Phóng to |
Trong các nghi lễ sinh hoạt của đồng bào vùng cao không thể thiếu rượu |
Mỗi dịp xuân sang, Tết đến, trong mỗi gia đình không thể thiếu rượu và hoa. Đồng thời, từ xa xưa, nếp chơi câu đối đã gắn liền với nhịp sống xã hội. Thú chơi hoa thì khỏi bàn. Thú chơi câu đối ở thời hội nhập cũng chưa hẳn phổ biến. Còn lĩnh vực rượu, bấy lâu thường được xã hội nhìn nhận với nghĩa ít tính văn hóa bởi cái thói nhậu nhẹt bê tha của không ít người.
Vậy nên, ý tưởng thực hiện một hoạt động như triển lãm - hội chợ “Câu đối, hoa và rượu tết” khá thú vị, với sự ủng hộ và phối hợp của các bộ: VHTT, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Công nghiệp, Tổng cục Du lịch VN, Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát VN, các UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng.
Trong phần triển lãm, sẽ có khu trưng bày các câu đối xưa, hay, liên quan đến chủ đề Tết, hoa, rượu của các thi nhân đất Việt như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Tú Xương… Kề đó là phần trưng bày tuyển chọn các câu đối thời nay tham dự “Liên hoan câu đối Tết Việt lần thứ nhất - 2007” (bày nguyên bản trên gỗ, tre, mành tre, quạt giấy hoặc được viết dưới dạng thư pháp Hán ngữ, quốc ngữ trên giấy khổ lớn) với đề tài mở.
Cũng tại khu vực này, một không gian mang tên “Thi thư Hà Nội” sẽ được tạo dựng theo phong cách truyền thống thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Còn ở khu trưng bày hoa và gốm, là sự hội tụ của các sắc hoa đặc trưng ngày Tết như đào hồng miền Bắc, mai vàng miền Nam, lan, quất… cùng với nhiều chủng loại “hoa giả” tạo hình nghệ thuật của các nghệ nhân Hà thành.
Một không gian “Rượu quê, câu đối, hồn chữ Việt” được tái hiện ở khu nhà cổ và sân ngoài trời, giới thiệu phương pháp nấu rượu truyền thống ở nông thôn, trưng bày 200 tác phẩm thư pháp bút lửa cùng 20 cây bút lông, 20 cây bút lửa (cao từ 50 - 180cm), tạo dựng nhà thờ họ, bàn thờ gia tiên theo phong cách truyền thống…
Đến khu vực “Hương rượu Kinh Bắc”, khách tham quan có dịp tìm hiểu các công đoạn chưng cất rượu truyền thống của các nghệ nhân làng Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), được nếm rượu và thưởng thức “đặc sản” quan họ cùng các món quà quê…
Khá đặc biệt là khu trưng bày rượu VN với hơn 100 hiện vật có liên quan tới việc sản xuất và thưởng thức rượu (đồ cổ và đồ mới). Tại đây, khách sẽ được thưởng thức các loại rượu cần của vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Nếu dạo qua khu vực hội chợ rượu - bia VN, những ai yêu thích một mảng ẩm thực đất Việt cũng sẽ được thưởng thức và chọn mua cho mình một sản phẩm ưng ý trong một “rừng” rượu, tụ hội từ các vùng miền trong toàn quốc và từ các doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng.
Theo Thứ trưởng VHTT Trần Chiến Thắng, nước ta đã có quốc kỳ, quốc ca, quốc huy; còn quốc hoa và quốc phục vẫn bàn thảo nhiều chiều, riêng quốc tửu càng chưa, trong khi nhiều quốc gia đã định vị những lĩnh vực này. Vì thế, trong khuôn khổ triển lãm - hội chợ này, BTC sẽ tiến hành “Liên hoan tuyển chọn rượu VN lần thứ nhất” nhằm tôn vinh giá trị của thương hiệu rượu VN và tạo cơ hội xây dựng các loại rượu có thương hiệu quốc gia (quốc tửu).
Các giải sẽ được trao cho 3 dòng rượu: Rượu vang, rượu qua chưng cất công nghiệp và rượu do các làng nghề sản xuất. “Chúng ta cần tiếp cận từ khía cạnh văn hóa trong cách sử dụng rượu. Liên hoan cũng nhằm hưởng ứng việc thực hiện Chỉ thị số 01/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức đón Tết Đinh Hợi tiết kiệm, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc không dùng rượu ngoại để chiêu đãi, tiếp khách” - Thứ trưởng Trần Chiến Thắng nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, lễ khai mạc sáng 9-2 sẽ mang chủ đề “Sắc hoa xuân” với nhiều chương trình biểu diễn của 8 đoàn nghệ thuật, “Đêm văn hoá rượu” (tối 11-2), “Đêm văn hoá Bắc Cạn” (tối 12-2), chương trình nghệ thuật dân gian (tối 13-2).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận