07/01/2013 08:37 GMT+7

Triều Tiên không muốn theo mô hình đầu tư của Trung Quốc

TẤN KHOA
TẤN KHOA

TT - Một chuyên gia kinh tế Ðức, thành viên ban cố vấn xây dựng luật đầu tư nước ngoài của CHDCND Triều Tiên, tiết lộ Bình Nhưỡng không muốn đi theo mô hình thu hút đầu tư của Trung Quốc.

mpwIbWTD.jpgPhóng to
Công nhân Triều Tiên làm việc tại một nhà máy lụa - Ảnh: Reuters

Thông tin này được đăng tải ngày 4-1 trên báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), một trong những nhật báo uy tín của Ðức. Theo báo này, Bình Nhưỡng đang xây dựng khung pháp lý để tiến tới mở cửa kinh tế trong năm 2013, và nước này đã tham vấn các nhà kinh tế và chuyên gia luật từ Ðức nhằm hoàn thiện bộ luật đầu tư nước ngoài của riêng mình.

"Họ đã có một kế hoạch tổng thể" - chuyên gia Ðức này nói với FAZ. Tuy không tiết lộ danh tính chuyên gia này, song FAZ cho biết ông đang nghiên cứu và giảng dạy tại một đại học lớn ở Ðức và từng có kinh nghiệm cố vấn cho nhiều chính phủ châu Á.

Muốn thu hút doanh nghiệp phương Tây

Nếu thông tin của báo FAZ được xác nhận thì đây tiếp tục là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy quyết tâm mở cửa về kinh tế của Triều Tiên. Trong thông điệp đầu năm 2013 của mình, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng một nền kinh tế lớn mạnh và cải thiện cuộc sống của nhân dân mình. Ðây là lần đầu tiên một lãnh đạo Triều Tiên đưa ra thông điệp năm mới sau gần 20 năm.

KCNA thay đổi giao diện

Giao diện của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã thay đổi như để “khoe” sự điều chỉnh này với cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Bill Richardson và chủ tịch Google Eric Schmidt trước chuyến thăm Bình Nhưỡng của hai nhân vật này vào tuần tới.

Giao diện trang chủ mới của KCNA được các nhà quan sát Hàn Quốc đánh giá là “bắt mắt hơn, đa chức năng và khai thác được đặc điểm đa phương tiện của báo điện tử”.

Trả lời phỏng vấn của Yonhap, một nhà quan sát Triều Tiên nhận định kiểu thiết kế của KCNA “ngày càng tiếp cận với hình thức và chức năng truyền thống của các trang web phương Tây”.

Báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc) ghi nhận trong bài phát biểu này, ông Kim Jong Un đã ưu tiên đề cập đến vấn đề kinh tế trước các vấn đề chính trị và quân sự. Ông sử dụng từ "nhân dân" 50 lần, từ "kinh tế" 29 lần, từ "tự lực" (học thuyết tư tưởng của Triều Tiên) 13 lần và từ "songun" (chính sách quân đội trước hết) 6 lần.

Trả lời báo FAZ, chuyên gia người Ðức này cho biết nhiều nhà lãnh đạo mà ông gặp gỡ ở Bình Nhưỡng đều ủng hộ mở cửa để đón nhận đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các công ty phương Tây. Chủ tịch Ủy ban đầu tư và liên doanh Triều Tiên muốn thu hút nhân lực chất lượng cao và đã xúc tiến những quan hệ với giới đầu tư tại Ðức. Bình Nhưỡng đang quan tâm hoàn thiện luật đầu tư nước ngoài của mình để tạo sức hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài.

Theo chuyên gia này, đáng chú ý là trong nội dung luật đầu tư, Bình Nhưỡng tỏ ra không mặn mà với mô hình mà Trung Quốc đã áp dụng khi thành lập các đặc khu kinh tế cho doanh nghiệp nước ngoài. "Giới lãnh đạo Triều Tiên quan tâm nhiều hơn đến cách làm của Việt Nam qua việc chọn một số công ty nhất định để tiếp nhận vốn đầu tư" - ông nhấn mạnh.

Triều Tiên hiện vẫn đang hợp tác cùng Trung Quốc điều hành những khu kinh tế đặc biệt dành cho nhà đầu tư nước ngoài nằm gần biên giới hai nước: một nơi tại thành phố Rason và khu kinh tế các đảo Hwanggumphyong - Wihwa nằm gần cửa sông Áp Lục. Trong một hội nghị đầu tư tại thành phố Rason tháng 9-2011, phó ban quản lý đặc khu đã khẳng định Rason sẽ trở thành "Thâm Quyến của Triều Tiên".

Cho đến nay, thành phần đầu tư vào Triều Tiên chủ lực vẫn là các doanh nghiệp Trung Quốc. Ðộng cơ của những tập đoàn này khi mở chi nhánh ở Triều Tiên không khác biệt so với các quốc gia khác do bị hấp dẫn bởi nguồn tài nguyên, kim loại quý, đất hiếm cùng nguồn nhân công giá rẻ của Triều Tiên.

Theo Cơ quan xúc tiến đầu tư - thương mại Triều Tiên (trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc), chuyên thu thập dữ liệu mậu dịch của Triều Tiên, giữa năm 2012 cho biết xuất khẩu than và khoáng sản từ Triều Tiên sang Trung Quốc tiếp tục tăng trong năm 2011. Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Triều Tiên, chiếm tới 89% kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Cảnh giác nhau?

Rõ ràng là Bình Nhưỡng đang muốn đa dạng hóa các nguồn đầu tư từ nước ngoài và không muốn để Trung Quốc "một mình một chợ". Mặt khác, như Bloomberg nhận định, đi kèm với sự hào hứng trước đây, các doanh nghiệp Trung Quốc từ nay cũng sẽ thận trọng với thị trường Triều Tiên, đặc biệt từ sau lần đầu tư thất bại của Tập đoàn khai khoáng Tây Dương trong năm 2012.

Dự án liên doanh của Tây Dương với Triều Tiên trị giá gần 40 triệu USD bị phá vỡ do những yêu cầu thay đổi so với hợp đồng ban đầu của Bình Nhưỡng mà phía Trung Quốc cho là quá đáng như tăng phí thuê đất, phí sử dụng điện nước và lương nhân công. Ðầu tháng 9-2012, hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên cũng cáo buộc Tập đoàn Tây Dương phải "chịu trách nhiệm chính" trong việc liên doanh thất bại này, vì cho rằng "tập đoàn này chỉ mới thực hiện một nửa những điều khoản cam kết mặc dù bản hợp đồng đã có hiệu lực từ bốn năm qua". Ðây là động thái hiếm hoi của Triều Tiên khi chỉ trích công khai một công ty Trung Quốc - đồng minh quan trọng và là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Trong khi đó, trên website chính thức của Tập đoàn Tây Dương đăng bài thuật lại quá trình hoạt động ở Triều Tiên và mô tả đó là "một cơn ác mộng". Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, ông Ðát Chí Cương, giám đốc Viện nghiên cứu Ðông Bắc Á tại Học viện Khoa học xã hội Hắc Long Giang ở TP Cáp Nhĩ Tân, nhận định: "Bất kỳ nhà đầu tư sáng suốt nào cũng sẽ suy nghĩ thận trọng trước khi quyết định rót vốn. Ðã có nhiều câu chuyện các doanh nghiệp Trung Quốc bị mất tiền như vậy".

TẤN KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp