Đồng nghiệp từng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc chia sẻ kinh nghiệm với chị Hằng Nga trước lúc đi làm nhiệm vụ - Ảnh: H.TH.
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga năm nay 36 tuổi, hiện là trợ lý phòng tham mưu - kế hoạch Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Chị đã có hai con và dự kiến lên đường trong tháng 11 này, đến vùng đất được coi là đói nghèo và khắc nghiệt nhất thế giới.
Xung phong lên đường
Cử nữ sĩ quan Việt Nam có tính biểu tượng cao
Đại diện Bộ Ngoại giao nhận định lần đầu tiên Việt Nam cử nữ sĩ quan tham mưu sang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ có tính biểu tượng rất cao. Đã từ rất lâu, Bộ Ngoại giao nhận được đề nghị của tổng thư ký LHQ về việc cử một nữ sĩ quan hoặc cảnh sát tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ để đảm bảo chính sách bình đẳng giới.
"Chúng ta cử sĩ quan nữ sau khi cử 19 nam sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, sĩ quan liên lạc là đánh dấu bước chuyển mới. Sắp tới theo lộ trình, Việt Nam sẽ cử cấp cao hơn là cấp đơn vị, thể hiện chúng ta từng bước tham gia sứ mệnh chung. LHQ và các nước đối tác, bạn bè đánh giá rất cao và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam" - đại diện Bộ Ngoại giao cho biết.
Ngày 30-10, thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga nhận quyết định của Chủ tịch nước phân công tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Phái bộ Nam Sudan. Chị nói đến bây giờ vẫn nguyên xúc động và tự hào trong giây phút nhận quyết định.
Suốt ba năm qua, phía Việt Nam đã cử 19 lượt cán bộ, sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Năm trước, LHQ "ưu ái" dành cho Việt Nam một suất mới.
Biết tin, Hằng Nga tình nguyện viết đơn xin đi và từ khi được chọn, chị đã rèn luyện suốt cả năm trời để đợi giây phút có quyết định lên đường.
Chị kể trước đây, khi chưa về Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, chị đọc trên báo và rất ngưỡng mộ những người lính Việt Nam đầu tiên xung phong lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.
"Tôi không ngờ mình sẽ được noi gương các anh. Đây là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi" - thiếu tá Nga xúc động.
Suốt một năm trời, chị Nga được đơn vị tạo điều kiện để chị dành thời gian trang bị những kiến thức, kỹ năng cần có của một "sứ giả mũ nồi xanh" theo những quy chuẩn ngặt nghèo nhất của LHQ.
Chị đã hoàn thành tốt các bài kiểm tra ngoại ngữ, kỹ thuật lái xe hai cầu, dự các khóa tập huấn tại Sri Lanka, Uganda, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Những ngày đầu nhận tin, chị Nga cũng "lăn tăn" đôi điều vì đây là nhiệm vụ mới mà LHQ dành cho Việt Nam. Chưa kể sang một đất nước mới với nền văn hóa khác, làm việc trong môi trường nam nhiều hơn nữ sẽ ra sao?
"Nhưng đó là những lý do rất nhỏ và tôi vượt qua ngay trong vài ngày suy nghĩ. Tôi nghĩ mình ở đâu cũng được nếu quyết tâm. Và may mắn ở vị trí tôi làm có hai nữ sĩ quan Pakistan, phụ nữ thường dễ chia sẻ với nhau hơn ngay từ ban đầu" - thiếu tá Nga bày tỏ.
"Mẹ nhớ mang gối để có hơi ấm của con"
Điều khiến thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga cảm thấy hạnh phúc nhất là được sự tin tưởng và động viên từ gia đình, bạn bè, thủ trưởng đơn vị và đồng nghiệp.
Song khó khăn nhất của phụ nữ vẫn là thiên chức làm mẹ. Chị có hai con trai đang tuổi lớn, một đang học lớp 6 và cháu nhỏ học lớp 4. Phải xa các con để lên đường làm nhiệm vụ làm trái tim người mẹ bộn bề lo lắng.
Hằng đêm, chị thủ thỉ với các con: "Hôm nay mẹ lại đi công tác đấy, một tháng mới về cơ, và mẹ có thể đi lâu hơn đấy nhé". Chị làm công tác tư tưởng luôn với các con, cho con quen dần với việc mẹ vắng nhà dài ngày mà không bỡ ngỡ.
Chị kể cho các con nghe về vùng đất châu Phi, về Nam Sudan, về những em bé châu Phi cực khổ, về công việc của chị để góp phần nhỏ bé giúp ích cho hòa bình thế giới.
Biết sắp phải xa mẹ nên các con tận dụng hết mọi thời gian quý giá và bày tỏ cảm xúc với mẹ.
Con trai lớn Phạm Xuân Duy (11 tuổi) khiến trái tim chị nghẹn lại khi đưa cho chị một chiếc gối nhỏ xinh: "Con gửi cho mẹ cái gối của con từ thời con bé xíu. Mẹ nhớ mang gối để có hơi ấm của con". Cậu em đưa mẹ chiếc chăn và dặn nếu nhớ con thì mang ra đắp.
Chị nói: "Dù ở xa làm nhiệm vụ nhưng sẽ luôn có hơi ấm của người thân".
Gia đình hai bên ban đầu biết ý định của chị cũng hết sức lo lắng, nhưng rồi đều ủng hộ.
"Chồng và bố mẹ hai bên chuẩn bị sẵn sàng tinh thần chăm sóc các cháu thay tôi một thời gian, điều đó là sự động viên lớn" - chị Nga nói.
Phía trước nhiều thử thách
Trước khi lên đường, chị Nga có nhiều lo lắng không biết có sớm hòa nhập với môi trường mới không. Chưa kể công việc của chị rất quan trọng và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên, nên phải làm việc tốt và tốt hơn nữa.
"Phải làm việc tốt và tốt hơn nữa để những người kế tiếp có niềm tin là phụ nữ đều làm được như nam giới" - chị quyết tâm.
Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng (Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam) vừa trở về từ Phái bộ Nam Sudan vào năm ngoái.
Anh kể môi trường ở đây rất khắc nghiệt, nắng nóng khủng khiếp, mưa còn lụt lội, đường sá đi công tác không đảm bảo, chỉ có 60km đường nhựa, còn lại là đường đất gập ghềnh. Anh dặn dò chị Nga cần chuẩn bị sức khỏe, tâm lý để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Phụ nữ có lợi thế hơn nam giới vì LHQ luôn khuyến khích các nước thành viên cử phụ nữ sang. Họ nhận thấy vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hòa bình rất quan trọng. Người dân địa phương thường coi nữ sĩ quan làm hình mẫu, vì họ thấy phụ nữ cũng có thể làm được như nam giới.
Phụ nữ dễ dàng tiếp xúc với phụ nữ, với trẻ em ở vùng chiến sự, tạo cảm giác an toàn cho người dân" - thiếu tá Thắng nhận định.
Còn trung tá Vũ Văn Hiệp (trợ lý phòng quan hệ quốc tế Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam) cũng vừa trở về từ Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, cho biết tỉ lệ phụ nữ ở trong phái bộ thường 15-17%, thể chất và sức chịu đựng của phụ nữ không bằng nam giới nên thường gặp khó khăn ở nơi an ninh, khí hậu còn khó khăn, khắc nghiệt.
Do đó, mọi người ở đơn vị chia sẻ nhiều với thiếu tá Nga về kinh nghiệm nhận nhiệm vụ, với từng đối tượng, công việc cần chuẩn bị thế nào.
Đến nay, chị đã chuẩn bị tốt mọi thứ và sẵn sàng lên đường làm "sứ giả mũ nồi xanh" gìn giữ hòa bình.
"Tôi hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, trung tâm giao phó. Tôi hứa sẽ luôn giữ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thật tốt trong lòng bạn bè quốc tế" - thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga bày tỏ.
Dự kiến cuối tháng 5 năm sau chị sẽ có đợt về phép đúng vào sinh nhật con trai lớn, như là món quà đặc biệt của người mẹ dành tặng con trai.
Nhiệm vụ của thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga trao đổi công việc tham mưu - kế hoạch với đồng nghiệp - Ảnh: H.THANH
Trong vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự, công việc của thiếu tá Hằng Nga là tổng hợp và cập nhật bản đồ tình hình tác chiến tại các phân khu được chỉ định; trực ban tại trung tâm tác chiến, sở chỉ huy phái bộ; chuẩn bị các báo cáo đặc biệt và gửi điện tín về các sự cố xảy ra trên địa bàn; liên lạc với các cơ quan liên quan để đưa ra các thông báo về tai nạn, thương vong; theo dõi các tài liệu trong hệ thống dữ liệu tác chiến...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận