Trước khi lên đường sang thăm chính thức New Zealand ngày 9-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian gặp gỡ Hội doanh nhân Việt Nam và Hội trí thức - chuyên gia Việt Nam (VASEA) tại Úc.
Kết nối trí thức cho nước nhà
Cả hai cuộc gặp diễn ra liền nhau, ngay trước giờ Thủ tướng ra sân bay và kéo dài hơn dự kiến. Chia sẻ với bà con, Thủ tướng mong muốn các hội sẽ là cầu nối giữa các trí thức, nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp Úc với Việt Nam để góp phần phát triển đất nước, góp phần cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Úc vừa thiết lập.
Trong số những người tham dự có giáo sư Ngô Đức Tuấn, phó chủ tịch VASEA phụ trách khoa học - công nghệ. Ông đã tham gia hướng dẫn và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam tại Úc và Việt Nam trong suốt 20 năm qua.
Năm 2023, ông được bầu làm viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Úc, chủ tịch Mạng lưới nghiên cứu quốc tế về giảm khí thải cho ngành xây dựng (DBI Network) do Chính phủ Úc tài trợ.
"Bản thân tôi cũng như rất nhiều đồng nghiệp người Việt đang sống và làm việc tại Úc đều mong muốn có điều kiện đóng góp cho đất nước qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo để đẩy mạnh quan hệ song phương giữa hai nước. Khuôn khổ quan hệ mới sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho sự đóng góp của chuyên gia Úc và Việt Nam", ông chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Ra đời chỉ chưa đầy hai năm, nhưng VASEA do giáo sư Nghiêm Đức Long (Đại học Công nghệ Sydney, Úc) thành lập đã phát triển nhanh chóng. Hội mong muốn phát huy những hiểu biết, kinh nghiệm của các thành viên và cả mạng lưới liên quan với các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức Úc để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Đặc biệt trong những lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo nhân lực.
Đóng góp cho phát triển bền vững
Về vấn đề giảm phát thải bằng 0, phát triển kinh tế xanh... như đã nêu trong tuyên bố chung của hai nước, giáo sư Ngô Đức Tuấn tin rằng Úc có nhiều bài học kinh nghiệm sẽ giúp Việt Nam rút ngắn thời gian chuẩn bị hoặc triển khai những quy định liên quan.
Ví như trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn, ông Tuấn cho biết các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của Úc đã kết hợp với các công ty trong ngành xây dựng triển khai rất nhiều dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới về chuyển đổi xanh cho ngành xây dựng, lộ trình giảm phát thải và quy chuẩn xây dựng quốc gia Úc năm 2022.
Những công trình này hướng tới sử dụng vật liệu phát thải thấp, tích hợp sử dụng năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng cho các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ quản lý thông minh cho tòa nhà để giảm phát thải xây dựng, tăng tái chế và tái sử dụng vật liệu, cấu kiện xây dựng, tiến tới nền kinh tế tuần hoàn.
"Các kinh nghiệm triển khai của Úc và các nghiên cứu về công nghệ, phát triển chính sách cũng như mô hình thực hiện sẽ rất hữu ích cho Việt Nam", ông Tuấn nói. Ông hy vọng trong các năm tới, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lộ trình chi tiết về giảm phát thải, đánh giá các tác động và ảnh hưởng về kinh tế - xã hội và môi trường.
"Một trong những thách thức nữa là Việt Nam cần đảm bảo có đủ số lượng và chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và kiến thức về các xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực này", ông Tuấn nói thêm.
Trong cuộc gặp Thủ tướng, ban lãnh đạo VASEA bày tỏ các thành viên của hội có thể phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy các đối tác Úc cung cấp học bổng nhiều hơn, tốt hơn cho sinh viên Việt Nam.
Tiến sĩ 36 tuổi tâm huyết với nông nghiệp thông minh
Cũng trong ngày 5-3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc gặp với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Úc (NIC-AU). Tiến sĩ Trần Phi Vũ, chủ tịch NIC-AU, chia sẻ với Tuổi Trẻ về những trăn trở và mong muốn hỗ trợ bà con nông dân canh tác hiệu quả hơn, đạt chất lượng, năng suất và giá trị cao hơn.
Trong ba năm qua, xác định NIC-AU có vai trò kết nối, ông Vũ cùng các thành viên trong mạng lưới đã tổ chức nhiều hội thảo về nông nghiệp thông minh, liên kết các chuyên gia uy tín không chỉ người Việt ở Úc mà còn ở các nước khác và chuyên gia nước ngoài.
Những hội thảo này đã giúp làm rõ hơn về nông nghiệp thông minh tại Việt Nam, tiềm năng cũng như các kinh nghiệm có thể ứng dụng. Sắp tới, mạng lưới sẽ công bố một kỷ yếu về nông nghiệp thông minh, trong đó giới thiệu những công nghệ và kinh nghiệm hay cho Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận