Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu bao gồm: thủy hải sản (42,4 triệu USD), cà phê (25,9 triệu USD), hạt điều (23,8 triệu USD), hạt tiêu (7,5 triệu USD), gạo (5,9 triệu USD), cao su (3,2 triệu USD). Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu sang Israel một số mặt hàng như: rau quả, chè, sắn, hoa hồi… với tổng kim ngạch các mặt hàng này khoảng trên dưới 1 triệu USD/năm.
Chỉ với dân số hơn 8 triệu người, nhưng Israel là thị trường tiêu thụ cà phê quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông do tại Israel có nhiều doanh nghiệp chế biến cà phê để xuất khẩu sang thị trường khu vực và các nước châu Âu, châu Mỹ. Năm 2013, xuất khẩu cà phê sang Israel chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang các nước Trung Đông.
Bên cạnh cà phê, Israel cũng là thị trường quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông đối với mặt hàng hạt điều khi kim ngạch xuất khẩu sang Israel của mặt hàng này chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều sang các nước Trung Đông.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản thị trường Israel có dấu hiệu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2013. Điều này là do các yếu tố khách quan, đặc biệt là tình hình chính trị có nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn làm ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động ngoại thương giữa Israel và các nước khác.
Do Israel không thể trồng được các loại nông sản của Việt Nam trong khi nhu cầu tiêu thụ các loại nông sản này tại Israel và khu vực Trung Đông là rất lớn, nếu vượt qua được các bất ổn chính trị, xung đột trong khu vực thì xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này sẽ được tăng lên rất đáng kể.
Israel sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhưng lại rất hạn chế về tiềm năng đất đai và lao động. Để đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như của cả khu vực, các thương nhân Israel rất năng động trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản với các nước khác. Do đó, Việt Nam cần chú trọng, tìm cơ hội khuyến khích doanh nghiệp Israel vào Việt Nam hợp tác, chuyển giao công nghệ đi cùng với bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nông sản trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Nguồn: Bộ Công Thương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận