31/07/2017 10:16 GMT+7

Trò chơi may rủi và nhân lực đồng bằng

TRẦN HỮU HIỆP
TRẦN HỮU HIỆP

TTO - Vé số tạo ra nguồn thu lớn nhưng ít tạo ra giá trị vật chất cho xã hội. Những con số tăng trưởng doanh thu và đóng góp lớn của xổ số tỉ lệ nghịch với chất lượng nhân lực đồng bằng đang đòi hỏi phải có những quyết sách mạnh mẽ.

Mặc dù phải cạnh tranh gay gắt với xổ số điện toán, nhưng doanh thu của 21 công ty xổ số kiến thiết (XSKT) miền Nam năm 2016 vẫn đạt hơn 65.000 tỉ đồng, tương đương 3 tỉ USD, chiếm khoảng 90% doanh thu toàn ngành.

Mỗi tỉnh, thành chỉ có 1 công ty XSKT, nhưng đó thật sự là “mỏ vàng”.

Chưa kể nguồn thu từ Vietlott từng gây sốt thị trường vé số gần một năm qua, chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, hoạt động XSKT riêng khu vực Tây Nam Bộ đã mang về hơn 9.323 tỉ đồng nguồn thu ngân sách, bằng 72,2% dự toán thu toàn ngành xổ số cả nước, chiếm 25,3% tổng thu nội địa của cả vùng.

Không thể phủ nhận, xổ số là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, là nguồn thu quan trọng trong điều kiện ngân sách eo hẹp. Địa phương có thể sử dụng phần lớn từ nguồn thu xổ số để tái đầu tư cho các công trình y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới.

Nhưng đó chỉ là một mặt tích cực của “đồng tiền kinh tế”. Vé số tạo ra nguồn thu lớn nhưng ít tạo ra giá trị vật chất cho xã hội.

Đó là chưa kể có bao nhiêu đồng tiền bị hao hụt trung gian như lương cho giám đốc và cán bộ quản lý, hệ thống đại lý, vé số hủy hay các kiểu tài trợ của các công ty XSKT cho các mối “quan hệ ngoài ngành”?

Từ năm 2017, khoản thu từ XSKT mới được đưa vào cân đối ngân sách sau một thời gian dài “nằm ngoài”. Trong khi chất lượng quản lý một nguồn thu nhạy cảm, đầy những bất trắc, rủi ro, kể cả những án mạng từ cờ bạc.

Một nghịch lý là những tỉnh nghèo, chỗ trũng về giáo dục lại đứng đầu cả nước về nguồn thu xổ số. Đội ngũ những người bán vé số dạo thường đầy ắp ở những địa phương nghèo.

Đặt trò chơi may rủi bên cạnh chất lượng nhân lực ĐBSCL - thị trường lớn của XSKT - là một so sánh khập khiễng nhưng rất đáng để suy ngẫm.

Sau hơn 10 năm chọn “phát triển nguồn nhân lực” là một trong ba khâu đột phá, phải thừa nhận nhân lực ĐBSCL có bước phát triển mới về quy mô, số lượng, nhưng so với các vùng miền trong cả nước lại tiếp tục tụt hậu.

Tây Nam Bộ đang xếp cuối bảng cả nước với chỉ 11,4% số lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo đang làm việc trong nền kinh tế, chưa kể một lượng lớn các em bỏ học vì sinh kế. Tỉ lệ học sinh bỏ học ở 3 cấp của vùng này cao gần 3 lần cả nước.

Kinh tế khó khăn, chi phí học hành lớn là nguyên nhân chính dẫn đến việc học sinh bỏ học.

Một năm học mới sắp đến. Lo cho giáo dục bậc đại học rất cần, nhưng cũng chỉ là “phần ngọn” nếu không được xây nền vững từ bậc mầm non, tiểu học và trung học. Những con số tăng trưởng doanh thu và đóng góp lớn của xổ số tỉ lệ nghịch với chất lượng nhân lực đồng bằng đang đòi hỏi phải có những quyết sách mạnh mẽ.

Hệ thống giáo dục từ mầm non, phổ thông, cao đẳng, đại học đến các trường nghề trong vùng cần được quan tâm đầu tư để đủ sức tạo ra “sản phẩm nhân lực” tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của xã hội.

Cuộc chiến chống lại nghèo khó và vươn lên thoát khỏi vùng trũng về chất lượng nhân lực của miền Tây Nam Bộ rất cần được tăng tốc với cách làm hiệu quả hơn.

Giáo dục không chỉ hướng đến chất lượng, nguồn cung có uy tín cho xã hội và doanh nghiệp, mà cần nâng cao ý thức để người dân quan tâm nhiều hơn đến giáo dục nhằm kiến tạo tương lai vững chắc cho con em mình, hơn là các trò chơi may rủi.

TRẦN HỮU HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp