|
Ông Phan Văn Tiến - chủ hộ trong 11 hộ dân bị mất nhà cửa hoàn toàn bật khóc khi nhìn về ao tôm trị giá hàng trăm triệu đồng, tài sản của gia đình bị lũ cuốn sạch chỉ trong vài giờ - Ảnh: B.D |
Tuyến đê sông La Tinh tức nước, hàng ngàn m3 nước qua triền đê rồi đổ ập vào hàng chục nhà dân ở xóm Xuân Cỏ, thôn An Xuyên 3 làm ngôi làng này đổ sập.
Tròn một tuần sau đêm kinh hoàng, trở lại ngôi làng này đâu đâu cũng thấy cảnh xơ xác, hoang tàn.
Xuân Cỏ là ngôi làng mà phần đông người dân lâu nay sống bằng những đìa tôm, những giỏ cá mua được từ ngư dân, nhưng từ nay tất cả sẽ phải gầy dựng lại từ con số không.
Trong tổng cộng gần 20 ngôi nhà ở xóm này, có tới 11 căn đã bị nước cuốn sập hoàn toàn. Cuộc sống các hộ dân ở đây đang trở về đúng cảnh màn trời chiếu đất: không nhà cửa, phải dắt nhau đi ở nhờ người thân, hàng xóm. Trẻ con đến trường trên những chiếc sõng (thuyền nhỏ), đường về nhà nay không còn nữa mà phải ngồi trên sõng để người lớn chèo đi qua ngôi làng đổ sập.
|
Hai người đàn ông ở xóm Xuân Cỏ về làng nhặt nhạnh những thứ còn sót lại sau lũ, gầy dựng lại cuộc sống mới - Ảnh: B.D |
Chiều 22-12, khi có mặt ở xóm Xuân Cỏ này, một hình ảnh hiện ra trước mắt khiến nhiều người chứng kiến không khỏi xót xa: Một chiếc sõng nhỏ được một người đàn ông lớn tuổi chèo chống, thuyền băng nhẹ xuyên qua lạch nước do trận lũ đêm 15-12 xé qua, tạo dòng.
Trên chiếc sõng ấy, mấy đứa trẻ ngồi trên, quần áo học sinh, vai mang khăn quàng đỏ, lưng đeo cặp. Các em đang trên đường trở về nhà sau những buổi học đầu tiên qua lũ.
Chiếc sõng băng qua lạch nước, phía sau là hàng lớp lớp những ngôi nhà bị xé toang, đổ sập, nằm nghiêng ngả bên hố vực, giữa vô số những gốc dừa đang đơm trái non bỗng bị lũ về kéo đổ sập.
|
Hình ảnh đầy tương phản về ý chí không khuất phục của con người: Nhóm học sinh được người đàn ông dùng sõng chèo luồn qua lạch nước mới bị lũ xé qua làng, các em nhỏ trở lại lớp sau khi lũ đi qua - Ảnh: B.D |
Một hình ảnh tương phản gợi lên sự đau thương, tàn phá của lũ lụt, của thảm hoạ và sự gượng dậy mạnh mẽ của con người.
Lũ lụt có tàn phá đến đâu, làng mạc có biến mất và tan hoang, dù nhà cửa không còn hay thôn xóm bị xóa sổ, thì sự hiện diện của con người vẫn vượt lên tất cả. Dân vẫn về gầy dựng lại nhà cửa, trẻ con vẫn vượt qua đau thương, qua đổ nát để tiếp tục tới trường.
Không ở nơi đâu đau thương nhiều như người miền Trung trong bão lũ. Và cũng không ở nơi nào, sau đổ nát con người phải chấp nhận khuất phục và gầy dựng lại.
|
Người dân xóm Xuân Cỏ trở về làng sau khi lũ dữ quét qua. Mọi thứ đều đổ nát, ngổn ngang - Ảnh: B.D |
|
Những người dân bị mất nhà cửa trong bão lũ chọn lựa quần áo cũ sau khi được các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ - Ảnh: B.D |
|
Một cậu bé cố luồn lách qua đám cây đổ gãy để về lại làng cũ sau khi lũ tràn qua - Ảnh: B.D |
|
Một góc xóm nghèo Xuân Cỏ sau bão lũ. Nước đã cuốn đi tất cả nhưng không cuốn trôi được ý chí sắt đá của những người dân nghèo nơi đây - Ảnh: B.D |
|
Sau bão lũ, người dân ở các thôn xóm lại nắm lấy tay nhau vượt qua khó khăn. Những hộ bị ảnh hưởng nhẹ hơn sau khi dọn dẹp xong nhà cửa lại tiếp tục đi “cứu trợ” những gia đình bị mất nhà cửa trong lũ - Ảnh: B.D |
|
Một phụ nữ bị mất nhà cửa nhận tiền “cứu trợ” từ một gia đình khác cũng bị thiệt hại trong lũ - Ảnh: B.D |
|
Ruộng đồng, nhà cửa tan tác, ao đìa nuôi tôm bị lũ cày xới - Ảnh: B.D |
|
Một người đàn ông trở về làng cũ để nhặt những trái dừa non bị nước lũ đánh rụng - Ảnh: B.D |
|
Người phụ nữ này đạp xe đạp từ làng mình chở theo “hàng cứu trợ” mà gia đình quyên góp được để chia phần cho những hộ bị lũ đánh sập nhà cửa - Ảnh: B.D |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận