Tác phẩm Khoảng thời gian I của họa sĩ Hàn Quốc Seo Suyang |
Triển lãm vừa được khai mạc chiều nay, 30-11 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) và mở cửa đến ngày 12-12.
Triển lãm trưng bày 39 tác phẩm, gồm 27 tác phẩm của 25 họa sĩ Hàn Quốc và 12 tác phẩm của 12 họa sĩ Việt Nam.
Các tác phẩm lần này sẽ là những bức họa đa dạng khắc họa những nét đẹp của phong cảnh, chân dung và đời sống của con người hai nước như Nghỉ ngơi I, II (Ha Jeongseon), Dạ khúc Tongyeong (Ha Jeongseon), Mùa thu (Choio Eunran), Bí mật khu rừng thiên nhiên, Bí mật khu rừng tự nhiên (Jang Jin-su), Bảy người phụ nữ (Yooseung Seo), Mây đại ngàn (Nguyễn Quốc Huy), Ngõ đêm (Trần Tuấn Long), Cảng cá (Nguyễn Văn Bảng), Mùa lúa chín Tây Bắc (Nguyễn Thị Tiến), Mùa nước nổi (Đỗ Đức Khải), Thị Mầu lên chùa (Lê Văn Thìn)…
Tác phẩm Mùa nước nổi của họa sĩ Việt Nam Đỗ Đức Khải |
Cùng với sự độc đáo của tranh sơn mài Việt Nam, nghệ thuật ottchil (sơn mài) của Hàn Quốc giới thiệu tại triển lãm được phát triển từ nghệ thuật sơn mài vốn chỉ có trong thủ công mỹ nghệ - chủ yếu sử dụng kỹ thuật Najeon-chil (kỹ thuật sử dụng vỏ trai, vỏ sò…) và dùng sơn từ cây sơn Ott-namu để sáng tác các tác phẩm hội họa.
Ottchil có đặc tính nổi bật là chống nước, chống mối mọt, chống côn trùng và không bị biến đổi màu sắc, độ bền dù trải qua khoảng thời gian dài cả ngàn năm.
Ngoài ra, bên lề triển lãm, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc sẽ tổ chức thêm các hoạt động như hội thảo, diễn đàn... vào ngày 1-12 tại 49 Nguyễn Du, Hà Nội.
“Chúng tôi hy vọng rằng triển lãm lần này sẽ là cầu nối đưa nghệ thuật sơn mài và ottchil đến gần hơn nữa với người dân hai nước; đồng thời tạo thêm cơ hội tìm hiểu, khám phá và so sánh về nghệ thuật sơn mài và ottchil giữa họa sĩ hai nước và họa sĩ Hàn Quốc với sinh viên Việt Nam” - Ông Park Nark Jong - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận