trời đổ mưa to, ai cũng mừng thầm vì mình đã được trở về với giường êm nệm ấm và cũng vô cùng ái ngại cho đoàn thám hiểm người Đức đang còn cheo leo trên vách núi của “nóc nhà Đông Dương” giữa mưa nguồn…
Tháng 5-2001
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận