Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp ý kiến từ 16 cơ quan, bộ ngành liên quan và trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 4 ngày và dịp 30-4 và 1-5 trong 5 ngày.
Cần nghỉ lễ Tết nhiều ngày hơn
Nhìn vào lịch nghỉ, bạn đọc Huỳnh Kim bày tỏ TP.HCM là đô thị đặc thù, người dân ở khắp tỉnh thành về làm việc, do vậy việc đi - về mất nhiều thời gian trong khi kỳ nghỉ Tết chỉ là 9 ngày, Quốc khánh trong 4 ngày…
Bạn đọc tài khoản ducd****@gmail.com viết thêm: "Tết là sum vầy, vui chơi. Bất kỳ ai cũng muốn được kéo dài thêm niềm vui sum họp gia đình trong những ngày đầu năm mới. Có thêm ngày nghỉ sẽ rất tiện cho bà con lên kế hoạch đi lại cho thoải mái, tránh kẹt xe".
Còn độc giả tên Tùng bộc bạch có thể phải xin nghỉ thêm ngày phép năm để tranh thủ về quê do lịch nghỉ kéo dài.
Độc giả mang tên Cauvongxanh chia sẻ: “Mỗi năm chỉ có một lần được nghỉ dài ngày hòng tái tạo lại sức lao động và cũng là kích cầu tiêu dùng. Người lao động xa quê, xa xứ cũng được sum vầy cùng gia đình trọn vẹn dài ngày hơn khi có nhiều thời gian để đi tàu xe và ở bên người thân”.
Trước đây, trong báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn đối với Đảng, Nhà nước tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (đại hội của hơn 11 triệu người), Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị tăng ngày nghỉ lễ, Tết hằng năm vào thời điểm thích hợp.
Khoản 2, điều 35, Hiến pháp Việt Nam cũng nêu rõ "người làm công ăn lương được đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi". Như vậy, Đảng, Nhà nước rất quan tâm với việc nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động của người dân.
Sẽ nghiên cứu thêm ngày nghỉ lễ Tết
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay dù mong muốn kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài song tổ chức công đoàn không đề xuất thêm ngày nghỉ.
Tại Việt Nam, người lao động được nghỉ tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ, Tết chính thức hưởng nguyên lương gồm Tết dương lịch (1 ngày), Tết âm lịch (5 ngày), Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch (1 ngày), Ngày Chiến thắng 30-4 (1 ngày), Quốc tế Lao động 1-5 (1 ngày) và Quốc khánh 2-9 (2 ngày).
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày Quốc khánh của nước họ.
Theo ông Hiểu, Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ có 5 ngày nghỉ Tết âm lịch chính thức, cộng thêm ngày nghỉ hằng tuần nên kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ đã là 9 ngày.
Tuy vậy, ông bày tỏ ủng hộ bổ sung ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2-9 để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động cũng như về quê, đi du lịch hoặc đưa con thăm thân trước khi vào năm học mới.
Theo ông, có lần, một nữ công nhân phía Nam từng khóc, mong muốn đưa con đi khai giảng song không thể vì vướng lịch làm việc.
Lãnh đạo Công đoàn Việt Nam lấy ví dụ Trung Quốc có kỳ nghỉ Quốc khánh kéo dài 7 ngày, các nước Đông Nam Á cũng nghỉ lễ Tết bình quân 15 - 17 ngày/năm.
Trong khi đó, số ngày nghỉ chính thức của Việt Nam là 11 ngày. Về lâu dài, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tăng số ngày nghỉ cho người lao động.
Trước đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có trả lời cử tri về đề xuất tăng thêm ngày nghỉ.
Theo ông Dung, thời gian nghỉ lễ Tết cho người lao động được nghiên cứu, đề xuất căn cứ nhiều yếu tố như tôn giáo, phong tục, tập quán, ý nghĩa của ngày nghỉ cũng như tác động kinh tế - xã hội.
Việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ Tết cũng tạo áp lực cho người sử dụng lao động vì đây là ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan đánh giá tác động kinh tế - xã hội và nghiên cứu, tham mưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận