Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đàn hát phục vụ công nhân trong đêm giao lưu trên công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An nhân kỷ niệm 9 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ 2-9-1984 - Ảnh : Nguyễn Công Thành
Quãng gần đến cầu Phủ Cam, con đường có nhiều cây long não. Tôi biết và thích đoạn đường này từ khi đọc một bài ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Về sau, khi biết trên tầng hai nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ, căn gác gần nhà vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ là nơi Trịnh Công Sơn đã ở và quãng đường này ngày trước "Diễm xưa" thường đi qua, tôi càng yêu mến nơi này.
Japan Philharmonic Orchestra với bản Diễm xưa
Có cảm tình và nảy sinh nhu cầu đi đến con đường đó mỗi ngày là vì tôi yêu nhạc Trịnh và thần tượng về người nhạc sĩ tài hoa. Lúc đó, tôi chưa một lần được nhìn thấy Trịnh Công Sơn ở ngoài đời.
Từ miền Bắc vào, khi lần đầu nghe nhạc Trịnh thấy rất lạ. Có gì đó rất dung dị, gần gũi, nhưng mà sang trọng. Dễ hiểu, nhưng mà khó thấu đáo. Cảm xúc cụ thể, nhưng mà lời ca siêu thực. Mỗi dịp đi qua con đường này, cảm giác như được gặp người nhạc sĩ mà tôi vô cùng yêu mến. Nhớ bài hát Diễm xưa.
Và chẳng biết tự bao giờ, mọi dáng nữ sinh đi qua con đường này với tôi đều là Diễm. Tôi thậm chí còn nhớ rất rõ những giọt nắng xuyên qua tán cây long não rắc đầy trên vai họ. Có gì đó chốt giữ cảm xúc của tôi. Tự nhiên tôi nghĩ một ngày nào đó mình sẽ gặp Trịnh Công Sơn.
Thế rồi cuộc sống cũng dành cho tôi và gia đình mình một cơ hội. Đó là một ngày cuối năm 2000. Cả nhà tôi cùng đi ăn tối ở một nhà hàng bên bờ sông Hương. Con gái tôi lúc đó đang học lớp 9.
Trong lúc chờ gọi đồ ăn, cháu chạy quanh chơi cùng em trai. Lúc sau cháu về, trên tay cầm tờ giấy và ríu rít khoe được một bác cho tiền. Cháu kể rằng bác ấy gọi con đến nói chuyện và khen cháu ham học tập như vậy là rất tốt.
Rồi bác ấy hỏi: "Nếu cháu có một khoản tiền thì cháu sẽ mua gì?". "Dạ cháu sẽ mua một quyển từ điển tiếng Anh". "Vì sao không mua thứ khác?". "Cháu muốn học tiếng Anh, nhưng chưa có từ điển ạ". Bác ấy nói tốt, tốt và đưa cho con 200.000 đồng, bảo về mua từ điển để học.
Tôi rất bối rối, vì đó là khoản tiền khá lớn so với thu nhập của một công chức (mức lương cơ sở tại thời điểm đó chỉ 144.000 đồng). Nhưng càng tá hỏa hơn khi đọc tờ giấy, phía dưới có chữ ký quen thuộc của Trịnh Công Sơn.
Bên cạnh có thêm hai chữ ký nữa (tôi nhớ là của nhà văn Bửu Ý và hoạ sĩ Hoàng Đăng Nhuận), ghi là "Những người làm chứng". Nội dung tờ giấy đại ý: Nếu cháu L.Đ.K.T. vào học đại học tại Sài Gòn, tôi Trịnh Công Sơn cam kết sẽ đài thọ toàn bộ chi phí đi lại, ăn, ở, học tập để cháu học thành tài.
Tôi vội vàng chạy đi tìm để nói lời cảm ơn, nhưng họ đã về rồi. Hôm sau, được biết Trịnh Công Sơn trở vào TP.HCM từ rất sớm, tôi tự nhủ nhất định sẽ một lần tìm gặp để tạ ơn anh.
Nhưng vì công việc, chưa kịp thực hiện thì ngày 1-4-2001, anh đã mãi mãi ra đi. Tôi vô cùng đau xót. Vậy là vĩnh viễn không nói được lời cảm ơn. Vĩnh viễn không được gặp mặt thần tượng.
Nhạc sĩ không còn, nhưng lời cam kết hi hữu đó đã tiếp thêm sức mạnh cho các con tôi. Nó tạo ra một hiệu ứng kỳ diệu của tình cảm.
Về sau, các cháu đều giành được học bổng du học nước ngoài, học lên cao và đã lập nghiệp thành công. Gia đình tôi mãi nhớ ơn anh - người nhạc sĩ tài ba, đức độ, một tấm lòng độ lượng với trẻ em, với con người.
Hôm nay kể lại chuyện này, tôi coi đây là một nén hương lòng của cả nhà kính dâng lên sinh nhật thứ 80 và ngày giỗ lần thứ 18 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng". Cầu mong tâm nguyện đó của anh sẽ mãi mãi ở lại với những người đang sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận