Ngày 22-10, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương tăng cường tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai. Thủ tướng cũng phê bình những địa phương chậm ban hành văn bản thi hành Luật Đất đai.
Người dân, doanh nghiệp thắc mắc rằng sau gần 3 tháng có hiệu lực, vì sao 3 luật liên quan nhà đất gồm Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở vẫn chưa thể vận hành thông suốt.
Chỉ đạo hỏa tốc nhưng thực thi chậm trễ
Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng có chỉ đạo thúc giục việc thực thi Luật Đất đai.
Từ tháng 3-2024 (trước khi Luật Đất đai có hiệu lực 5 tháng), Thủ tướng đã có chỉ đạo hỏa tốc, trong đó chỉ đạo các bộ ngành và địa phương khẩn trương hoàn thiện các nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn để sớm triển khai Luật Đất đai.
Thời điểm đó Chính phủ đã quyết tâm để trình Quốc hội thông qua việc cho phép các luật về bất động sản có hiệu lực trước 5 tháng so với dự kiến trước đó (1-8-2024 thay vì 1-1-2025).
Cũng cần nhắc lại, trước khi bấm nút thông qua việc cho sớm thực hiện các luật trên, các đại biểu Quốc hội và Ủy ban thẩm tra cũng đã bày tỏ lo ngại về việc thực thi do thời điểm đó văn bản hướng dẫn còn thiếu rất nhiều.
Tuy nhiên trước quyết tâm của Chính phủ, các thành viên Chính phủ và cả các địa phương, Quốc hội đã đồng ý để các luật sớm đi vào cuộc sống. Tất cả đều kỳ vọng các luật sẽ khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nỗi lo sau đó thành thực tế, đến ngày 7-10-2024 (hơn 2 tháng sau khi có hiệu lực), chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện.
Điều đáng nói tại một số địa phương đã gặp lúng túng, khó khăn khi ban hành các văn bản thực thi luật. Điển hình như phải mất đ
Vướng mắc này cũng khiến cho có thời điểm nhiều thủ tục hành chính bị tắc nghẽn hoàn toàn.
Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết đã có nhiều văn bản chủ động đôn đốc, hướng dẫn địa phương. Trong đó đề nghị các địa phương chủ động, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành theo thẩm quyền được giao.
Thậm chí bộ này còn quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật về nhà - đất.
Nên có tổ chuyên môn hỗ trợ địa phương
Đại biểu Phan Đức Hiếu - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết với trách nhiệm của mình, Ủy ban Kinh tế vẫn bám sát cùng Chính phủ theo dõi, xem xét, đánh giá tình hình triển khai 3 luật và hiện nay 3 luật vẫn được thực thi.
Đối với Luật Đất đai, đến nay đã có 10/10 nghị định được Chính phủ ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 quyết định, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính đã ban hành 5/6 thông tư được luật giao.
Nhiều tỉnh, thành phố đã tập trung nguồn lực để ban hành được một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật nhưng cũng vẫn có một số địa phương chậm ban hành.
Việc Thủ tướng đôn đốc, phê bình các địa phương còn chậm trễ trong công điện ngày 22-10 là đúng và cần thiết.
Ông Hiếu cho rằng việc thực thi 4 luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đầu tư rất quan trọng. Một số địa phương chưa có kinh nghiệm nên chậm ban hành các văn bản hướng dẫn.
Bởi vậy, cần có một tổ thi hành 4 luật nhằm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nếu không có hướng dẫn triển khai rõ ràng, các luật này sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng vào thực tế.
Mặt khác Bộ Tài nguyên và Môi trường nên chủ động xuống trực tiếp hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm thực tế của các địa phương đã ban hành đầy đủ các văn bản và hỗ trợ chuyên môn để hoàn thiện ban hành các quy định thay vì đôn đốc và chờ các bộ, cơ quan, địa phương báo cáo và xin ý kiến.
Cần thiết phải "cầm tay chỉ việc"
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, phó chủ tịch hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội, cho rằng việc thông qua và áp dụng sớm 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản là sự nỗ lực. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ vì vấn đề đất đai, nhà ở, bất động sản liên quan tới lợi ích các chủ thể trong xã hội, rất phức tạp.
Vì thế, cần có những văn bản tổ chức thực hiện rất cụ thể, gần như cầm tay chỉ việc, nhưng dường như đang thiếu các văn bản như thế này nên địa phương lúng túng.
"Tinh thần của luật là phân cấp cho địa phương tự làm, tự chịu trách nhiệm, trong bối cảnh này lại thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết. Bản thân các địa phương cũng lúng túng trong ban hành văn bản tổ chức thực hiện Luật Đất đai, hướng dẫn các văn bản của trung ương cho phù hợp tình hình địa phương", ông Tuyến nhìn nhận.
Theo ông Tuyến, các địa phương đang rất lúng túng, đặc biệt trong các vấn đề hóc búa như xây dựng bảng giá đất và giá đất cụ thể.
Theo quy định, HĐND cấp tỉnh là cơ quan thông qua bảng giá đất và giá đất cụ thể. Trong luật cũng quy định việc giao đất phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, thời gian qua Hà Nội áp dụng thì giá đất lại được đẩy lên rất cao.
Mặt khác, theo Luật Đất đai 2024, cán bộ cấp quận huyện cũng được giao nhiệm vụ rất nặng trong khi năng lực có hạn.
"Các bộ phải cử người đi tập huấn đến tận cấp huyện thì cán bộ mới thẩm thấu được, cộng với ban hành văn bản hướng dẫn rõ ràng thì cán bộ mới tự tin thực thi luật.
Đối với bảng giá đất mới, các bộ cần ngồi lại với nhau để chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực thi, chứ các bộ cứ đẩy "quả bóng" cho nhau thì địa phương không biết nghe cơ quan nào", ông Tuyến nêu.
Ông Nguyễn Văn Đính (phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam):
Cần hướng dẫn cụ thể hơn
3 luật liên quan đến bất động sản lần này đã có những quy định rất chi tiết và rõ ràng, nhất là tính phân cấp phân quyền.
Từ 1-8 đến nay, gần 3 tháng là khoảng thời gian chưa nhiều để các quy định mới của luật có thể thực thi nhanh chóng, đặc biệt khi các quy định của luật phần lớn rất phức tạp. Thế nhưng, dù phức tạp, dù còn nhiều thách thức thì các luật vẫn phải đẩy mạnh triển khai áp dụng.
Chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp cận với địa phương thì nhận thấy nhiều nơi còn bỡ ngỡ trong việc thực thi pháp luật nên tỉ lệ công việc được xử lý rất ít ỏi. Ví dụ các dự án đền bù giải phóng mặt bằng, họ phản ánh là phải đền bù 100% mới được giải phóng mặt bằng thì rất khó khiến nhiều dự án bị cản trở.
Ngoài ra còn có các vấn đề khác như đấu giá, đấu thầu, tính tiền sử dụng đất... cũng rất vướng.
Vì vậy, tôi mong rằng thời gian tới các quy định của luật sẽ được phổ biến và có những hướng dẫn cụ thể để nhanh chóng triển khai. Muốn vậy, rất cần sự quan tâm và chung tay của các bộ có liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận