30/11/2014 09:55 GMT+7

Triển lãm tem “Tổ quốc nhìn từ biển”

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Đây là triển lãm tem Việt Nam lần thứ 8 được khai mạc hôm nay và kéo dài đến 6-12 tại bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam Bộ, Quân khu 7 (247 Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM).

Bì thư gửi ra Trường Sa do anh Nguyễn Đức Danh vẽ

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 7 năm thành lập Câu lạc bộ Viet Stamp (Tem Việt), quảng bá, phát triển phong trào sưu tập tem tại TP.HCM.

Triển lãm trưng bày 85 khung tem giới thiệu 30 bộ sưu tập tem và 24 bộ trưng bày tem một trang của 38 nhà sưu tập ở khắp mọi miền Tổ quốc với các chuyên đề: Biển đảo Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam, Lịch sử bưu chính, sưu tập truyền thống của Việt Nam và thế giới, Đất nước, con người, văn hóa, lịch sử của Việt Nam và thế giới.

Những lá thư được anh Nguyễn Đức Danh gửi ra các đảo Trường Sa 

Nói về ý tưởng của chủ đề triển lãm lần này, anh Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp, trưởng ban tổ chức triển lãm, cho hay:

“Khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển, thềm lục địa của chúng ta thì Hội Tem Việt Nam đã kêu gọi sưu tầm, thu thập những con tem, vật phẩm bưu chính và các ấn phẩm liên quan thể hiện chủ quyền lãnh thổ Việt Nam để tổ chức triển lãm tem bưu chính về chủ đề biển đảo, chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Chúng tôi cũng rất bức xúc, muốn thể hiện tấm lòng, ý thức chủ quyền và tinh thần dân tộc trong khả năng của mình nên dành nhiều thời gian sưu tầm, tìm kiếm thêm  để bổ sung những con tem, vật phẩm bưu chính về biển đảo Việt Nam”.

Một lá thư có con tem Hoàng Sa, Trường Sa trong bộ sưu tập của anh Nguyễn Đức Danh

“Dù chỉ có 10% tem trưng bày liên quan đến biển đảo nhưng đó là tâm huyết của anh em sưu tầm tem lâu nay. Vì thực tế, tem về chủ đề này phát hành rất ít nên việc sưu tầm cũng khó khăn”, anh Hoàng Anh Thi nói.

Trong số 13 giải thưởng dành cho những bộ sưu tập tem đăng ký dự thi tại triển lãm, có 3 giải nhất thì 2 giải nhất đều được trao cho 2 bộ sưu tập tem chủ đề biển đảo.

Chủ nhân của 2 giải nhất là một già, một trẻ: anh Nguyễn Đức Danh (Thái Bình) với bộ sưu tập tên “Biển đảo Tổ quốc” và ông Phùng Văn Bình (TP.HCM) với bộ sưu tập “Hồn biển Việt Nam”. Anh Danh là một thầy giáo dạy mỹ thuật của trường tiểu học An Khê (Quỳnh Phụ, Thái Bình), 28 tuổi. Còn ông Bình là một cán bộ lão thành cách mạng.

Bản đồ Việt Nam có dấu của Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa

Được trình bày theo nội dung rất phong phú: những thắng cảnh từ biển, những giá trị của biển, những dấu ấn từ ngàn xưa khẳng định chủ quyền biển đảo, kế tục sự nghiệp vĩ đại bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc.... bộ sưu tập tem của tác giả Nguyễn Đức Danh có những con tem độc đáo về biển đảo như bộ tem chỉ có 2 mẫu phát hành năm 1988 về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; bộ tem biển đảo Việt Nam đầu tiên chỉ có một mẫu thể hiện bản đồ Việt Nam trên nền trống đồng màu đỏ phát hành năm 1976...

Ngoài giá trị về lịch sử thì bộ tem đạt giải nhất của anh Danh còn thể hiện công phu sưu tầm khi gửi bì thư (có những bì thư tự vẽ) ra tận 16 đảo, điểm đảo của quần đảo Trường Sa xin dấu và có bì thư còn có cả chữ ký của chỉ huy đảo gửi về.

Con tem có hình hùng binh Hoàng Sa triều Nguyễn và con thuyền của đội hùng binh năm xưa

Nhà sưu tập tem 8X này còn có cả bản đồ Việt Nam khi Việt Nam ra sách trắng được đóng dấu của Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, còn có một bì thư được gửi về từ nhà giàn DK1. Mất gần 5 năm để có được 16 bì thư đóng dấu từ Trường Sa gửi về.

“Do điều kiện khó khăn vì xa xôi, rồi lại mưa bão nên một năm chỉ được vài lá thư. Có khi 2 – 3 tháng, có lúc phải 6 tháng. Tôi sẽ sưu tầm hết cho đủ 33 đảo, điểm đảo Trường Sa và các nhà giàn DK1”, anh Danh cho biết.

Ở bộ sưu tập tem của ông Phùng Văn Bình, ngoài những con tem bản đồ Việt Nam thể hiện quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tài nguyên khoáng sản Việt Nam, sự kiện Lạc Long Quân và Âu Cơ  (truyền thuyết đầu tiên của Việt Nam về biển đảo) rồi đến sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cũng từ biển Việt Nam... thì bộ tem về biển đảo của người cán bộ cách mạng này độc đáo ở chỗ: sưu tầm những con tem bị lỗi về màu, vị trí răng cưa....


Con tem kể về cuộc chiến đấu của hải quân Việt Nam

Đặc biệt, trong ngày khai mạc triển lãm, Ban tổ chức còn phát hành một mẫu phong bì và một mẫu dấu kỷ niệm triển lãm thể hiện chủ đề “Tổ quốc nhìn từ biển”.

Mẫu dấu kỷ niệm triển lãm do họa sĩ Lý Trần thiết kế với hình ảnh người lính đội hùng binh Hoàng Sa đang thổi ốc u tượng trưng cho tuyên bố chủ quyền Việt Nam từ ngàn xưa mãi âm vang qua nhiều thế hệ. Bên cạnh là cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn khẳng định quyết tâm giữ vững biển đảo Việt Nam của toàn dân tộc.

Trên phong bì kỷ niệm triển lãm được dán tem “Ngọ Môn, Cố đô Huế”.

“Việc chọn tem này chúng tôi muốn gửi gắm ý nghĩa: Ngọ Môn là một kiến trúc tiêu biểu trong quần thể di tích cố đô Huế xưa kia chỉ dành cho vua đi, tượng trưng cho uy quyền của nền quân chủ nhà Nguyễn. Từ đầu thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX, các vua chúa nhà Nguyễn đã tỏ rõ ý chí nhà nước của mình khi thành lập các đội đi biển có tính nhà nước như đội hùng binh Hoàng Sa – một tổ chức Nhà nước đầu tiên quản lý trên biển Đông. Đó là bằng chứng lịch sử không thể chối cãi về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, anh Hoàng Anh Thi cho biết.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp