Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Tuổi Trẻ
Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội chiều 8-11, truyền thông nước ngoài đặt câu hỏi về những tin đồn liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh gần đây.
"Hiện giờ đang có những thông tin cho thấy đang có đàm phán giữa VN và Đức để đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Đức. Xin bà cho biết thêm về vấn đề này" - phóng viên của hãng tin Reuters hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Thời gian vừa qua hai bên đã có những cuộc trao đổi và tiếp xúc để thúc đẩy quan hệ hai nước và Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước.
"Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật ở Việt Nam đã được đưa ra xét xử một cách công khai theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hiện đang trong quá trình thi hành án," bà Hằng khẳng định.
Phản đối Trung Quốc xây trái phép trạm quan trắc ở Trường Sa
Cũng trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ việc Trung Quốc xây các trạm quan trắc ở Trường Sa đầu tháng này đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Theo báo Bưu điện Nam hoa Buổi Sáng, ngày 1-11, chính quyền Trung Quốc đã khánh thành 3 trạm quan trắc khí hậu trên Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh đã bồi đắp thành các đảo nhân tạo và xây dựng một số cơ sở quân sự trái phép trên đó.
Ông Lục Khảng, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết những trạm quan trắc này chủ yếu sẽ được sử dụng để đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông.
"Các cơ sở này sẽ giúp Trung Quốc cung cấp những dịch vụ công cộng tốt hơn cho các quốc gia trong khu vực Biển Đông."
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), các trạm quan trắc này được trang bị các thiết bị cơ bản để quan trắc trên mặt đất và trên không cũng như các radar khí hậu nhằm thu thập các chỉ số khí tượng trên khắp quần đảo Trường Sa và các nước xung quanh.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội chiều 8-11, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các trạm quan trắc trên các cấu trúc xây dựng cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động nói trên, tuân thủ nghiêm thoả thuận những nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc và tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC, không làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)," bà Hằng nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Hằng khẳng định lại một lần nữa Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận