Phóng to |
Bức ảnh chụp Nguyễn Việt và Nguyễn Đức - cặp song sinh ra đời năm 1981 và là nạn nhân của chất độc da cam - được trưng bày tại triển lãm |
Thông qua những bức ảnh đen trắng khắc họa chân thật hậu quả của chất độc da cam/dioxin để lại trong thiên nhiên cũng như những thế hệ hôm nay ở VN, nhà nhiếp ảnh Nakamura muốn gửi gắm tới người xem một thông điệp về tình yêu và sự chia sẻ dành cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đặc biệt là trẻ em.
Trong bài phát biểu khai mạc triển lãm, ông Nakamura cho biết ông đã theo đuổi đề tài chất độc da cam/dioxin hơn 30 năm nay, kể từ khi cuộc chiến tranh ở VN kết thúc. Ông nhận thấy rằng dù chiến tranh đã qua đi, song di chứng của chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống VN vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người, khiến nhiều em bé mới chào đời đã phải chịu những khuyết tật bẩm sinh. Ngay tại Mỹ, ông cũng đã gặp những cựu binh Mỹ tham chiến ở VN phải vật lộn với căn bệnh ung thư và nhiều triệu chứng thần kinh khác do ảnh hưởng của thứ chất độc này.
Người xem thực sự cảm động khi tận mắt chứng kiến hậu quả của cuộc chiến tranh qua những bức ảnh như "Nạn nhân nhỏ tuổi", "Sinh ra sau chiến tranh", hay "Đứa trẻ chất độc da cam"... Giáo sư Thalia Vrachopoulos thuộc Trường tư pháp John Jay nhận xét rằng mặc dù phải chịu đựng di chứng của chiến tranh, song nhân vật trong ảnh của Nakamura vẫn thể hiện những nét lạc quan trong cuộc sống. Đây chính là tâm nguyện của Nakamura, rằng chiến tranh sẽ không còn đe dọa tới tương lai của con người.
Trao đổi với phóng viên, ông Nakamura cho biết kể từ năm 1974 đến nay, ông đã tới VN rất nhiều lần mà gần đây nhất là vào tháng 8-2005. Khi được những người bạn VN dẫn tới thăm các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cả những cánh rừng khô trụi lá, ông thực sự xúc động bởi ông liên tưởng tới vụ hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki hồi Chiến tranh thế giới lần thứ hai mà hiện vẫn để lại di chứng cho người dân Nhật Bản. Đây chính là động lực thôi thúc ông viết sách và ghi lại bằng hình ảnh hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với cuộc sống của người dân VN, với bốn cuốn sách và một bộ phim tài liệu về đề tài này.
Năm 2005, hãng "Nikkon" đã tổ chức triển lãm ảnh "Ba mươi năm đi tìm chất độc da cam" với nhiều bức ảnh có giá trị của ông. Năm 2000, ông cũng đã tổ chức triển lãm ảnh về đề tài này ở Hà Nội và TP.HCM. Ông cho biết sẽ tặng toàn bộ số tiền thu được từ việc bán ảnh cho các tổ chức cứu trợ trẻ em nhiễm chất độc da cam/dioxin ở VN và tiếp tục theo đuổi sự nghiệp này nhằm góp phần giảm bớt nỗi đau của các nạn nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận