Phần lớn hành khách đi xe buýt tại TP.HCM đều được hưởng trợ giá từ ngân sách - Ảnh: DUYÊN PHAN |
Một lần nữa vấn đề trợ giá xe buýt được các đại biểu HĐND quan tâm trước thực tế tiền trợ giá vẫn cao, trong khi lượng khách đi xe buýt lại giảm.
Giảm hơn 11,4% hành khách đi xe buýt
Theo ông Phạm Đình Đức - trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP, dự kiến trong năm 2016 tiền trợ giá cho xe buýt là 1.017 tỉ đồng. Trong đó, ước số lượng hành khách đi xe buýt chỉ đạt 182,3 triệu lượt, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Ông Lê Hoàng Minh, phó giám đốc Sở GTVT TP, cho biết tiền trợ giá năm 2016 thấp hơn năm 2015 vì hành khách đi xe buýt giảm.
Ông Minh nhận định: “Tiền trợ giá giảm tưởng là tích cực nhưng thật ra xe buýt vẫn không đáp ứng được nhu cầu phục vụ hành khách. Việc hành khách đi xe buýt giảm dẫn đến doanh thu của các hợp tác xã sẽ giảm khiến đời sống của nhân viên giảm, ảnh hưởng đến ý thức, thái độ phục vụ, còn người dân càng né xe buýt”.
Đại diện Sở Tài chính TP bày tỏ lo ngại khi Sở GTVT TP đề xuất kinh phí trợ giá xe buýt trong năm 2017 tăng lên trong khi người đi xe buýt lại giảm.
Vị này đặt vấn đề Sở GTVT TP đánh giá phương thức trợ giá, hiệu quả của các tuyến xe buýt có trợ giá và trách nhiệm của đơn vị vận tải là phải tăng sản lượng hành khách được vận chuyển như thế nào?
Tương tự, một đại biểu Ban kinh tế ngân sách HĐND TP cho rằng việc trợ giá xe buýt là cần thiết và tiếp tục phải làm, nhưng phải đánh giá được hiệu quả ra sao, đặc biệt là trong tình hình ngân sách TP đang bị cắt giảm.
Trước các câu hỏi trên, ông Lê Hoàng Minh cho biết hiện nay nhiều người đặt câu hỏi trợ giá xe buýt có hiệu quả không, nhưng nếu không trợ giá thì vé xe buýt không rẻ, như xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm TP là 20.000 đồng.
“Nếu không trợ giá, một vé xe buýt 20.000 đồng, liệu người dân có đi xe buýt nữa không? Trong khi mục tiêu mong muốn người dân hãy sử dụng xe buýt. Ở đây, đối tượng đi xe buýt hướng đến là tất cả mọi người chứ không chỉ là học sinh, sinh viên, công nhân” - ông Minh nói.
Theo Sở GTVT TP, trong năm 2016 tiền ngân sách trợ giá vé xe buýt chiếm 41,18%, trên 50% chi phí còn lại các doanh nghiệp xe buýt phải thu từ việc bán vé cho khách.
Thu hút hành khách bằng cách nào?
Một đại biểu Ban kinh tế ngân sách cho rằng để tăng lượng khách đi xe buýt cần tạo điều kiện cho xe buýt được đi vào các làn đường xe hai bánh, vì như vậy xe buýt sẽ đi nhanh hơn và đúng giờ.
Tuy nhiên, ông Minh cho biết nếu xe buýt được đi vào làn đường xe hai bánh thì phải quản lý kỹ, không để những xe quá cũ “xì khói” ảnh hưởng đến người đi xe máy. Theo ông Minh, cần có giải pháp làm làn đường dành riêng cho xe buýt (xe buýt nhanh - BRT).
Theo Sở GTVT TP, hiện nay sản lượng vận tải hành khách công cộng chiếm tỉ lệ 10% nhu cầu đi lại của người dân và mục tiêu đến năm 2020 phải tăng lên 15%. Sở GTVT TP đang nỗ lực làm sao để doanh thu của doanh nghiệp vận tải tăng, tiền trợ giá giảm...
Ông Nguyễn Văn Dũng, trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND TP, cho biết hoạt động vận tải hành khách công cộng được lãnh đạo TP quan tâm, thông qua đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông của TP để giảm ùn tắc, tạo điều kiện cho xe buýt lưu thông nhanh hơn nhằm góp phần để người dân đến với xe buýt.
Ông Dũng cũng nêu một thực tế là chất lượng xe buýt trong quá trình tham gia giao thông do bảo trì, bảo dưỡng chưa tốt nên nhiều xe máy móc chưa đến nỗi nhưng dáng dấp nhìn “ghê lắm” nên người dân ngán.
“Lên xe buýt để được mát mẻ mà máy lạnh xuống cấp nên vẫn nóng, vẫn bụi thì ai muốn lên xe? Trong thời gian tới phải khắc phục những hạn chế và có giải pháp cụ thể để phát triển vận tải hành khách công cộng” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, cần tổ chức các luồng tuyến xe buýt sao cho phù hợp (đường lớn bố trí xe buýt lớn, đường nhỏ có xe buýt nhỏ) và quan tâm đầu tư bến bãi, đánh giá thí điểm quảng cáo trên xe buýt để giảm bớt trợ giá từ ngân sách.
Hơn 5.800 nhân viên xe buýt “đi học” phục vụ hành khách Sáng 27-10, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM khai mạc lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho 5.800 lái xe, nhân viên, cán bộ quản lý, điều hành hoạt động xe buýt. Lớp tập huấn sẽ rèn luyện cho đội ngũ nhân viên xe buýt kỹ năng kiểm soát hành vi, giảm căng thẳng, cáu gắt và đào tạo cách ứng xử phù hợp với hành khách. Ngoài ra, lớp học này còn dạy cho học viên các kỹ năng, cách ứng phó khi gặp sự cố khẩn cấp như nạn móc túi, va quẹt xe... Một lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết trước đây các đơn vị vận tải đã tổ chức đào tạo nhân viên, nhưng lần này Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng tổ chức đào tạo lại cho nhân viên kỹ năng phục vụ hành khách tốt hơn. Theo trung tâm, việc nâng cao thái độ, ý thức của lái xe, tiếp viên xe buýt góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, thu hút người dân sử dụng xe buýt để đi lại. Được biết, theo kết quả khảo sát của trung tâm, thái độ phục vụ không tốt của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến số lượng hành khách sụt giảm nghiêm trọng suốt ba năm qua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận