20/05/2020 11:54 GMT+7

Trình Quốc hội thông qua EVFTA: Kỳ vọng giúp giảm nghèo, phục hồi kinh tế

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
NGỌC AN - NGỌC HIỂN

TTO - Sáng 20-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua ngày 28-5.

Trình Quốc hội thông qua EVFTA: Kỳ vọng giúp giảm nghèo, phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đọc tờ trình Hiệp định EVFTA và EVIPA - Ảnh: Quochoi.vn

Đọc tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết nội dung hiệp định bao gồm các vấn đề liên quan đến thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ….

Nâng vị thế Việt Nam, kỳ vọng giảm nghèo

Tờ trình đánh giá hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, giúp Việt Nam nâng cao nội lực và củng cố vị thế. Đặc biệt, hiệp định mang lại lợi ích giúp tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu ngân sách, tạo ra sức ép cải cách...

Hiệp định cũng mang đến một số thách thức nhất định như cam kết mở cửa thị trường, yêu cầu đáp ứng các quy định chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, tiêu chuẩn kỹ thuật, cam kết về lao động…

Thuyết minh thêm về EVFTA, bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng bên cạnh những tác động tích cực về mặt kinh tế và cải cách pháp luật - thể chế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, hiệp định dự kiến cũng giúp việc giảm nghèo nhanh hơn.

Ông Tuấn Anh dẫn kết quả nghiên cứu của báo cáo "Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA" do Ngân hàng Thế giới thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua, cho thấy EVFTA có thể giúp Việt Nam tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỉ lệ nghèo 0,7%.

Hiệp định này cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ.

Đối với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng hiệp định này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tác động tới đầu tư, thương mại, cải thiện năng suất và cải thiện môi trường thể chế.

Trong ngắn hạn (giai đoạn 2019-2021), tăng trưởng thương mại do giảm các hàng rào phi thuế quan có tác động tích cực hơn đến tăng trưởng GDP. So với trường hợp không tham gia các hiệp định này, GDP của Việt Nam tăng thêm 0,28-0,63%/năm.

Đặc biệt, việc tham gia các hiệp định này dự kiến sẽ có tác động trực tiếp, gián tiếp đến việc tạo việc làm và thu nhập của người lao động. Trong ngắn hạn, trung bình mỗi năm sẽ tạo thêm 26.000-66.000 việc làm.

Trình Quốc hội thông qua EVFTA: Kỳ vọng giúp giảm nghèo, phục hồi kinh tế - Ảnh 2.

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng nay 20-5 tại Nhà Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Giúp Việt Nam thiết lập chuỗi cung ứng mới, kinh tế phục hồi

Trong bối cảnh dịch COVID-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, cả hai hiệp định đều có tác động tích cực đến Việt Nam trong việc thiết lập các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới với EU, giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt, bù đắp những thiệt hại.

Hơn nữa, trong bối cảnh nhiều quốc gia và nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển hướng đầu tư, giảm sự lệ thuộc vào một số quốc gia nhất định, các hiệp định sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, hạn chế việc suy giảm nguồn vốn FDI theo xu hướng chung của thế giới.

Tuy vậy, thách thức đặt ra là thể chế, chính sách, cơ chế quản lý của Việt Nam còn một số mặt hạn chế, hệ thống kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu nhà đầu tư. Năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, khả năng hấp thụ công nghệ còn hạn chế, thường gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Thẩm tra sơ bộ về việc phê chuẩn các hiệp định này, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động của các hiệp định sau đại dịch COVID-19, các thách thức dự báo xu hướng phát triển quốc tế, đề ra các giải pháp đảm bảo an ninh kinh tế, chính trị, giữ gìn bản sắc dân tộc.

"Việc áp dụng tự động hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ có ảnh hưởng đến nhóm ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Cần đánh giá cụ thể hơn cả tác động tích cực, tiêu cực và nhìn nhận lại năng lực của Việt Nam để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phát huy thế mạnh để tận dụng cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, có chính sách hỗ trợ phù hợp", ông Giàu nhấn mạnh.

Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng lưu ý việc bảo đảm các nghĩa vụ, cam kết trong khuôn khổ các hiệp định được thực thi một cách đầy đủ, hạn chế phát sinh tranh chấp, khiếu kiện mà Việt Nam là bị đơn.

EU hoàn tất tiến trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam - EVFTA EU hoàn tất tiến trình phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam - EVFTA

TTO - Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn y quyết định của Nghị viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA) bằng hình thức văn bản, Bộ Ngoại giao cho biết ngày 31-3.

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp