26/06/2018 09:55 GMT+7

Triều Tiên và Hàn Quốc bàn kết nối đường sắt bán đảo

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Triều Tiên và Hàn Quốc hôm nay 26-6 hội đàm về việc kết nối hai hệ thống đường sắt chạy dọc biên giới của hai nước. Đây là kết nối vật lý có thể làm thay đổi mối quan hệ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên và Hàn Quốc bàn kết nối đường sắt bán đảo - Ảnh 1.

Đây là cuộc đàm phán đầu tiên trong 10 năm qua về vấn đề này. Các quan chức hai nước gặp nhau tại làng Bàn Môn Điếm bên trong khu phi quân sự nằm giữa ranh giới của 2 miền.

Kết nối hai hành lang đông, tây

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin Hàn Quốc cử phái đoàn đàm phán gồm 3 thành viên do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Kim Jeong Ryeol dẫn đầu. Người dẫn đầu phía Triều Tiên là Thứ trưởng Bộ Đường sắt Kim Yun Hyok.

"Đã một thời gian dài trôi qua trước khi chúng ta gặp lại nhau nhưng tôi nghĩ suy nghĩ của chúng ta và sự quyết tâm về việc hợp tác tuyến đường sắt vẫn không thay đổi" - trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Yun Hyok phát biểu trước cuộc họp diễn ra lúc 10h sáng nay (giờ địa phương). Đại diện phía bên Hàn Quốc cũng chia sẻ cùng niềm hy vọng, cho biết ông trông đợi vào "những kết quả tốt đẹp".

Bộ Giao thông vận tải cho biết phiên họp sáng nay kéo dài khoảng 1 tiếng và các cuộc đàm phán tiếp theo đang được tiến hành để thảo luận các chi tiết. Hai bên đã trao đổi quan điểm về những cách "hiệu quả" và "thực tế" để thúc đẩy hợp tác đường sắt như những gì lãnh đạo 2 nước đã thống nhất trong hội nghị thượng đỉnh hôm 27-4.

AFP cho biết cuộc họp hôm nay tập trung vào việc kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt chạy dọc biên giới hai miền Triều Tiên ở khu vực phía đông và phía tây của bán đảo.

Tại phía tây, hai miền đã có các tuyến đường sắt từ Seoul đến thành phố tây bắc Bình Nhưỡng và sát biên giới với Trung Quốc là Sinuiju . Nhật đã xây dựng tuyến đường sắt này vào đầu thế kỷ 20 trước khi chiến tranh Triền Tiên nổ ra. Tuy nhiên cần phải hiện đại hóa tuyến đường này nếu muốn đưa vào sử dụng. Ngoài ra 2 phái đoàn đàm phán cũng thảo luận về việc kết nối các tuyến đường sắt ở khu vực phía đông vốn là các tuyến đường chạy dọc biên giới của hai nước.

Việc kết nối hai hệ thống đường sắt song song cùng việc hiện đại hóa hạ tầng đường sắt của Triều Tiên có thể cung cấp cho Hàn Quốc, một đất nước phụ thuộc vào thương mại, một tuyến đường để đưa hàng hóa đến các thị trường như Trung Quốc, Nga và liên minh châu Âu.

Tuy nhiên việc nối liền tuyến đường sắt giữa hai miền cũng tạo ra sự thay đổi cơ bản trên bán đảo: sự kết nối dân sự giữa người dân hai miền kể từ khi họ bị chia cắt năm 1953.

Công dân Triều Tiên vẫn bị hạn chế đi lại nên có thể chính quyền Kim Jong Un sẽ thắt chặt khâu kiểm soát đi lại đối với người dân sau khi kết nối tuyến đường sắt.

Chỉ khả thi khi được dỡ bỏ trừng phạt

Mặc dù tình hình ngoại giao đang ấm dần lên trên bán đảo Triều Tiên qua các hội nghị thượng đỉnh gần đây giữa chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và với tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng Bình Nhưỡng vẫn đang chịu các biện pháp trừng phạt nặng nề vì chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Do vậy, trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc là Kim Jeong Ryeol thừa nhận rằng bất kỳ một bước tiến thực tế nào trong việc nối liền hai tuyến đường sắt giữa hai miền đều chỉ trở nên khả thi sau khi các biện pháp trừng phạt được nới lỏng.

Là người đứng ra tổ chức cuộc họp hôm nay, ông Kim Jeong Ryeol hy vọng: "Chúng tôi có thể bàn bạc và nghiên cứu kỹ lưỡng các dự án khác nhau mà chúng tôi có thể theo đuổi sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ".

Sau khi kết nối, các tuyến đường sắt ở phía đông bán đảo Triều Tiên có thể giúp thành phố cảng Busan của Hàn Quốc kết nối với châu Âu thông qua Triều Tiên và Nga.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã đồng ý "tiến hành các bước đi thực tế hướng đến việc kết nối" tuyến đường sắt trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai người hồi tháng 4.

Ông Moon cũng chia sẻ hy vọng của ông về việc kết nối các tuyến đường sắt trên bán đảo với tuyến đường sắt xuyên Siberia nhằm tạo ra một tuyến đường đến châu Âu. Tổng thống Moon cho rằng tuyến đường đó có thể mang lại "những lợi ích kinh tế to lớn" cho cả Seoul và Bình Nhưỡng cũng như Nga.

Bên cạnh đó chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cũng đã có những động thái cởi mở cho việc kết nối hai miền ngay từ đầu năm khi ông cử các vận động viên, đội cổ động và em gái của ông đến Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa Đông.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp