01/05/2017 09:57 GMT+7

Trí tuệ Việt từ những ngôi trường danh tiếng

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Đều là những người giỏi được cấp học bổng toàn phần hệ tiến sĩ tại các ngôi trường ĐH danh tiếng trên thế giới, họ còn có điểm chung khác là làm cho đời sống cộng đồng phong phú và ý nghĩa, góp phần làm rạng danh hai tiếng Việt Nam.

Anh Phạm Hải Chiến (bìa phải) trong một hoạt động hướng về quê hương tại Hàn Quốc - Ảnh: H.C.
Anh Phạm Hải Chiến (bìa phải) trong một hoạt động hướng về quê hương tại Hàn Quốc - Ảnh: H.C.

Người thì quyết định lên đường du học dù đã bước vào tuổi trung niên và có vị trí nhất định, chấp nhận xa vợ và hai con; người nhận học bổng tiến sĩ ở Paris hoa lệ năm 23 tuổi nhưng lại luôn khiêm tốn nói: “Tôi không có gì đặc biệt để viết đâu, ngoài kia nhiều người tài năng hơn tôi nhiều”.

Đó là câu chuyện của anh Phạm Hải Chiến (41 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa kiến trúc - xây dựng ĐH Chung Ang, Hàn Quốc) và bạn Lê Hồng Thái (24 tuổi, nghiên cứu sinh tại ĐH Mỏ Paris, một trong những trường kỹ sư lâu đời và nổi tiếng nhất tại Pháp).

Làm hết mình vì nhiều trăn trở

Tốt nghiệp ngành xây dựng tại ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), anh Chiến học tiếp lên hệ thạc sĩ trong nước và làm quản lý dự án trước khi nhận được học bổng giáo sư (toàn phần) để theo đuổi chương trình tiến sĩ tại Hàn Quốc.

Chân ướt chân ráo qua Hàn Quốc, anh Chiến nhanh chóng xuất hiện “trên từng cây số” với nhiều hoạt động của cộng đồng người Việt tại đây. Anh Chiến sau đó nhận về nhiều sự tin tưởng và được bầu chọn làm chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Hàn Quốc (VSAK) trong cả hai nhiệm kỳ 2015-2017 và 2017-2019.

Anh Chiến không giấu được trăn trở: “Rất nhiều du học sinh Việt đã gầy dựng được ấn tượng tốt đẹp trong mắt người Hàn Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu chuyện buồn về lao động Việt trốn lại Hàn Quốc làm việc hay một số bạn qua dưới hình thức du học tiếng nhưng lại trốn đi làm..., từ đó làm ảnh hưởng đáng kể đến hình ảnh người Việt tại đây lẫn những người đi sau.

Tôi mong muốn hội sẽ phần nào giúp khôi phục hình ảnh người Việt và giúp những cá nhân lỡ lầm trên nhận thức được vấn đề và cung cấp những hỗ trợ cần thiết”.

Còn Hồng Thái sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Nghệ An quanh năm thiên tai, từng có tuổi thơ khá bấp bênh như những con sóng vỗ ngày đêm quanh làng chài. Ý thức được hoàn cảnh gia đình nên Thái luôn chăm chỉ học và sau đó đậu vào chương trình kỹ sư chất lượng cao khoa công trình tại ĐH Giao thông vận tải Hà Nội năm 2010.

Ba năm sau, Hồng Thái nhận được học bổng tài năng Eiffel (chương trình học bổng danh giá nhất của Chính phủ Pháp dành cho sinh viên nước ngoài) và qua Pháp học tiếp.

Hồng Thái nhớ lại lý do biết đến Đồng Hành - quỹ học bổng được một số cựu sinh viên Việt cho ra đời từ năm 2001 tại Pháp: “Khi còn là sinh viên năm hai tại VN, tôi gặp một số khó khăn về tài chính nên quyết định tìm hiểu và nộp đơn xin học bổng này.

Không ngờ ngoài khoản học bổng được nhận, tôi còn được nhiều anh chị đi trước của chương trình hỗ trợ, chia sẻ về tinh thần lẫn học thuật lúc ở VN lẫn khi đã qua Pháp”.

Cảm động với tinh thần “tương thân tương ái” từ mọi người, Hồng Thái hăng hái tham gia các hoạt động của quỹ khi sắp xếp được thời gian.

“Hồi đó trường của tôi cách thành phố Paris 400km nhưng mỗi cuối tuần tôi đều cố gắng lên Paris để sát cánh cùng quỹ, dù có khi chỉ là chân sai vặt” - Hồng Thái cười nói. Do hoạt động tích cực, Hồng Thái được bầu làm chủ tịch quỹ từ cuối năm 2016.

Chỉ cần cố gắng là làm được

ĐH Chung Ang nằm trong các trường tốp đầu tại xứ sở kim chi nên nghiên cứu sinh phải đáp ứng nhiều yêu cầu gắt gao từ phía nhà trường, giáo sư để được công nhận tốt nghiệp.

Vừa nghiên cứu vừa phải làm “đầu tàu” cho nhiều hoạt động của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc, anh Chiến cho biết một ngày của anh thường bắt đầu từ sáng sớm đến 2-3h sáng hôm sau, những lúc cao điểm các sự kiện thì việc “thức cày” đến 5h sáng là bình thường.

Anh Chiến cho biết số lượng du học sinh Việt ở Hàn Quốc là khoảng 8.000 người, thuộc 85 chi hội, đông thứ nhì tại đây.

“Các bạn theo học trường phân bố trải dài khắp đất nước nên việc chọn địa điểm, thời gian phù hợp với tất cả mọi người là vô cùng khó khăn. Chưa kể để tổ chức các hoạt động thì hội phải đi xin tài trợ từ nhiều nguồn rồi phải cân đo đong đếm đủ kiểu.

Nói thật, tất cả thành viên hội đều làm không có phụ cấp, đôi khi phải bỏ tiền túi ra nhưng ai nấy đều làm việc rất nhiệt tình, không đòi hỏi quyền lợi gì..., điều đó khiến tôi vô cùng cảm động” - anh Chiến kể.

“Từ khi qua Hàn Quốc du học, tôi nhận ra người Hàn làm việc rất cật lực, trong phòng thí nghiệm có rất nhiều bạn “cày” hơn tôi nhiều. Tinh thần dân tộc và khát vọng vươn lên của họ rất cao và điều đó khiến tôi không ngừng suy nghĩ. Bên cạnh đó, tôi mong hai con thấy cha đã lớn tuổi nhưng vẫn đi học, vẫn tham gia nhiều hoạt động thì sẽ noi gương, chăm chỉ học” - anh Chiến tâm sự.

Nói về việc “vác tù và hàng tổng” trong khi việc nghiên cứu vốn đã vắt kiệt sức mình, anh Chiến cho biết: “Tôi thấy bản thân rất may mắn về nhiều thứ, lại được gia đình, lãnh đạo đại sứ quán và các bạn trẻ Việt nhiệt tình sát cánh, động viên nên tôi có thể toàn tâm toàn ý học tập và hoạt động cộng đồng”.

Bên cạnh hoạt động gây quỹ và xét, cấp học bổng (3,5 triệu đồng/suất) thì Đồng Hành còn tổ chức dạy tiếng Việt cho con em kiều bào, tổ chức các chương trình quảng bá văn hóa Việt tại nước ngoài và gần đây có thêm hoạt động hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thành viên chương trình... nên khối lượng công việc của ban điều hành vô cùng lớn.

“Tôi thường cố gắng dành 20% thời gian, thường là buổi tối và cuối tuần cho quỹ. Rất may mắn là tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các thành viên khác trong ban điều hành, các anh chị đi trước nên áp lực giảm đi rất nhiều” - Hồng Thái nói.

Sớm gặt hái được nhiều thành công trong nghiên cứu, học tập nhưng Hồng Thái tiết lộ một “bí mật” ít ai biết: “Tôi từng nghĩ cái đáng sợ nhất trên đời là tiếng Anh, từ bé tôi đã không thể nhét ngôn ngữ này vô đầu được. Trớ trêu là điều kiện tốt nghiệp ở trường ĐH là phải có bằng IELTS 6.0, tôi từng thật sự rất sợ và lo lắng”.

Không thể trốn tránh, bạn quyết định học ngày đêm và cuối cùng cũng chinh phục được tấm bằng trên.

“Tôi muốn nhắn với các bạn dân kỹ thuật - những người thường có nỗi sợ tương tự - rằng việc học ngoại ngữ khó nhưng không phải bất khả thi nếu chúng ta thật sự nỗ lực.

Tôi cũng muốn nói với các bạn trẻ nói chung rằng điều này đúng cho tất cả các vấn đề khác trong cuộc sống, chẳng hạn như câu chuyện vừa học giỏi vừa hoàn toàn có thể hoạt động cộng đồng tốt” - Hồng Thái khẳng định.

Gương mặt đa năng

Ngoài vị trí chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Hàn Quốc (VSAK), anh Phạm Hải Chiến đồng thời là ủy viên ban chấp hành Hội Người Việt tại Hàn Quốc và bí thư chi bộ chuyên gia, lưu học sinh và lao động tại Bắc Seoul.

Anh từng được nhận bằng khen do Đảng bộ tại Hàn Quốc tặng (hai năm 2015, 2016); bằng khen Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc vì đã có những đóng góp tích cực trong công tác hội và phong trào sinh viên, cộng đồng VN tại Hàn Quốc; bằng khen Trung ương Hội LHTN VN 2016 vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đoàn kết tập hợp thanh niên, sinh viên VN tại Hàn Quốc và tổ chức các hoạt động hướng về quê hương...

Học giỏi, hoạt động giỏi

Lê Hồng Thái tại phòng thí nghiệm của trường - Ảnh: H.T.
Lê Hồng Thái tại phòng thí nghiệm của trường - Ảnh: H.T.

Lê Hồng Thái tốt nghiệp chương trình ĐH tại Pháp với luận án tốt nghiệp loại xuất sắc (điểm số tuyệt đối 4/4), đồng thời là kết quả cao nhất khoa.

Sau đó Thái tiếp tục được cấp học bổng toàn phần hệ tiến sĩ từ ba trường và hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Mỏ Paris và Ủy ban Năng lượng nguyên tử - Cộng hòa Pháp, theo đuổi dự án về tai nạn lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện nhằm đảm bảo an toàn hạt nhân cho 58 lò phản ứng tại Pháp.

Hồng Thái hiện là chủ tịch quỹ học bổng Đồng Hành, nơi đã trao hơn 3.000 suất học bổng cho những bạn trẻ Việt vượt khó trong học tập.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp