Theo Hãng tin AFP, ông No Kwang Chol từng tham gia phái đoàn của nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong các chuyến thăm Singapore năm 2018 và Việt Nam năm 2019 để đàm phán với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cộng đồng quốc tế đã dự đoán Triều Tiên sẽ hủy bỏ thỏa thuận liên Triều quan trọng được ký kết năm 1991 trong cuộc họp tuần này, như một phần trong nỗ lực của ông Kim nhằm chính thức coi Hàn Quốc là quốc gia thù địch. Tuy nhiên, cuộc họp đã kết thúc vào ngày 8-10 mà không có đề cập nào đến bước đi này.
Chuyên gia Hong Min từ Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc nhận định Triều Tiên có thể đang chờ kết quả cuộc bầu cử Mỹ vào tháng tới trước khi thay đổi lập trường đối với Hàn Quốc, đồng minh của Washington.
Ông cho rằng các quan chức Triều Tiên "có thể xem xét điều chỉnh mức độ sửa đổi hiến pháp để phù hợp với hướng đi của chính quyền Mỹ mới".
Triều Tiên đã thông qua các sửa đổi hiến pháp liên quan đến luật công nghiệp nhẹ, tuổi lao động và tuổi bỏ phiếu tối thiểu. Trước đó, ông Kim Jong Un đã yêu cầu loại bỏ các điều khoản liên quan đến thống nhất trong hiến pháp và giải tán các cơ quan chuyên trách về cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.
Trong tuần này, ông Kim Jong Un cho biết Triều Tiên "không có ý định tấn công Hàn Quốc", khi ông sử dụng tên chính thức của nước này, điều mà một số nhà phân tích cho là dấu hiệu hạ giọng so với những tuyên bố gay gắt trước đây.
Việc bổ nhiệm ông No Kwang Chol diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố rằng binh lính Triều Tiên có thể đang tham chiến ở Ukraine cùng với quân đội Nga, và một số người đã thiệt mạng.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã gia tăng trong năm nay, với một loạt các vụ thử tên lửa và nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm thay đổi cách thức tiếp cận với Hàn Quốc.
Nhiều người dự đoán Bình Nhưỡng sẽ loại bỏ các điều khoản trong hiến pháp về "thống nhất" giữa hai miền Triều Tiên, theo những phát biểu của ông Kim Jong Un vào tháng 1.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cũng không đề cập đến việc thay đổi luật để gọi Hàn Quốc là "kẻ thù chính" hoặc những từ ngữ tương tự, cũng như không có sự rõ ràng về ranh giới lãnh thổ giữa hai quốc gia, dù quan hệ căng thẳng vẫn tiếp diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận