Ngày 15-1, tại TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phối hợp cùng Bảo tàng Nam Định, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”.
Triển lãm giới thiệu 55 hiện vật từ thời Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Đây là những hiện vật được tạo tác bằng các chất liệu đá, gốm, sành, gỗ, đồng; trong đó có một số tư liệu, tài liệu khoa học phụ của các tổ chức, đồng nghiệp có liên quan như hình ảnh, các bản vẽ đạc họa, tường giải trên cơ sở nghiên cứu hiện vật.
Được biết đây là lần đầu tiên, công chúng yêu thích nghệ thuật trong và ngoài nước tại TP.HCM có dịp chiêm ngưỡng tận mắt một số hình tượng linh vật trong nghệ thuật cổ đặc sắc của dân tộc.
Chính vì vậy, triển lãm lần này góp phần giúp công chúng nhận diện, hiểu biết sâu sắc hơn những giá trị nhân văn, thẩm mỹ chứa đựng trong di sản văn hóa qua hình tượng sư tử và nghê Việt qua các thời kỳ lịch sử đất nước, đồng thời góp phần tôn vinh văn hóa truyền thống cũng như khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa, tinh thần mang đậm bản sắc của dân tộc.
Trước đó, triển lãm đã diễn ra tại Hà Nội (11-2014), Đà Nẵng (12-2014) và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo công chúng.
Trong tâm thức người Việt, nghê là một linh thú. Do nhu cầu thiên hóa cũng như sự phát triển đa dạng của linh vật này, nghê có nhiều dạng thức, như: sư tử nghê, kỳ lân nghê, long nghê, khuyển nghê.
Trong đó, sư tử nghê thân thường mập và ngắn xuất hiện nhiều trong mỹ thuật Lý-Trần, gắn bó mật thiết với Phật giáo, nhìn chung to lớn, thường cõng tòa sen rất khác với sư tử đá ở vùng Viễn Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận