Chiếc xuồng lườn từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sử dụng đi lại trong thời gian công tác ở đồng chó ngáp Bạc Liêu - Ảnh: V.TR. |
>> Kỳ 1:
Không ai thống kê được có bao nhiêu đạn pháo của Pháp và Mỹ đã giội xuống đồng chó ngáp Bạc Liêu.
Theo tài liệu của Huyện ủy Hồng Dân, Bạc Liêu là tỉnh thứ 20 của Nam kỳ trong thời kỳ Pháp thuộc. Khi đặt bộ máy cai trị ở đồng chó ngáp, thực dân Pháp đinh ninh rằng sẽ trấn áp được những người nông dân nghèo khó ở làng Ninh Thạnh Lợi.
Nhưng vào tháng 5-1927, những người nông dân này đã dạy cho họ một bài học.
Nông dân nổi dậy đòi đất
Trong báo cáo của thống đốc Nam kỳ gửi toàn quyền Đông Dương ngày 28-5-1927 thì làng Ninh Thạnh Lợi có 900 người đăng ký. Họ là những người nông dân ở nơi khác đến khai hoang vùng đất này từ rất nhiều năm trước.
Thế nhưng chẳng có ai đăng ký sở hữu đất đai mà mình khai hoang vì không hiểu luật lệ. Đó cũng là sơ hở để tên địa chủ người Pháp Beauville-Eynaud lợi dụng giở trò chiếm đất của dân từ năm 1922.
Hắn cho thuộc hạ làm đơn gửi chính quyền thực dân xin khẩn đất tại làng Ninh Thạnh Lợi. Hắn đăng ký “khai hoang” ngay trên những thửa đất đang được nông dân sản xuất.
Nông dân vô cớ bị mất đất, trở thành tá điền cho hắn. Bức xúc vì bị cướp đất, một phú nông tên Trần Kim Túc (Chủ Chọt) đã đứng ra vận động nông dân đứng lên đấu tranh đòi đất bằng cách gửi đơn kiện đến thống đốc Nam Kỳ. Kết quả là Pháp buộc tên địa chủ này phải trả lại đất cho nông dân.
Tuy nhiên Beauville-Eynaud không dễ chịu thua. Hắn câu kết với các tên ngụy tề làng để dần chiếm đất của dân theo kiểu tằm ăn lá dâu. Tức nước thì vỡ bờ, năm 1927 ông Trần Kim Túc đã vận động nông dân nổi dậy.
Vũ khí chỉ là khoảng 200 cây phảng (dụng cụ phát hoang cỏ của nông dân), nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ để nông dân Ninh Thạnh Lợi giành thắng lợi đầu tiên, khiến tên chánh tổng Thanh Yên dẫn đám tàn quân bỏ của chạy lấy người.
Sau đó Pháp tăng viện binh với đầy đủ súng ống, đạn dược rồi đưa quân ở các vùng lân cận đến đàn áp.
Cuộc nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi cuối cùng cũng thất bại sau khi có 17 người chết, 88 người bị bắt gồm cả đàn bà và trẻ em.
Tuy nhiên chính quyền Pháp không dám xử tử hình ai và phải điều chỉnh chính sách ruộng đất ở Đông Dương, trả lại đất cho nhiều người, trong đó có gia đình ông Trần Kim Túc và nông dân làng Ninh Thạnh Lợi.
Vào năm 1947, chính quyền cách mạng đã đổi tên ấp Nam Lợi 1 thành ấp Chủ Chọt thuộc xã Ninh Thạnh Lợi như là một sự ghi nhận công lao của ông Trần Kim Túc.
Đem cả máy bay bắn trâu
Ông Lâm Văn Húa (60 tuổi, xã Ninh Thạnh Lợi A) kể trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chó ngáp được xem là một chiến trường rất ác liệt. Ban ngày địch cho máy bay quần thảo, ban đêm thì bắn pháo sáng, không giờ nào được yên.
Gia đình ông Húa có hơn 20 con trâu. Ông còn nhỏ nên chỉ được phân công giữ bốn con. Khoảng năm 1967, đàn trâu của gia đình ông và hàng trăm con khác đang ăn cỏ trên đồng chó ngáp thì máy bay địch ùn ùn kéo tới.
Bọn lính ngồi trên máy bay chĩa súng xuống xả đạn như vãi trấu. Hàng trăm con trâu ngã lăn ra chết. Trâu chết quá nhiều, dân ở đây lại ít nên không thể nào xẻ thịt ăn hết, vì vậy chỉ mấy ngày sau cả cánh đồng bốc mùi thối không ai dám lại gần.
Nhiều lão nông ở đây nói họ không nhớ nổi có bao nhiêu lần máy bay địch thảm sát trâu, nhưng chuyện trâu bị bắn chết thối đồng thì lúc nào cũng có.
Cho đến bây giờ, hình ảnh người và trâu ở ấp Phước Trường, xã Phước Long bị máy bay địch thảm sát kinh hoàng vào năm 1967 vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Lê Phương Vũ (69 tuổi, ấp Thống Nhất, xã Ninh Thạnh Lợi A).
Ông bùi ngùi: “Do địch càn quét trong rừng quá khốc liệt nên bộ đội, người dân và những đàn trâu phải di chuyển ra các cánh đồng cỏ năn để tránh. Hôm đó trực thăng của Mỹ phát hiện và xả súng kinh hoàng. Hàng chục người chết, còn trâu chết la liệt thúi cả một vùng...”.
Những ai từng xem bộ phim Cánh đồng hoang đều có thể hình dung được đồng chó ngáp Bạc Liêu trong thời kháng chiến chống Mỹ cũng ác liệt như thế. Ông Võ Văn Út, bí thư Huyện ủy Hồng Dân, nói trước năm 1975 đồng chó ngáp có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả hai bên.
Lý do đây là một vùng đệm thiên nhiên giữa vùng địch tạm chiếm là các khu dân cư sống dọc theo tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp với khu căn cứ cách mạng Cái Chanh.
Nếu địch đổ quân càn vào khu căn cứ Cái Chanh sẽ bị “trắng lưng” trên cánh đồng chó ngáp. Ngược lại, địch phát hiện người hay trâu trên đồng thì vãi đạn giết hết.
Để tránh những làn đạn vô tình lẫn chủ ý của địch, nông dân ở đồng chó ngáp đã có sáng kiến rất độc đáo là đào rất nhiều hầm ngay trên đồng, cạnh những ao nước để khi gặp máy bay địch thì có chỗ nấp.
Lão nông Trần Thanh Phong ở xã Ninh Thạnh Lợi A đã phải đào hàng chục cái hầm như thế khi chăn trâu và khai hoang vùng này.
Ông kể: “Trên đồng hoang này toàn cỏ. Máy bay địch bay trên đầu thì chúng nhìn thấy hết bên dưới có gì. Bọn lính thấy trâu thì bắn trâu, thấy người là bắn người. Thấy có chòi lá thì vừa bắn, vừa đốt.
Ngay cả khi chúng phát hiện một đám cỏ năn, lác bị cắt đi thì cho rằng xung quanh có người nên cứ xả súng bắn xối xả. Tui nghĩ ra cách đào những cái ao (còn gọi là đìa) trên đồng vừa để giữ nước cho mùa khô, vừa đánh dấu là có hầm bí mật ở đó.
Đào ao xong thì tui đào hầm ngay bên cạnh, sâu chừng 2m vừa cho 1-2 người chui vào đó tránh đạn từ máy bay. Nắp hầm là một mô đất, trên đó có cỏ ngụy trang”.
Đào hầm xong, ông nói cho những người khác biết cách nhận ra hầm bí mật để tránh khi gặp máy bay địch.
Nhiều người cũng đào thêm hầm như ông nên trên đồng chó ngáp có hàng trăm hầm bí mật cạnh ao nước. Nhờ vậy mà ông Phong và rất nhiều người dân khác đã tránh được vô số trận càn của địch.
Căn cứ cách mạng giữa đồng chó ngáp Chúng tôi ngồi vỏ lãi đi xuyên qua những cánh đồng và những con kênh lớn trồng dừa nước dày đặc hai bên bờ để đến khu di tích lịch sử căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu ở ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi. Đây là nơi các ông Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt... từng sinh sống và hoạt động cách mạng. Vào sâu bên trong là những căn nhà lợp lá dừa nước đơn sơ từng là nơi làm việc của ông Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt và bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Trong nhà đều có những chiếc lu đặt sâu dưới đất làm hầm bí mật. Bên cạnh những ngôi nhà còn có hầm tránh pháo. Tại căn cứ này vẫn còn lưu giữ chiếc xuồng nhỏ mà ông Võ Văn Kiệt thường sử dụng để đi lại trong đồng chó ngáp. Đặc biệt là chiếc lu ximăng của cai tổng Trí ở Phước Long được bảo vệ của ông Lê Duẩn lấy đem về làm hầm bí mật cho ông tại căn cứ này giai đoạn 1949-1952. |
_________
Kỳ tới: Trời cho “Một bụi đỏ”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận