23/03/2017 10:14 GMT+7

Trở lại 'đại bản doanh' ma túy của Vàng A Khua

HOÀNG ĐIỆP - MAI VINH
HOÀNG ĐIỆP - MAI VINH

TTO - “Sau trận nổ súng, Hang Kia trở nên đáng sợ và nguy hiểm cho bất kể người nào không phải là dân địa phương”.

Khu nhà của Vàng A Khua gồm hai căn xây dựng kiên cố bằng bêtông, gỗ. Trong nhà có hầm trú ẩn - Ảnh: MAI VINH
Khu nhà của Vàng A Khua gồm hai căn xây dựng kiên cố bằng bêtông, gỗ. Trong nhà có hầm trú ẩn - Ảnh: MAI VINH

Đã bảy năm sau vụ Vàng A Khua nã súng vào lực lượng công an khiến ba người thiệt mạng. “Sau trận nổ súng, Hang Kia trở nên đáng sợ và nguy hiểm cho bất kể người nào không phải là dân địa phương” - thiếu úy Hờ A Lềnh, trưởng công xã Hang Kia, huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), nói.

Nhà xưa giờ đã khác

A Lềnh dẫn chúng tôi đến nhà Vàng A Khua. Đó là khu nhà nằm cách UBND xã chừng 500m, dựa lưng vào một quả đồi trọc, bao bên ngoài là bức tường bêtông cao hơn 2m.

Cánh cổng bằng sắt nặng trịch sơn màu xanh tuy không đóng chặt, nhưng tạo cảm giác cô quạnh và lẻ loi giữa hoang vu. A Lềnh đẩy cửa bước vào.

Ngay cổng vào là chuồng lợn, một phụ nữ già và hai đứa trẻ nhỏ đang loay hoay ở đó. Lềnh chào, bà ừ hử.

Nhưng căn nhà gỗ, nơi ông Vàng A Khua đã trốn dưới hầm, rồi vọt lên mang súng bắn xối xả vào công an, đóng cửa kín.

A Lềnh bảo qua nhà sau, một ngôi nhà kiểu người Mông, có hiên phía trước rất rộng để xe máy, và toàn bộ hiên được lắp kính cường lực che chắn cho phía trước ngôi nhà.

“Nhà này giờ là cháu nội của Vàng A Khua ở, con dâu của Khua cũng ở đây” - A Lềnh nói rồi gọi lên bằng tiếng Mông.

Một thanh niên cao ráo bước ra bắt tay A Lềnh, đó là Vàng A Páo, cháu nội đích tôn của Vàng A Khua.

A Páo sống trong ngôi nhà thứ hai này cùng mẹ, vợ và ba con nhỏ. A Páo mời mọi người vào nhà theo lối cửa bên.

Nhà A Páo lót đá hoa, cột gỗ, lòng nhà rộng. Trong nhà có sofa bọc da, có giường bằng gỗ pơmu và rèm cửa khá đẹp.

Phía trên bàn uống nước là tấm hình một người đàn ông trong trang phục người Mông. A Páo nói: “Đây là bố mình. Vàng A Của. Bố mình là thầy giáo. Bố mình có nhiều giấy khen”.

A Páo chỉ vào hình rồi chỉ vào những bằng khen được treo trang trọng trên tường nhà. A Páo không giấu chút tự hào khi nói về cha. A Của bị chính cha mình - Vàng A Khua - bắn chết khi A Của được vận động ra khỏi nhà.

A Páo 22 tuổi, lấy vợ từ năm năm trước khi đang là học sinh phổ thông. A Páo cho biết mình đã có bằng cao đẳng sư phạm, giờ chờ xin việc, vì A Páo muốn nối nghiệp của cha mình.

Trong suốt câu chuyện, A Páo không nhắc đến ông Khua, ông nội.

Khi rời căn nhà có lắp kính ấy, đại úy Hoàng Ngọc Tú - cán bộ điều tra của huyện Mai Châu - định trở vào ngôi nhà gỗ phía ngoài, nơi từng là hiện trường của vụ chống người thi hành công vụ đẫm máu ấy, thì thiếu úy Hờ A Lềnh bảo: “Nhà người ta cắm lá xanh rồi, không vào được!”.

Lúc ấy chúng tôi mới để ý phía mái đầu hồi nhà đã giắt một nắm cành lá còn tươi nguyên.

Dấu hiệu của chủ nhà cho thấy họ không muốn đón tiếp người ngoài. Lềnh nói những nhà giắt lá xanh như vậy là trong nhà họ đang có việc quan trọng và việc giắt lá liên quan đến tín ngưỡng.

Đại úy Tú bước lại nơi từng khiến ba đồng đội của anh ngã xuống. Chỗ ấy cách chùm lá xanh chỉ ba bước chân.

Nghĩa là những chiến sĩ ngã xuống ở cự ly rất gần với Vàng A Khua. Dòng máu của họ đã chảy thấm trên miếng đất, nơi mà những cây mận vừa lên chồi xanh mướt, mà rất có thể chùm lá xanh kia được hái từ chính cây mận này!

Đại úy Hà Tiến Dũng với những giấy khen trong phòng thờ cha. Anh giờ là người thay cha trực tiếp chiến đấu với tội phạm ma túy - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Đại úy Hà Tiến Dũng với những giấy khen trong phòng thờ cha. Anh giờ là người thay cha trực tiếp chiến đấu với tội phạm ma túy - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Bố vẫn ở đâu đây

Bảy năm đã qua, cuộc sống gia đình của đại tá Hà Thái Yềm bây giờ đã khác. Khi hi sinh, ông Yềm đang là phó trưởng Công an huyện Mai Châu. Bây giờ con trai của đại tá Yềm - đại úy Hà Tiến Dũng - được bổ nhiệm vào đúng vị trí của cha mình trước đây.

Trong ngôi nhà khang trang ở thị trấn Mai Châu, bà Hà Thị Ẩn (vợ của liệt sĩ Hà Thái Yềm) cùng hai con trai đến ban thờ thắp nhang cho ông.

Bà nói rằng phòng thờ liệt sĩ Yềm vốn trước đây là phòng làm việc của ông. Tất cả mọi vật dụng, đồ dùng vẫn để nguyên như cũ không có gì thay đổi. Đây là nơi con cái, đồng đội thường ngồi mỗi khi họ nhớ về ông.

Bà Ẩn nói rằng bảy năm đi qua, nhưng mỗi dịp tết đến bà lại không thể nào quên được nỗi đau đến tột cùng mà gia đình bà phải gánh chịu.

“Con trai gọi điện thoại cho tôi nói rằng mẹ chuẩn bị chăn gối lên bệnh viện, bố bị thương” - bà nhớ lại.

Đêm đó ông ấy đi làm như mọi ngày. Cũng bí mật như tất cả mọi chuyến công tác khác, không kể gì về những dự định hay những việc sẽ làm, cũng không nói về những hiểm nguy đang rình rập.

Kể lại buổi chiều 5-2-2010, bà nhớ thấy xe cứu thương chạy về, trong bụng bà đã nghĩ có chuyện chẳng lành.

Thấy các anh cán bộ từ tỉnh xuống nữa, nhưng mọi người sợ bà sốc nên nói bà đừng vào bệnh viện, để bác sĩ làm việc. “Lúc ấy thằng Dũng đã biết rồi nhưng nó không nói cho tôi biết. Các chú ấy vẫn còn giấu”.

Mang ra chiếc áo còn thủng những vết đạn, chiếc đồng hồ mà ông Yềm đã đeo tay, chiếc kim đồng hồ dừng lại ở thời khắc ông hi sinh, bà Ẩn nói rằng: “Đây là những kỷ vật gắn với sự hi sinh của ông ấy.

Tôi vẫn giữ gìn để các con tôi, cháu tôi biết rằng những cái chết không chỉ đến bởi những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm mà máu của chồng tôi và các đồng đội của ông ấy vẫn đổ khi chúng ta đang sống ở thời khắc hòa bình”.

Bảy năm sau khi cha mình hi sinh, bản thân mất đi một đồng đội, một thủ trưởng, đại úy Hà Tiến Dũng nói rằng mọi chuyện đối với anh chưa xa. Mọi chuyện bất ngờ đến nỗi anh không tin được đó là sự thật.

Hai cha con làm cùng một đơn vị. Khi đi làm là sếp và nhân viên, về nhà là cha và con. Năm năm sau khi cha hi sinh, Dũng được lựa chọn vào đúng vị trí mà cha anh đã đảm nhiệm, phó trưởng Công an huyện Mai Châu khi mới 33 tuổi.

“Đến giờ, chuyến công tác của bố đối với tôi vẫn còn như mới. Cứ ngỡ rằng mọi chuyện vẫn chưa xa, bữa ấy bố và các anh, các chú đi và bố thì không bao giờ về nhà nữa”.

Nhắc đến Hang Kia, nơi cha mình đã hi sinh, Dũng nói từ ngày đó tới giờ anh chưa một lần trở lại Hang Kia: “Đối với tôi, đó là nơi khốc liệt dù bây giờ mọi thứ ở đó đã tốt hơn rất nhiều rồi, tôi nghĩ mình sẽ đến ngôi nhà đó nhưng chưa phải bây giờ. Ký ức xót xa quá!” - Dũng nói.

Sát Hang Kia còn có hai “điểm nóng” giáp ranh là Pà Cò (Hòa Bình) và Lóng Luông (Sơn La). Ở đó có một con đường độc đạo khét tiếng với những vụ án vận chuyển ma túy.

Kỳ tới: “Tam giác vàng” ở Tây Bắc

Để Mai Châu là một địa danh đẹp

Gia đình liệt sĩ Hà Thái Yềm đang chuẩn bị cải táng để đưa ông vào khu vực nghĩa trang liệt sĩ. Lau lại tấm bia mộ cho cha, đại úy Hà Tiến Dũng nói rằng những gì cha chưa làm được, anh nhất quyết sẽ làm.

Để Mai Châu là một địa danh đẹp đúng nghĩa, để khách du lịch khắp nơi đến đây thưởng thức món cơm lam, tham gia điệu xòe cùng các cô gái Thái mỗi đêm chứ không phải người ta nhắc đến Mai Châu với chỉ nỗi ám ảnh Hang Kia, Pà Cò và những tội phạm ma túy được trang bị vũ khí sẵn sàng xả súng vào lực lượng truy bắt.

HOÀNG ĐIỆP - MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp