07/05/2020 09:48 GMT+7

Trí thức trẻ: mê thể thao, say học hỏi - Kỳ 3: Khi bế tắc, tôi chọn chạy bộ

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Đó là chia sẻ từ bạn Nguyễn Trọng Hoàng Nam (24 tuổi, thạc sĩ chính sách công ĐH Bristol, Anh) về giải pháp thoạt tưởng đơn giản mà rất hiệu quả trước các vấn đề của cuộc sống.

Trí thức trẻ: mê thể thao, say học hỏi - Kỳ 3: Khi bế tắc, tôi chọn chạy bộ - Ảnh 1.

Nhờ lấy lại cân bằng cuộc sống và nỗ lực học tập, bạn Nguyễn Trọng Hoàng Nam đã nhận bằng đúng thời hạn - Ảnh: NAM NGUYỄN

Gương mặt 9X trên đã chọn hướng trở về quê hương dù nhận được một số lời đề nghị làm việc ở xứ sở sương mù.

Thể thao giúp vực dậy tâm trạng

Do chương trình cao học tại Anh chỉ kéo dài trong một năm nên Hoàng Nam cho biết bạn gặp không ít thử thách khi học dù "lận lưng" tấm bằng IELTS 7.0. "Tôi chọn trường đại học có tiếng nên áp lực học tập đáng kể. Nhưng kinh khủng nhất có lẽ là thời điểm làm luận văn, khi tôi phải nộp đề xuất đề tài tốt nghiệp với giáo sư hướng dẫn đến... sáu lần!" - Hoàng Nam nhớ lại.

Việc nghiên cứu lẫn chuyện riêng đều gặp trục trặc, bạn cho biết rơi vào tâm trạng tiêu cực là điều không thể tránh khỏi. Căng thẳng và bế tắc là những cung bậc cảm xúc chực chờ mỗi ngày. 

Lúc đó, Hoàng Nam chọn giải pháp xỏ giày và chạy bộ nhẹ nhàng vòng quanh khu vực ký túc xá mỗi khi có thời gian hoặc lúc có tâm trạng. Và bạn nhận thấy tâm trạng tốt hơn mỗi khi hoàn thành chặng chạy. 

Các vấn đề dần được tháo gỡ khi được tách nhỏ và bản thân có được sự tĩnh tâm. Thời điểm đề xuất đề tài thứ sáu được duyệt thì chỉ còn 22 ngày là đến hạn nộp, dẫu vậy bạn đã nỗ lực ngày đêm để hoàn thành đúng thời hạn.

Do mới về lại Việt Nam và hiện thường xuyên công tác xa dài ngày, bạn cho biết bản thân không dành nhiều thời gian cho thể thao như trước đây. 

"Tuy cuộc sống chưa bị ảnh hưởng gì nghiêm trọng nhưng tôi cảm nhận mình thiếu đi năng lượng sống khá rõ. Ngoài ra do đang thực hiện dự án tại tỉnh Yên Bái với địa hình đồi núi hiểm trở và di chuyển nhiều, tôi càng cảm nhận thể lực có sự đi xuống. Tôi mong mình sớm sắp xếp được thời gian để luyện tập lại vì quả là có sức khỏe thì làm điều gì cũng hiệu quả, bền vững hơn" - Hoàng Nam bộc bạch.

Mỗi ngã rẽ đều ẩn chứa điều thú vị

Quay trở lại thời điểm tốt nghiệp cấp III, thực chất chính sách công không phải lựa chọn đầu tiên của Hoàng Nam. 

"Tôi có nguyện vọng vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhưng thiếu điểm, nên tôi vào nguyện vọng hai. Nào ngờ càng học càng say mê vì chuyên ngành chính sách công buộc người học phải hiểu rất nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác trong cuộc sống. Tôi tìm được câu trả lời cho những vấn đề bản thân từng rất quan tâm. Và từ khi còn ngồi ghế giảng đường ở Việt Nam, tôi đã xác định mình phải học lên cao nữa là vì vậy" - bạn nói.

Thừa nhận bản thân gặp nhiều thất bại là vậy nhưng Hoàng Nam cho biết bạn chưa từng nản chí. Bạn cho rằng mỗi vấn đề xảy ra trong cuộc sống đều có lý do, điều quan trọng là người trong cuộc có thấy được khuyết điểm và chịu khó hoàn thiện bản thân hơn không. Và hơn hết thảy, có những ngã rẽ tưởng chừng là "không may" nhưng hóa ra lại là "may không tưởng". Như câu chuyện bạn tìm thấy đam mê thật sự của mình ở hướng đi mới.

Chọn con đường trở về quê hương dẫu biết sẽ đầy thử thách vì chuyên ngành học khá "kén chọn" và thu nhập thấp, Hoàng Nam cho biết sẽ không hối hận với quyết định này. "Tôi yêu thích Việt Nam, và tôi cũng yêu thích lĩnh vực chính sách công. Vì vậy tôi sẵn sàng đương đầu với các thử thách, chông gai" - bạn khẳng định.

Gương mặt 9X đa năng

Nguyễn Trọng Hoàng Nam từng đoạt nhiều giải thưởng về học thuật lẫn hoạt động ngoại khóa xuyên suốt thời sinh viên, từng nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam và đạt danh hiệu Sao tháng giêng cấp quốc gia năm 2016.

Bạn hiện là thành viên Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) có trụ sở tại Paris, Pháp. Bạn tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia loại giỏi và chính thức đứng vào hàng ngũ Đảng năm 2017.

Bị cách ly, vẫn say mê tập luyện

ts duy tam 1(read-only)

TS Nguyễn Duy Tâm vẫn cần mẫn tập gym tại nhà trong thời điểm Singapore đang thực hiện cách ly đến 1-6 - Ảnh: NVCC

Tuy công việc nghiên cứu rất bận rộn nhưng tôi luôn cố gắng dành thời gian để chơi bóng đá và tập gym. Bóng đá thì tôi tập vào mỗi chiều tối thứ sáu, còn gym thì mỗi ngày, sau giờ làm việc. Hiện Singapore vẫn trong mùa cao điểm dịch nên tất cả khu thể thao đều đóng cửa, tôi vẫn cố gắng duy trì tập luyện thường xuyên bằng các phương tiện, phương thức có thể thực hiện ở nhà.

Thực chất, từ khi sang Singapore học tiến sĩ, tôi thấy rất ấn tượng với hình ảnh các sinh viên, giáo sư bên này bởi họ thường xuyên chơi thể thao và trông rất khỏe mạnh. Và tôi chỉ bắt đầu nghiêm túc hơn khi nhiều lần lên phòng thí nghiệm lúc nửa đêm, hoặc ngồi máy tính xử lý số liệu đến sáng và thấy sức khỏe suy giảm rõ, mất tập trung và nhất là khi nhận ra bản thân đã luôn tiếp xúc với nhiều hóa chất rất độc hại trong phòng thí nghiệm, nếu như còn không duy trì sức khỏe, sự tập trung nữa thì sẽ rất ảnh hưởng đến cơ thể sau này.

Sau khoảng 6 tháng luyện tập, cơ thể tôi trở nên khỏe mạnh, săn chắc hơn với chế độ làm việc, ăn uống và luyện tập hợp lý. Sức mạnh thể chất lẫn tinh thần của tôi được cải thiện rõ rệt, hiện dù bận rộn hơn với công việc nghiên cứu sau tiến sĩ, tôi vẫn đảm bảo rất tốt tiến độ công việc được giao, tâm trạng luôn thoải mái.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm (ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore)

Trí thức trẻ: mê thể thao, say học hỏi  - Kỳ 2: Thầy phó hiệu trưởng 8X mê tập gym Trí thức trẻ: mê thể thao, say học hỏi - Kỳ 2: Thầy phó hiệu trưởng 8X mê tập gym

TTO - Luôn tràn đầy năng lượng sống, trở thành lãnh đạo của một trường đại học kiêm chủ tịch Hội Nghiên cứu - giảng dạy tiếng Anh TP.HCM ở tuổi 35, nhưng tự nhận bản thân có quá khứ “trung bình về mọi mặt”…

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp