08/12/2015 08:33 GMT+7

Trò kết cườm, thầy bán giúp trò

TIỂU NHẬT
TIỂU NHẬT

TT - Thương học trò chịu nhiều thua thiệt nên thầy cô Trường Khuyết tật tỉnh Hậu Giang đã nghĩ ra việc dạy nghề đan kết hạt cườm, rồi thầy cô chịu khó đi tìm thị trường để bán sản phẩm giùm trò.

Các học sinh Trường Khuyết tật tỉnh Hậu Giang đan kết hạt cườm  - Ảnh: Tiểu Nhật
Các học sinh Trường Khuyết tật tỉnh Hậu Giang đan kết hạt cườm - Ảnh: Tiểu Nhật

Ngoài việc giúp các em kiếm thêm thu nhập, thầy cô còn muốn rèn luyện cho học trò mình sự tự tin, tính độc lập...

Giờ nghỉ, hàng chục em học sinh ở độ tuổi 14 - 22 cặm cụi ngồi đan kết những hạt cườm đủ kích cỡ với đủ màu sắc: hồng, đỏ, trắng thành những sản phẩm xinh xắn, hài hòa, bắt mắt.

Dưới những đôi bàn tay kết thoăn thoắt, sản phẩm dần được hình thành. Có em làm móc chìa khóa nhỏ hình con chuồn chuồn, trái châu, con cá, chú chó ngộ nghĩnh... Có em kết những sản phẩm lớn hơn như túi xách, bóp, chậu hoa...

Thầy Nguyễn Thiện Toàn - tổng phụ trách của trường - cho biết toàn bộ sản phẩm các em làm ra đều được ghi vào sổ và được trường tìm kiếm đầu ra bằng cách một phần sản phẩm được trưng bày trong tủ kính, đặt cạnh phòng khách của trường, để bán cho khách đến tham quan trường. Còn phần lớn sản phẩm sẽ được trường đem đến những trường khác trên địa bàn TP Vị Thanh nhờ đồng nghiệp bán hộ.

Thầy Toàn bộc bạch: “Độ 2 - 3 tháng sẽ bán hết một đợt sản phẩm. Toàn bộ số tiền thu về sẽ trao lại cho các em để các em tùy nghi sử dụng đồng tiền từ công sức mình bỏ ra phụ giúp gia đình, trang trải sinh hoạt cá nhân, hoặc đầu tư mua hạt cườm về làm tiếp... Trường tuyệt đối không thu đồng nào.

Mỗi móc khóa giá bán từ 7.000 - 10.000 đồng, giỏ xách từ 80.000 - 120.000 đồng; túi xách, bóp, chậu hoa... từ 300.000 - 400.000 đồng... Trừ chi phí hạt cườm, bình quân hằng tháng mỗi em có thể kiếm thêm thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng”.

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Mai, 20 tuổi, học lớp 4, thổ lộ rằng cha mẹ Mai làm nông, lại ít đất đai sản xuất nên cái nghèo đeo bám quanh năm. Mấy năm trước Mai không phụ giúp được gì cho cha mẹ nên buồn lắm.

Nhưng giờ thì khác. Nhờ có trường dạy nghề đan kết cườm mà mỗi tháng Mai có thể kiếm 300.000 đồng gửi về nhà phụ cha mẹ. Dẫu số tiền đó không nhiều nhưng Mai rất vui, bởi đây là năm đầu tiên Mai phụ giúp được cha mẹ.

“Mai thích làm giáo viên, và mơ ước sau này sẽ là giáo viên để lo cho cha mẹ và bản thân...” - Mai thổ lộ ước mơ của mình bằng cách ra dấu...

TIỂU NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp