Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định việc phóng vệ tinh trinh sát vào tuần trước được thúc đẩy bởi sự cần thiết phải giám sát Mỹ và các đồng minh của Washington, Hãng tin Reuters ngày 27-11 dẫn Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA).
"Đó là một cách hợp pháp và công bằng để (Triều Tiên) thực hiện quyền tự vệ, cũng như phản ứng triệt để và giám sát chính xác hành động quân sự quan trọng của Mỹ và các nước theo gót (Mỹ)", KCNA nêu.
Hôm 21-11, Triều Tiên đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên là Chollima-1, mang theo vệ tinh trinh sát Malligyong-1.
Vụ phóng sau đó đã bị Mỹ, Nhật, Hàn lên án với cáo buộc Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Triều Tiên thử nghiệm công nghệ đạn đạo trong tên lửa và tên lửa phóng vệ tinh.
Seoul đã phản ứng bằng cách đình chỉ một điều khoản quan trọng trong thỏa thuận quân sự Hàn Quốc - Triều Tiên ký năm 2018, đồng thời nối lại hoạt động giám sát trên không gần biên giới.
Bình Nhưỡng cũng đáp trả với tuyên bố không còn bị ràng buộc bởi thỏa thuận và sẽ triển khai vũ khí ở biên giới với Hàn Quốc.
Ngày 27-11, Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời các quan chức quân sự nước này cho biết họ đã quan sát thấy binh sĩ Triều Tiên được trang bị vũ khí hạng nặng đang khôi phục các chốt canh gác ở dọc khu phi quân sự (DMZ).
Hàn Quốc có 60 chốt canh gác, trong khi Triều Tiên ước tính có khoảng 160 chốt dọc DMZ. Mỗi bên đã phá hủy 11 chốt sau khi thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự được ký kết năm 2018.
Các quan chức Seoul cũng tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Triều Tiên để phát hiện "những dấu hiệu khiêu khích dọc biên giới".
Nga, Trung từ chối trừng phạt Triều Tiên
Mỹ đã triệu tập một cuộc họp đột xuất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào hôm nay (27-11) để thảo luận về vụ phóng vệ tinh trinh sát của Triều Tiên.
Trước đó, vào hôm 22-11, chín thành viên của Hội đồng Bảo an đã cùng Mỹ đưa ra tuyên bố lên án vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng chỉ trích tuyên bố, nói rằng nó chỉ cho thấy Hội đồng Bảo an "đã rối loạn chức năng đến như thế nào khi một số quốc gia mù quáng theo sau Mỹ khi đưa ra một tuyên bố vô nghĩa".
Nga và Trung Quốc - hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an - đã từ chối tham gia bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào với Bình Nhưỡng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận