Các công nhân trở lại nhà xưởng sau gần 3 tháng phải tạm ngưng sản xuất vì dịch - Ảnh: CHÂU PHẠM
Ở đây có thiếu thốn mà gắng thêm chút cũng có miếng ăn, không làm việc này thì xin việc khác, kiểu chi cũng có tiền nuôi con ăn học. Chứ về quê mà kiếm ra công việc được 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng cũng bạc mặt, con gái vừa vô đại học đóng ngay 8 triệu phải đi mượn đó.
Chị Nguyễn Thị Hồng Luyện bộc bạch
Có những người suốt 2 thập niên gắn bó với chiếc bàn may chưa từng nghĩ đời thợ của mình có ngày thất nghiệp dài đến cả 4 tháng. Nhưng đoạn trường chống dịch đầy gian nguy rồi cũng qua, các khu công nghiệp lại rộng cửa đón công nhân, nhà xưởng lại rộn tiếng máy móc.
Nửa mừng, nửa lo
Trở lại nhà máy thân quen sau gần 3 tháng xa vắng, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt nữ công nhân Ngô Thị Hợi (39 tuổi) là phân xưởng giày da trong Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức) ngổn ngang nguyên liệu, chuột lót ổ ngay trên sàn nhà, máy móc bám bụi, còn cây cối héo queo.
Đây là hậu quả của việc nhà xưởng đột ngột ngưng sản xuất khi công ty có người mắc COVID-19, các công nhân tháo chạy giữa chừng khiến nhà xưởng quy mô 4.000 công nhân rơi vào tình cảnh đình đốn. Nhớ những ngày đầu tháng 7, chị Hợi kể số ca nhiễm trong nhà máy từ 1 người tăng lên 2, 3 người khiến ai cũng hoảng, chẳng còn tâm trạng làm việc.
Lúc đầu, chị Hợi cũng như hàng ngàn công nhân khác nghĩ rằng chỉ nghỉ nửa tháng, ai ngờ dịch bùng phát mạnh khiến cô công nhân quê Nghệ An này phải ở nhà đằng đẵng mấy tháng trời. Chồng chị, anh Phan Văn Định, đi làm "3 tại chỗ" trong xưởng gỗ ở Bình Dương được tháng rưỡi, rồi nhà xưởng cũng bùng dịch, anh em công nhân nản nên rủ nhau bỏ xưởng về nhà.
Ngày được công ty gọi đi làm lại, chị Hợi cứ nôn nao như thuở ban đầu "Nam tiến" xin việc dù 20 năm qua chị gắn bó duy nhất với nhà xưởng này. "Mừng lắm, cứ thấy vui trong bụng vì mình được đi làm là có tiền lo cho cả nhà. Nhưng khi tới nhà xưởng rồi lại thấy lo khi nghĩ về hai đứa con nhỏ còn chưa được tiêm vắc xin, lỡ có chuyện gì, niềm vui chưa được trọn vẹn lắm" - chị Hợi chùng giọng.
Để giữ an toàn cho con, người mẹ này dặn hai cháu nhỏ rằng mẹ đi làm về "không được chạy ra ôm mẹ", cơm chiều hai đứa phải ăn riêng, khuya đến phải ngủ riêng khiến chị cũng nặng lòng.
Cũng có con nhỏ mới 4 tuổi nhưng nam công nhân Nguyễn Thanh Phong (quê An Giang, Công ty Vexos) lại bớt lo hơn lúc trở lại nhà xưởng bởi vợ con đã từng mắc... COVID-19 vào giữa tháng 7. Phong và vợ đều làm công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), khi công ty áp dụng "3 tại chỗ", vợ chồng quyết định ở nhà chăm con nửa tháng thay vì khăn gói vào công ty. Nhưng không ngờ, dãy nhà trọ công nhân gần 40 phòng lần lượt "dương tính", trong đó có cả vợ và đứa con thơ của Phong buộc phải đi chữa trị tập trung.
May mắn, sau nửa tháng vợ con khỏe mạnh trở về khiến ông bố trẻ này thấy cuộc sống của mình như được tái sinh. "Công ty mình còn duy trì lương, chứ công ty bên vợ suốt mấy tháng trời không thấy đồng nào nên lo lắm, lỡ mình thất nghiệp thêm là đuối luôn. Không ngờ cũng có ngày vợ chồng cùng được đi làm trở lại" - Phong vui vẻ kể.
Ngày đầu tiên trở lại nhà xưởng của nam công nhân Nguyễn Thanh Phong (phải) sau gần 3 tháng nghỉ ở nhà - Ảnh: HỒNG LUYỆN
Bám trụ Sài Gòn
Căn phòng trọ xập xệ của vợ chồng anh Võ Sơn Thành (quê Sóc Trăng) những ngày này rộn vang tiếng cười hơn thường lệ khi vợ chồng anh may mắn là những công nhân đầu tiên được đi làm trở lại, có được nguồn thu nhập để trả nợ ngôi nhà mới cất ở quê.
Cặp vợ chồng này đã gắn bó với Công ty giày da PouYuen hơn chục năm. Đợt dịch bùng phát, vợ chồng anh là hai trong số 56.000 công nhân của doanh nghiệp có lao động đông nhất TP.HCM buộc phải đóng cửa khi số ca nhiễm cứ tăng lên. Những ngày ở nhà, dù xóm trọ có lúc bị phong tỏa, có lúc nhà trọ sát vách dính người F0 nhưng anh Thành vẫn khuyên vợ bám trụ lại Sài Gòn bởi sau lưng còn nợ nần chồng chất.
Lắm lúc lung lay chuyện về hay ở nhưng cuối cùng anh Thành vẫn chọn ở lại nhà trọ và may mắn thay là cả vợ chồng đều khỏe mạnh vượt qua đợt dịch. "Cứ ở lại đây cái đã, tới đâu hay tới đó, chứ về quê cũng chẳng biết làm gì cho ra tiền mà trả nợ" - anh Thành kể.
Giống anh Thành, nhiều người đã chọn ở lại thành phố để có được ngày trở lại nhà xưởng, song lúc đỉnh điểm dịch bệnh, đối diện với trăm mối âu lo, quê hương vẫn là nơi mà không ít công nhân đau đáu muốn về.
Tròn 20 năm bôn ba xứ người, cô công nhân Nguyễn Thị Hồng Luyện (39 tuổi, quê Quảng Bình) đã trải qua những tháng ngày ám ảnh mà khi nhắc lại, chị nói bằng chất giọng miền Trung nặng trĩu rằng: "Về quê cũng chẳng đặng, mà ở lại cũng chẳng xong". Những ngày TP phong tỏa, chị Luyện sống đơn độc trong căn nhà trọ khi chồng và 3 đứa con đã về quê.
Thấy dòng người khăn gói hồi hương, cứ nghĩ về 4 cha con là chị lại muốn về quê. "Lúc đó, tâm trí mình chia đôi, nửa muốn về nửa muốn ở, nhưng thực lòng cũng muốn gồng lên mà ở lại Sài Gòn, được chích vắc xin, rồi dịch lắng xuống để đi làm lại thôi" - chị Luyện kể. T
rở về nhà sau ngày thứ hai đến nhà xưởng, chị Luyện kể rằng quê chồng ở ngay rốn lũ Lệ Thủy, thiên tai khắc nghiệt nên trở về cũng khó kiếm ra việc lương bổng đều đặn, mà quay lại làm nông cũng chẳng giản đơn khi vợ chồng đã biệt xứ nhiều năm.
Trở lại nhà xưởng là ao ước bấy lâu nay nhưng công nhân dạn dày kinh nghiệm Ngô Thị Hợi vẫn không ít lần rưng rưng nước mắt khi nhận điện thoại từ quê. Vào Nam từ năm 16 tuổi, ban đầu chị tính làm công nhân một vài năm rồi về, song cứ hết năm này qua năm khác lại cứ "ráng thêm chút nữa", không ngờ gắn với mảnh đất này đến 23 năm.
Ngay ngày đầu trở lại nhà xưởng, đứa em gái của chị Hợi cũng là công nhân ở Bình Dương vừa lên xe về quê, khiến chị cũng nao lòng muốn cùng chồng con hồi hương. "Cha mẹ gọi vào cứ khóc suốt, ai cũng nói về đi cơm cháo có mẹ cha, tiền bạc mai mốt còn làm lại được, giờ dịch bệnh lo cho mạng người trước. Nhưng muốn về cũng không dễ nên cứ nán lại thêm, giờ được đi làm lại rồi cũng nguôi ngoai đi phần nào, thôi ở lại làm, đến tết rồi tính tiếp" - chị Hợi nói.
Trắng đêm không ngủ vì được trở lại cao ốc
Nữ nhân viên văn phòng Then Mây đã trở lại nhịp sống công sở - Ảnh: THANH TRÀ
Giống công nhân, giới nhân viên văn phòng cũng háo hức trở lại các tòa cao ốc. Ngày đầu tiên bước trở lại cao ốc trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1), nữ nhân viên một công ty Nhật Bản Phạm Phương Thảo kể rằng chưa quen "nhịp sống sinh học" mới khi phải dậy sớm, chạy xe 30 phút đến văn phòng và phải mặc "mấy lớp áo" thay vì ăn mặc thoải mái như ở nhà.
Tuy vậy, điều làm cho Thảo vất vả nhất đó là khối lượng công việc dồn ứ khá lớn phải giải quyết cấp tốc trong khi cứ đến gần trưa là mắt lại mở không ra vì quen... ăn ngủ điều độ.
Còn với nữ nhân viên văn phòng Then Mây, việc trở lại công ty sau 3 tháng xa cách khiến cô gái này nôn nao. "Buổi tối trước ngày trở lại làm việc tôi không ngủ được, có một chút hồi hộp, nôn nao, cảm giác như rất lâu rồi mới được gặp lại người yêu vậy" - Mây nói.
Bên cạnh trở lại công việc, điều Mây cảm thấy mừng nhất là ai cũng khỏe mạnh sau những tháng ngày âu lo. "Giãn cách suốt mấy tháng nên khi gặp lại đồng nghiệp có đủ thứ chuyện để nói, nhưng hay một cái là các mối quan hệ chẳng thấy xa cách gì mà gắn bó hơn dù một thời gian dài không gặp nhau" - Mây kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận