Có nhiều tranh luận khác nhau về vấn đề này, TTO trích đăng ý kiến luật sư Đinh Quang Thuận để bạn đọc tham khảo.
Phóng to |
Luật sư của bị đơn (bị tuyên thua kiện) giải thích về nguyên tắc của máy đánh bạc ở Palazzo - Ảnh: Chi Mai |
Điều 15 của quyết định 91/2005/QĐ-BTC ngày 8-12-2005 của Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng, được sửa đổi bổ sung theo quyết định 84/2007/QĐ-BTC ngày 17-10-2007 của Bộ Tài chính (quyết định 91) có quy định các cơ sở kinh doanh chỉ được tiến hành mua sắm máy chơi trò chơi có thưởng và tổ chức hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng khi đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó có điều kiện dưới đây:
Xây dựng thể lệ trò chơi có thưởng, trong đó quy định cụ thể về quy mô, chủng loại máy chơi trò chơi có thưởng, hệ thống kiểm soát máy trò chơi có thưởng, cách thức tổ chức của từng trò chơi, tỉ lệ và phương thức trả thưởng, các loại hóa đơn chứng từ, mẫu và giá trị của đồng tiền quy ước và vật dụng để đựng đồng tiền quy ước.
Có vẻ như trong trường hợp này, một bản thể lệ trò chơi có thưởng đầy đủ theo quy định nêu trên chưa được xây dựng, vì nếu có các bên có thể đã không phải tranh cãi về việc số tiền trúng thưởng tối đa là bao nhiêu, hay vấn đề số tiền trúng thưởng lẽ ra phải nằm ở cột nào, cột “win” hay cột “credit”, hay khi trúng thưởng thì máy sẽ báo như thế nào… Phải chấp nhận rằng tất cả chúng ta đều không có cơ sở vững chắc để khẳng định bất kỳ điều gì được nêu ở trên là đúng hay sai.
Không có một thể lệ đầy đủ như thế, hẳn nhiên đây là lỗi của đơn vị kinh doanh không làm đúng theo quy định (và có thể là lỗi của Bộ Tài chính nữa chăng vì đây là cơ quan có trách nhiệm xem xét thể lệ để xác nhận đơn vị đủ điều kiện kinh doanh trò chơi có thưởng). Nhưng vấn đề là có lỗi rồi thì hậu quả sẽ như thế nào? Có phải đơn vị kinh doanh mặc nhiên phải có trách nhiệm thanh toán cái được cho là tiền thưởng và mọi tranh cãi của họ đều không có giá trị. Chắc là không phải vậy, vì quyết định 91 không hề quy định như thế, và dường như là không văn bản pháp luật nào quy định như thế. Vậy câu hỏi là chúng ta sẽ quyết định tranh chấp này như thế nào cho phù hợp khi mà không có bằng chứng về sự thỏa thuận của đương sự và pháp luật cũng không quy định?
Điều 3 của Bộ luật dân sự quy định trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán, nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật dân sự.
Nội dung tranh chấp của vụ án này, nguyên đơn khởi kiện đòi bị đơn thành toán tiền trúng thưởng hơn 55.000.000 USD. Bị đơn không chấp nhận cho rằng máy bị lỗi nên mới đưa ra con số bất bình thường như vậy. Nguyên tắc là nguyên đơn phải chứng minh mình trúng thưởng hợp lệ và họ có đưa ra bằng chứng mà bị đơn sau đó đã bác bỏ. Nhưng như đã nói ở phần đầu, chúng ta không có căn cứ vững chắc để khẳng định đúng hay sai. Có thể có ý kiến khác, nhưng tôi cho rằng cần áp dụng tập quán để giải quyết hai vấn đề cốt yếu sau đây:
1/ Các máy trò chơi cùng loại trong thực tế thường được cài đặt với mức trúng thưởng tối đa là bao nhiêu. Câu trả lời sẽ giúp xác định số tiền thưởng 55 triệu USD có bất thường hay không. Nếu không bất thường, phản bác của bị đơn có thể bị xem là không có căn cứ và tòa án có thêm cơ sở thực tế để xử có lợi cho nguyên đơn.
2/ Giả sử số tiền thưởng 55 triệu USD là bất thường, thì câu hỏi những bất thường như vậy có hay xảy ra hay không và thường được giải quyết như thế nào? Câu trả lời sẽ giúp tòa án có được định hướng về một giải pháp, chắc chắn là vẫn không tránh được tranh cãi, nhưng ít ra đó là giải pháp mang tính thực tế (giống với giải pháp của nhiều người khác). Trong hoàn cảnh này, một giải pháp thực tế là giải pháp tốt hơn hết.
Nếu có cùng quan điểm như trên, tôi tin rằng nguyên đơn và bị đơn sẽ phải bắt tay tiến hành những công việc cần thiết để cuối cùng có thể xuất trình được cho tòa án bằng chứng của một tập quán có lợi cho mình.
Cũng nên lưu ý pháp luật không có định nghĩa về tập quán. Vì vậy, nhìn nhận như thế nào là tập quán và như thế nào chưa phải là tập quán trong trường hợp này có lẽ phải tùy thuộc vào quan điểm của tòa án. Cũng có khả năng những gì mà các bên cho là tập quán lại không được tòa chấp nhận. Như vậy, ngoài việc chuẩn bị những bằng chứng, lập luận về tập quán, các bên còn phải chuẩn bị những bằng chứng, lập luận về pháp luật tương tự để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tập quán là gì? Bộ luật dân sự nhắc đến hai từ tập quán khoảng 20 lần nhưng không có khái niệm về hai từ này. Trong khi đó, cuốn Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị (tên thật Hoàng Trọng Quý) do Nhà xuất bản TP.HCM phát hành năm 1991 định nghĩa tập quán đơn giản là thói quen. Một định nghĩa khác được người viết tìm thấy trên Internet định nghĩa tập quán (về phương diện dân tộc và văn hóa) là phương thức ứng xử và hành động đã định hình quen thuộc và đã thành nếp trong lối sống, trong lao động ở một cá nhân, một cộng đồng. Tập quán gần gũi với thói quen ở chỗ nó tĩnh tại, bền lâu, khó thay đổi. Trong những tình huống nhất định, tập quán biểu hiện như một hành vi mang tính tự động hóa. Tập quán hoặc xuất hiện và định hình một cách tự phát, hoặc hình thành và ổn định thông qua sự rèn luyện và là kết quả của quá trình giáo dục có định hướng rõ rệt. . |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận