Sắp tới người dân sẽ có thêm công cụ “quét sạch” tin nhắn rác, cuộc gọi rác từ nghị định số 91/2020/NĐ-CP - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một tin nhắn rác được gửi đi, một cuộc gọi rác được thực hiện cũng đều đem lại doanh thu cho các nhà mạng. Liệu họ có dễ dàng dẹp bỏ "nồi cơm" bấy lâu nay?
Bạn đọc Hân Minh
Nhà mạng sẽ bảo vệ quyền lợi mọi khách hàng hay giữ nguồn thu của họ? Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc về vấn đề này.
Ai là khách hàng của nhà mạng?
Quá bực mình sau nhiều lần liên tục bị gọi điện, nhắn tin chào mời từ một công ty bảo hiểm, một anh bạn đồng nghiệp của tôi đã viết những bức xúc lên trang cá nhân của mình. Ngay sau đó, công ty bảo hiểm nọ đã gọi điện xin lỗi và hứa hẹn không làm phiền nữa.
Tuy nhiên không lâu sau, anh đã nhận được hàng chục cuộc gọi liên tiếp chỉ trong vòng vài phút từ nhiều số máy, một số cuộc gọi đầu kia không hề lên tiếng, còn một số cuộc gọi chỉ hỏi một câu đầy thách thức: "Thích phàn nàn lắm phải không?".
Nhiều người vô cớ bị hăm dọa, khủng bố nhưng truy tìm thông tin của các thuê bao này rất khó, nhà mạng đều từ chối cung cấp và viện dẫn quy định "đảm bảo bí mật thông tin" trong Luật viễn thông.
Các công ty này chỉ cung cấp thông tin khi được sự đồng ý của thuê bao hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn lại việc xử lý thuê bao như thế nào, có ngừng dịch vụ hay không còn tùy nhà mạng và quyết tâm khiếu nại của khách hàng bị làm phiền.
Có thể thấy quy định này có tính hai mặt. Đó là nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng nói chung nhưng cũng khiến cho những người bị quấy rối không thể biết được chính xác kẻ đứng sau là ai.
Thực tế cho thấy không ít khách hàng từng bị "khủng bố" sau khi họ phàn nàn dịch vụ bảo hiểm làm phiền hoặc sau khi ngắt máy cuộc gọi rác... nhưng không làm được gì hơn.
Bởi lẽ, cho đến nay việc thu thập xác nhận các bằng chứng để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý khá phức tạp.
Tình trạng sim rác, sim không chính chủ vẫn còn đầy, chưa thể quản chặt. Điều đó sẽ khiến các cơ quan quản lý khi cần xử lý cũng khó khăn huống chi những người đang bị đe dọa, làm phiền.
Nghị định 91 được kỳ vọng giúp người dùng điện thoại thoát khỏi tình trạng bị "khủng bố" tin nhắn, cuộc gọi như lâu nay. Nếu vi phạm nguyên tắc này, người quảng cáo có thể bị xử phạt từ 80-100 triệu đồng.
Gần như 99% khách hàng viễn thông đều không hề mong muốn nhận những thứ gọi là "rác", kể cả những người "xả rác" vào máy người khác chắc cũng không muốn ai "xả rác" vào máy mình.
Người "xả rác" là khách hàng của nhà mạng, nhưng phần đông khách hàng còn lại cũng là khách hàng. Nhà mạng muốn bảo vệ ai, vì quyền lợi của ai và họ có quyết liệt thay đổi thực tế lâu nay?
Nhắn tin đến số 5656 chỉ là một thao tác, ai cũng sẽ phải nhắn với hi vọng thoát khỏi "rác" nhưng quan trọng là nhà mạng cần mặc định và là quyền của chủ thuê bao phải được "yên thân", không bị phiền bởi tin nhắn, cuộc gọi rác! Muốn thay đổi thực tế này, trước tiên phải thay đổi từ nhà mạng với khách hàng.
Mừng nhưng còn băn khoăn
Hơn 15 năm dùng điện thoại di động với 4 mạng di động, tôi nếm trải không ít những mệt mỏi, phiền toái từ tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Với nghị định 91 về chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác, có thể thấy cơ quan chức năng đã mạnh tay hơn.
Từ ngày 1-10, người dùng có quyền phản ảnh đến cơ quan chức năng dễ dàng (qua đầu số 5656) khi phát hiện tin nhắn, cuộc gọi làm phiền mình. Mức phạt các vi phạm theo nội dung nghị định 91 đã mạnh tay hơn thấy rõ.
Nói chung, nghị định 91 đã tạo hành lang pháp lý khá mạnh mẽ trong việc giám sát các doanh nghiệp, cá nhân quảng cáo, cũng như ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Việc còn lại là sự chung tay quyết liệt từ cơ quan quản lý, các nhà mạng lẫn người dùng di động.
Đây cũng là thách thức không hề nhỏ bởi từ trước đến giờ, nhiều lúc tôi thấy cơ quan quản lý như buông lỏng, mặc sức cho vấn nạn này hoành hành người dân.
Thời gian gần đây có siết chặt hơn nhưng có vẻ không đủ sức răn đe quyết liệt với các nhà mạng, doanh nghiệp, cá nhân quảng cáo.
Đặc biệt, các nhà mạng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc chiến này bởi đây là chuyện gắn liền với lợi ích kinh doanh của họ. Một tin nhắn rác được gửi đi, một cuộc gọi rác được thực hiện cũng đều đem lại doanh thu cho các nhà mạng. Liệu họ có dễ dàng dẹp bỏ "nồi cơm" bấy lâu nay?
Trong khi đó, nội dung nghị định 91 siết các tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo đến từ các doanh nghiệp, cá nhân có đăng ký định danh với cơ quan chức năng (tạm hiểu là họ được "cấp phép" thực hiện quảng cáo qua tin nhắn, cuộc gọi di động), nhưng phần nhiều tin nhắn rác, cuộc gọi rác hiện nay đến từ SIM rác.
Không ít doanh nghiệp, cá nhân hiện nay dùng SIM rác để "chạy" các chiến dịch quảng cáo. Việc truy vết ra các đối tượng thực hiện dù có thể làm được nhưng không dễ dàng với cơ quan chức năng.
Đây là hai thách thức không hề dễ với cơ quan chức năng trong việc dẹp triệt để vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Nó chỉ được giải quyết khi cơ quan chức năng quyết liệt với các nhà mạng trong việc chọn bảo vệ "nồi cơm" hay bảo vệ người dùng.
Song song đó, SIM rác cũng phải không còn rác khi nó không được buôn bán tràn lan và dễ dãi như hiện nay. Thông tin thuê bao phải chính xác, đúng chính chủ, đảm bảo mọi giao dịch từ một số điện thoại có thể truy được người thực hiện là ai.
Khi đó, bất kỳ SIM điện thoại nào phát tán cuộc gọi, tin nhắn vi phạm quy định pháp luật cũng đều có thể truy ra và xử phạt người dùng thực hiện dễ dàng!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận