Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng ký trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án có điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm).
Tổng chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 1.541km, dự kiến khoảng 60% là cầu, 10% là hầm và 30% nền đất.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.
Về quy mô đầu tư, dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Trong quá trình vận hành khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng sẽ quyết định đầu tư bổ sung một số vị trí nhà ga tại các đô thị có nhu cầu vận tải lớn.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 10.827ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 3.655ha (trong đó đất lúa nước từ hai vụ trở lên 3.102ha); đất lâm nghiệp khoảng 2.567ha; các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605ha. Số dân cần tái định cư khoảng 120.836 người.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án hơn 1,713 triệu tỉ đồng (tương đương 67,34 tỉ USD, suất đầu tư dự án khoảng 43,7 triệu USD/km. Trong đó ước tính chi phí bồi thường, tái định cư khoảng 5,9 tỉ USD; chi phí xây dựng khoảng 33,25 tỉ USD; chi phí thiết bị khoảng 11,03 tỉ USD; chi phí quản lý dự án khoảng 0,8 tỉ USD); chi phí tư vấn đầu tư xây dựng khoảng 3,61 tỉ USD; chi phí khác khoảng 0,9 tỉ USD; chi phí dự phòng (gồm lãi vay) khoảng 11,85 tỉ USD.
Theo đề xuất của Chính phủ, dự án được đầu tư công với nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc…
Trong quá trình xây dựng và vận hành sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện khi có nhu cầu.
Chính phủ đề xuất thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong năm 2025-2026; khởi công cuối năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến trong năm 2035.
Về tổ chức khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Chính phủ đề xuất trong điều kiện bình thường tổ chức khai thác chủ yếu vận chuyển hành khách (tàu chỉ dừng ở một số ga chính; tàu dừng đan xen ở tất cả các ga...).
Trường hợp có nhu cầu vận tải hàng hóa, hoặc xuất hiện tình huống khẩn cấp sẽ điều chỉnh biểu đồ chạy tàu cho phù hợp.
Ưu tiên chọn tổng thầu cam kết chuyển giao công nghệ
Tại tờ trình, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được áp dụng 19 chính sách, cơ chế đặc thù để thực hiện thành công và sớm hoàn thành dự án.
Trong đó Chính phủ đề xuất quá trình lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng thực hiện dự án, chủ đầu tư phải quy định điều khoản cụ thể về lộ trình, nội dung chuyển giao công nghệ đối với tổng thầu, nhà thầu theo danh mục chuyển giao công nghệ nêu trong dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ưu tiên lựa chọn tổng thầu, nhà thầu cam kết chuyển giao công nghệ mới, hiện đại, phức tạp mà trong nước chưa có; đối với các sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ dự án mà trong nước có thể sản xuất được, chủ đầu tư, tổng thầu, nhà thầu phải ưu tiên đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận