Chùa Kỳ Quang 2 đóng cửa vào sáng 4-9 để “khắc phục sự cố” - Ảnh: TỰ TRUNG
Quá trình xác minh, hòa thượng Thích Thiện Chiếu - trụ trì chùa - cho biết chùa lưu giữ khoảng 350 hũ tro cốt của thân nhân gia đình phật tử, sự cố xảy ra do quá trình sửa chữa chùa...
Xét nghiệm ADN: không dễ!
Bước đầu, trụ trì chùa đã nhận thiếu sót, xin lỗi và đưa ra một số phương án như: sắp xếp lại chỗ đặt hũ tro cốt ở nơi trang nghiêm, tổ chức lễ thủy táng các hũ tro cốt nếu được thân nhân các gia đình đồng ý.
Tuy nhiên đa số người dân không đồng tình và đề nghị phải xác định lại hũ tro bằng cách nhận dạng các đặc điểm liên quan hoặc giám định ADN.
Cơ quan chức năng đã làm việc với hòa thượng Thích Thiện Chiếu và kiểm đếm, di dời các hũ tro cốt. Kết quả có 883 hũ tro cốt, trong đó có 302 hũ dưới hầm, 581 hũ đá trắng (có 108 hũ có hình hoặc bài vị), có 274 hũ (đánh số thứ tự từ 500 đến 773), có 307 hũ (đánh số thứ tự 01 đến 307).
Vợ chồng chị N.M. (Q.12) có 3 hũ cốt gửi tại chùa Kỳ Quang 2 từ những năm 1980. "Nay cả 3 hũ đều nằm trong số bị thất lạc bảng tên, cả nhà đang hoang mang không biết làm sao tìm lại hũ cốt của bà cố, bà ngoại và người chị đang gửi tại đây" - chị M. nói trong lo lắng.
Trong ngày 4-9, nhiều gia đình gửi tro cốt người thân ở đây đã đến bày tỏ sự lo lắng và cho rằng tro cốt đã gửi hàng chục năm, xương cốt được hỏa thiêu, liệu việc xét nghiệm ADN có còn chính xác?
Ông Đặng Văn Hải (ngụ quận Gò Vấp) nói: "Tôi không tin nhiều tro cốt có thể xét nghiệm ADN được, đối với những tro cốt từ nhiều năm trước không được hỏa táng, hóa thành đất bốc lên xét nghiệm độ chính xác không cao. Nhà chùa phải có cách giải quyết làm sao chính xác hơn để chúng tôi yên tâm".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một tiến sĩ thuộc Viện Di truyền y học TP.HCM cho biết việc xét nghiệm ADN trong tro cốt hoặc những tro cốt lâu năm hoàn toàn không có khả năng. Bởi vì tro cốt sau khi đốt thì xương đã bị cháy hết hoàn toàn.
Tro cốt bị đốt thì ADN cũng bị đốt cháy hết hoàn toàn, còn đối với những tro cốt lâu năm không được thiêu đốt thì lấy tủy xương sấy khô, nghiền ra, sử dụng phương pháp phân giải rất đặc biệt mới nhân bản được ADN.
Muốn có kết quả cao phải sử dụng công nghệ kỹ thuật phân tích gen tốt nhất. Tuy nhiên, khả năng xác định được đúng gen vẫn không cao, thậm chí chỉ chính xác 50%.
Còn theo một cán bộ kỹ thuật hình sự (Bộ Công an), hiện nay không giám định ADN dựa trên tro cốt được. Khi hỏa thiêu, thi hài cháy hết thì vật chất còn lại chỉ là carbon (tro cốt), không còn vật chất chứa thông tin ADN để có thể giám định.
Nếu không có các dữ liệu thông tin khác có thể xác định tro cốt ấy là của ai thì việc dựa vào kết quả giám định ADN tro cốt là không khả thi.
Giải quyết: rất khó khăn
Trước những băn khoăn về pháp lý trong sự việc này, luật sư Tôn Thất Hồ Nghị (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc làm thất lạc danh tính hũ tro cốt có thể phát sinh các vấn đề tranh chấp về trách nhiệm bảo quản, giữ gìn, bồi thường thiệt hại tinh thần của thân nhân gửi tro cốt.
Hiện nay, việc tín đồ đóng góp để chùa lưu giữ hũ tro cốt là việc tự nguyện thỏa thuận, có yếu tố tâm linh. Vì vậy pháp luật hiện hành không có quy định nào điều chỉnh.
Đồng thời, được biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng chưa có giáo luật, quy chế về việc này. Vì vậy, khi có xảy ra tranh chấp, đòi bồi thường phát sinh giữa thân nhân gửi tro cốt (đã góp tiền để được gửi) và phía nhà chùa (lưu giữ) thì chưa có hành lang pháp lý để giải quyết.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng không dễ chứng minh tro cốt của ai cũng như buộc trách nhiệm dân sự của nhà chùa. Bởi lẽ theo chuyên gia, hiện nay không giám định ADN dựa trên tro cốt được.
"Như vậy, về phía thân nhân rất khó chứng minh được hũ tro cốt đó có phải là của người thân của mình hay không để yêu cầu trách nhiệm từ phía nhà chùa.
Đồng thời, việc gửi tro cốt vào chùa có thể là thỏa thuận miệng hoặc thể hiện qua biên nhận khoản đóng góp với tổ trị sự, chứ chưa phải là vị trụ trì chùa và quan trọng nhất cũng chưa có quy định điều chỉnh, ràng buộc nào giữa hai bên nên rất khó để xử lý trách nhiệm, mâu thuẫn phát sinh" - luật sư Nguyễn Huy Việt nhận định.
Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị cho biết thêm Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên có quy chế, nội quy điều chỉnh về trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tro cốt tại các cơ sở thờ tự.
Bởi lẽ vấn đề này thuộc về tâm linh, tôn giáo và là nhu cầu lớn của nhiều tín đồ hiện nay. Xét ở góc độ trách nhiệm hình sự, việc làm thất lạc, hư hỏng hũ tro cốt của các cá nhân có dấu hiệu hành vi xâm phạm hài cốt theo quy định Bộ luật hình sự.
Giáo hội đề nghị khảo sát tại các chùa cả nước
Liên quan đến việc lẫn lộn tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2 đang gây hoang mang cho nhiều gia đình tại TP.HCM, chiều 4-9, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức có văn bản đề nghị khảo sát, đánh giá việc thờ phụng tro cốt tại các cơ sở tự viện Phật giáo trên cả nước.
Theo đó, ban thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá việc gửi và thờ phụng tro cốt tại các cơ sở tự viện Phật giáo ở địa phương, gửi báo cáo về ban thường trực Hội đồng trị sự trước ngày 31-10.
Từ đó, Giáo hội sẽ có những định hướng trong công tác quản lý về Phật sự đặc thù này nhằm đảm bảo tốt nhất niềm tin, tín ngưỡng của nhân dân, phù hợp với truyền thống văn hóa tâm linh của người Việt Nam.
T.ĐIỂU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận