Từ trái qua: các kỹ sư Nguyễn Thị Thắm, Lương Bá Đạt, Vũ Tiến Dũng và Phạm Hữu Đức - lứa kỹ sư trẻ của Việt Nam - làm việc tại Samsung - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đây phần lớn là những kỹ sư trẻ măng chuyên về công nghệ thông tin được đào tạo từ trong nước, nhưng sản phẩm của họ tỏa đi toàn cầu.
Riêng về chuyên môn trong lĩnh vực dùng phần mềm kiểm thử chất lượng phần cứng thì chúng tôi tự tin mình đứng đầu Đông Nam Á.
Kỹ sư PHẠM HỮU ĐỨC
Từ bản địa hóa phần mềm
Mới vài năm trước, các kỹ sư này chỉ đảm nhận nhiệm vụ hết sức cơ bản như bản địa hóa các phần mềm toàn cầu do các kỹ sư nước ngoài phát triển. Tức là họ chỉ điều chỉnh về mặt ngôn ngữ và yêu cầu đối với từng thị trường của các phần mềm đã có sẵn cho người dùng ở các nước Đông Nam Á.
Từ chỗ chỉ là những người bản địa hóa các phần mềm toàn cầu, các kỹ sư này đã làm được một điều ngược lại là tạo nên những sản phẩm toàn cầu để các trung tâm R&D khác trên thế giới phải bản địa hóa những phần mềm do chính mình tạo ra.
"Đó là cả một quá trình học hỏi không ngừng của chúng tôi để khẳng định một điều là trình độ và kỹ thuật của người Việt không thua kém gì các nước khác trên thế giới" - Vũ Tiến Dũng, kỹ sư 31 tuổi làm việc tại trung tâm này, nói.
Ngồi trong căn phòng được bao bọc bởi lớp an ninh nghiêm ngặt về tính bảo mật của một trung tâm R&D trong lĩnh vực công nghệ, Dũng kể bản thân đã có bề dày kinh nghiệm khi làm việc ở những công ty công nghệ tại TP.HCM và Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) và thạc sĩ tại Hàn Quốc.
Sau một thời gian làm việc ở nước ngoài, chàng kỹ sư này được mời về làm quản lý dự án tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam (SVMC).
Đúng mảng công việc tâm huyết, Dũng được giao hỗ trợ phát triển phần mềm dòng điện thoại J1 vào năm 2016 cùng các nhân sự quản lý dự án Việt Nam, đó cũng là một trong những dự án đầu tiên mà người Việt tham gia với vai trò "đầu tàu" của dự án.
Người Việt nắm toàn bộ các đầu việc trong phát triển phần mềm và các tính năng cho điện thoại, sau đó chia việc cho những trung tâm R&D khác của Samsung trên thế giới làm theo sự chỉ đạo của các quản lý dự án Việt.
"Đến 80% các công việc trong dự án như lập trình, viết code... đều do đội ngũ người Việt đảm nhiệm và đều hoàn thành ngoài mong đợi" - Dũng cho biết.
Tiếp sau đó, đội ngũ kỹ sư Việt tại trung tâm này tiếp tục được giao phát triển chủ đạo về phần mềm của các dòng điện thoại thương mại hóa trên toàn cầu, với độ khó ngày một nâng lên. Khối lượng công việc cũng không thua kém những trung tâm R&D khác với các kỹ sư gạo cội của Samsung tại Hàn Quốc, Ấn Độ hay New Zealand...
Ngay chính Dũng và nhiều kỹ sư của Việt Nam cũng thường xuyên sang làm việc tại các trung tâm R&D ở các nước. Từ chỗ đi để học hỏi, nay kỹ sư Việt đã ngang ngửa trình độ, thậm chí còn ra nước ngoài hỗ trợ các kỹ sư quốc tế bởi có nhiều lĩnh vực kỹ sư Việt còn nắm ưu thế về kỹ thuật và kinh nghiệm.
Các kỹ sư trẻ khẳng định trí tuệ Việt khi xây dựng và phát triển những phần mềm cho toàn cầu - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đến phát triển phần mềm toàn cầu
Kỹ sư Phạm Hữu Đức (27 tuổi) vào làm việc tại SVMC sau khi tốt nghiệp Học viện Bưu chính viễn thông.
Gần 4 năm qua, chàng trai quê Hà Tĩnh này đã có nhiều thời gian đi nước ngoài làm việc chung cùng các kỹ sư tại Hàn Quốc, Ấn Độ. Có đợt, cả nhóm của Đức lên đến 13 người cùng sang Hàn Quốc hỗ trợ các kỹ sư tại đây.
Công việc chính của Đức là "nạp" phần mềm cho những chiếc điện thoại vô tri vô giác để "thổi hồn" cho chiếc điện thoại, giúp các tính năng trong máy sống lại và liên kết với nhau.
"Trước đây chúng tôi nhờ cậy các trung tâm R&D hỗ trợ, nhưng bây giờ chúng tôi có thể chủ động hơn và nhiều khía cạnh còn rành hơn cả kỹ sư các nước khác. Riêng về chuyên môn trong lĩnh vực dùng phần mềm kiểm thử chất lượng phần cứng thì chúng tôi tự tin mình đứng đầu Đông Nam Á" - Đức tự tin.
Các cuộc họp diễn ra mỗi ngày để theo dõi tiến độ các dự án do các kỹ sư Việt đảm nhiệm - Ảnh: NGỌC HIỂN
Mới đây nhất, các kỹ sư của Việt Nam đã chạy đua gần 100 ngày để hoàn thành một dự án được xem là dấu mốc của : xây dựng và phát triển phần mềm cho một dòng điện thoại cận cao cấp 3 camera đầu tiên của Samsung.
Đây là một bài toán khó với các kỹ sư Việt bởi phần cứng thay đổi hoàn toàn. Điều này đòi hỏi các kỹ sư phải nâng tầm công nghệ và chạy nước rút để hoàn thành bởi dự án này hoàn toàn do người Việt chủ đạo.
Ngoài ra, các kỹ sư Việt còn phải hỗ trợ các trung tâm khác trên toàn cầu, như vùng Tây Nam Á của trung tâm Ấn Độ và vùng Latin của trung tâm Brazil để cùng thực hiện dự án này. Điều đặc biệt, đây là chiếc điện thoại vừa do người Việt xây dựng phần mềm vừa sản xuất hàng loạt tại Việt Nam và xuất đi toàn cầu.
Nói về mẫu điện thoại do người Việt vừa phát triển phần mềm, ông Shim Won Hwan, tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết đây là minh chứng để thay đổi hoàn toàn cách nhìn của thế giới về Việt Nam, về trí tuệ của các kỹ sư trẻ người Việt.
"Đất nước này không chỉ là nơi có các nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Samsung, mà tiếp tục sẽ có trung tâm R&D điện thoại có vị trí quan trọng nhất của Samsung trên toàn cầu" - ông Shim khẳng định.
Công việc chính của các kỹ sư là “thổi hồn” cho chiếc điện thoại vô tri vô giác sống lại bằng các ứng dụng, phần mềm do chính mình phát triển - Ảnh: NGỌC HIỂN
có nền tảng kiến thức và năng lực
Từ việc chỉ nghiên cứu, phát triển phần mềm điện thoại của thị trường Đông Nam Á, đến nay gần 2.000 kỹ sư và chuyên gia công nghệ thông tin của trung tâm này đã mở rộng phạm vi triển khai với các dự án bản địa hóa tại Đông Nam Á, Úc, New Zealand, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Đồng thời, trung tâm cũng đã triển khai các dự án gốc phát triển toàn bộ hệ thống phần mềm, tính năng cho các sản phẩm dòng trung cấp, cận cao cấp.
Theo TS Đỗ Đức Dũng - giám đốc bộ phận giải pháp phần mềm, các kỹ sư Việt có nền tảng kiến thức, năng lực nên khi được đưa vào dự án toàn cầu dễ dàng học hỏi nhanh và chịu khó cập nhật kiến thức mới để phát huy những lợi thế của mình.
Hoa lạc giữa... rừng gươm!
Nữ kỹ sư Nguyễn Thị Thắm từng tham gia hỗ trợ nhiều dự án quan trọng tại các trung tâm R&D của Samsung ở các nước - Ảnh: NGỌC HIỂN
Trong số hàng trăm nhân viên đang làm việc tại bộ phận giải pháp phần mềm của trung tâm, Nguyễn Thị Thắm (28 tuổi) là một trong những trường hợp nữ giới hiếm hoi đeo đuổi đam mê công việc thiên về kỹ thuật tưởng chừng chỉ dành cho phái nam.
Tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Thắm vào làm việc tại trung tâm này chỉ sau một năm thành lập.
Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng Thắm cũng được xem là lứa kỹ sư thạo nghề ở trung tâm khi đã cùng tham gia nhiều dự án quan trọng cho nhiều sản phẩm đã xuất xưởng của Samsung trên toàn cầu.
Nữ kỹ sư với vóc người nhỏ nhắn này từng sang làm việc chung với những kỹ sư hàng đầu ở Hàn Quốc, đồng thời cũng sang New Zealand hỗ trợ kiểm thử các sản phẩm do chính người Việt phát triển.
"Ban đầu mọi người cũng dè dặt khi thấy con gái làm kỹ thuật. Nhưng khi mình đã có nền tảng kiến thức, chịu khó học hỏi không chỉ từ đồng nghiệp mà còn tự học từ các diễn đàn chuyên môn trên thế giới nên trình độ của mình cũng như kinh nghiệm làm việc ngày một nâng cao không thua kém bạn bè các nước" - Thắm nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận