12/02/2024 08:38 GMT+7

Trịnh Thu Vinh: Từ vận động viên điền kinh đến xạ thủ giành vé dự Olympic

Nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh có xuất phát điểm là VĐV điền kinh. Ba năm tập chạy không có thành tích, Thu Vinh chuyển sang bắn súng và giúp cô đạt được nhiều kỳ tích.

Nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh khởi đầu nghiệp thể thao với môn điền kinh sau khi được một HLV cầu mây phát hiện ra tố chất - Ảnh: NVCC

Nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh khởi đầu nghiệp thể thao với môn điền kinh sau khi được một HLV cầu mây phát hiện ra tố chất - Ảnh: NVCC

Nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã trải qua năm 2023 thăng hoa với việc giành vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024 ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ.

Mở đầu năm mới 2024, cô gái người Vân Du (Thạch Thành, Thanh Hóa) tiếp tục ghi dấu ấn với tấm huy chương vàng tại Giải bắn súng vô địch châu Á, nội dung 10m súng ngắn hỗn hợp đồng đội cùng nam xạ thủ Phạm Quang Huy.

Điều gây ấn tượng nhất ở Trịnh Thu Vinh là cô mới bén duyên với bắn súng từ năm 2017. Nhưng chỉ sau 1 năm, cô đã sớm cho thấy tiềm năng với 2 huy chương vàng (cá nhân, đồng đội), đồng thời lập kỷ lục trẻ quốc gia ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ tại Giải súng hơi thanh thiếu niên quốc gia 2018.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Trịnh Thu Vinh chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ kể từ ngày bắt đầu theo nghiệp thể thao.

* Cơ duyên nào đưa Thu Vinh đến với môn bắn súng?

- Tôi đến với thể thao theo cách buồn cười lắm. Khoảng năm lớp 7, tôi xin vào đội điền kinh trường thông qua một cô bạn nói giúp với thầy cô cho tập thử, chỉ vì thấy mấy bạn chạy cũng hay.

Sau đó, tôi thi đấu đứng thứ nhì huyện và được đi thi tỉnh. Ở giải đấu đó, tôi có duyên lọt vào mắt cô Bắc (HLV cầu mây đội Công An Nhân Dân) đang tuyển quân tại Thanh Hóa.

Chẳng hiểu thế nào cô lại nhìn thấy tôi nghịch rất khỏe với đám bạn, rượt đuổi quanh sân mà không ai bắt được tôi. Cô đến hỏi số điện thoại của bố mẹ và giới thiệu tôi cho đội điền kinh Công An Nhân Dân. Vậy là từ năm 2014, tôi bắt đầu theo tập điền kinh các cự ly 800m, 1.500m và 5.000m.

Nhưng tôi không có duyên với điền kinh. Tập 3 năm mà không có thành tích, thầy cô mới thử cho tôi tập bắn súng. Lúc đó, bản thân cũng xác định nếu không theo được nữa thì nghỉ vì tuổi sắp hết lứa trẻ rồi. Nhưng may mắn sau 3 tháng thử sức, thầy cô đội bắn súng thấy tôi cũng có năng khiếu nên chọn vào đội.

* Gia đình phản ứng thế nào khi bạn chọn theo thể thao chuyên nghiệp?

- Lúc mới tập điền kinh, tôi chưa tròn trĩnh như bây giờ đâu (cười). Ông bà và bố mẹ sợ cho tôi theo thể thao sẽ không thể phát triển, vì tôi còi, đứng thứ 4 lớp… từ dưới đếm lên.

Nói vậy thôi chứ gia đình không ngăn cấm lựa chọn của con. Tôi biết bố mẹ cũng xót lắm, hay giấu con mà khóc. Sở dĩ tôi biết chuyện này vì nếu bố khóc thì mẹ kể, còn mẹ khóc thì bố kể cho tôi nghe (cười).

Ngoài những giờ tập trung cao độ cho bắn súng, Trịnh Thu Vinh tự nhận mình thường hay đùa giỡn

Ngoài những giờ tập trung cao độ cho bắn súng, Trịnh Thu Vinh tự nhận mình thường hay đùa giỡn "nhây" cùng bạn bè - Ảnh: NVCC

* Môn bắn súng có gì khó và dễ?

- Nếu so với các môn thi đấu đối kháng, bắn súng nhẹ hơn về thể lực nhưng căng thẳng đầu óc. Một buổi thi đấu có tổng cộng 60 viên, diễn ra trong 1 giờ 30 phút. Chúng tôi phải đạt điểm tối đa trong mỗi loạt bắn, nếu sai sót trật điểm 10 thì chỉ trong khoảng 10 viên.

Trong tập luyện hay thi đấu, đầu tôi chỉ có thể nghĩ về các kỹ thuật, động tác. Nếu bản thân thả lỏng dù chỉ một chút sẽ bị cắt ngang dòng suy nghĩ, dễ quên đi điều mình đang tư duy.

Hiện tôi bị lệch vai, bên to bên nhỏ. Nói không mặc cảm về chuyện này cũng hơi dối lòng. Vì phụ nữ, con gái ai cũng thích đẹp. Đôi khi đi mua áo, tôi ưng ý lắm mà lúc thử lại không vừa cái vai nên cũng hơi mặc cảm. Nhưng để đánh đổi sự mặc cảm ấy với sự nghiệp thể thao thì tôi thấy cũng không sao, còn nhẹ nhàng, vẫn chưa là gì hết.

* Môn bắn súng đã mang lại gì cho bạn?

- Sau khi giành vé dự Olympic Paris 2024, tôi ra đường cũng có người nhận ra. Họ hay nói trông tôi ngầu lắm. Trong khoảng 3 năm nay, thành tích của tôi khá ổn nên cũng giúp được một ít kinh tế cho gia đình, bố mẹ đỡ khó khăn hơn trước.

Từ ngày đầu theo thể thao đến nay, có rất nhiều thầy cô đã dìu dắt, giúp đỡ tôi để có được thành tích như bây giờ. Mỗi người thầy, người cô đã và đang huấn luyện tôi đều có nhiều điều tôi trân quý, biết ơn vì những gì được truyền đạt.

Mong rằng thầy cô sẽ luôn đồng hành cùng tôi trên chặng đường sắp tới. Tôi sẽ nỗ lực, muốn có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho thể thao Việt Nam.

Trịnh Thu Vinh (bìa trái) giành HCV giải bắn súng vô địch châu Á 2024 tại Indonesia - Ảnh: BSVN

Trịnh Thu Vinh (bìa trái) giành HCV giải bắn súng vô địch châu Á 2024 tại Indonesia - Ảnh: BSVN

Trịnh Thu Vinh sinh năm 2000 tại thị trấn Vân Du, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa.

Năm 2022, cô gây tiếng vang khi giành 2 HCV Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9; 1 HCB, 1 HCĐ SEA Games 31; 3 HCV Giải bắn súng vô địch Đông Nam Á (SEASA) tại nội dung 25m súng ngắn thể thao và 10m súng ngắn hơi nữ.

Sau Trịnh Thu Vinh, bắn súng Việt Nam đã có thêm Lê Thị Mộng Tuyền (10m súng trường hơi nữ) chính thức có vé tham dự Olympic Paris 2024.

Bắn súng Việt Nam từng có các xạ thủ giành vé đến Olympic như: Nguyễn Mạnh Tường (Bắc Kinh 2008), Lê Thị Hoàng Ngọc (London 2012), Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (Rio 2016)... Thành tích tốt nhất của bắn súng Việt Nam tại Olympic là 1 HCV, 1 HCB của người hùng Hoàng Xuân Vinh tại Brazil 2016.

Bắn súng Việt Nam: Hướng tới mục tiêu đoạt huy chương Olympic 2024Bắn súng Việt Nam: Hướng tới mục tiêu đoạt huy chương Olympic 2024

Đội tuyển bắn súng Việt Nam đặt mục tiêu giành thêm ít nhất một suất tham dự và phấn đấu có huy chương tại Olympic Paris 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp