Người đàn ông đã đánh điều dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh từ camera tại khoa cấp cứu
Từ khi triển khai hệ thống báo động "code grey" phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh, trật tự, bệnh viện đã chủ động hơn trong phòng ngừa, kiểm soát và khống chế các tình huống gây rối. Đặc biệt bảo vệ an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế, tạo được sự an tâm cho các nhân viên y tế trong điều trị, chăm sóc người bệnh.
Ông NGUYỄN ANH DŨNG (giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định)
Vụ việc một điều dưỡng của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) vừa bị người nhà của bệnh nhi đánh nhập viện đã nói lên tất cả…
Ngày 19-11, ba ngày sau khi bị cha của bệnh nhi hành hung, điều dưỡng M.T.H. (51 tuổi, công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1) tinh thần vẫn còn hoảng loạn, đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115. Trước đó, bà H. được chỉ định chụp CT scan đánh giá tổn thương vùng đầu mặt, xác định vùng mặt bà H. bị sưng nề, miệng nói hạn chế.
Đánh điều dưỡng sưng mặt
Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết khoảng 21h ngày 16-11, phòng khí dung của khoa cấp cứu tiếp nhận bệnh nhi 9 tuổi, con của ông H.N.C. (ngụ Q.6, TP.HCM), với chẩn đoán bị suyễn (thời điểm này không ghi nhận bé có dấu hiệu nặng nào). Bác sĩ chỉ định cho phun khí dung 2 lần, cho thuốc về nhà uống và hẹn ngày tái khám.
Khi phun khí lần 1 xong, nhân viên y tế hướng dẫn người nhà và bé ngồi đợi bác sĩ khám rồi mới phun khí lần 2. Trong lúc ngồi đợi, bệnh nhi tự ý chạy lên giường bệnh lưu, nơi chỉ dành cho các bệnh nhi nằm theo dõi trước lúc nhập viện.
Do phòng lưu rất đông bệnh nên để giải quyết cho một bệnh nhi khác, điều dưỡng trực buộc phải mời cha con ông C. qua khu vực khác ngồi đợi. "Trong lúc điều dưỡng đang giải thích, ông C. có thái độ bất hợp tác, to tiếng hăm dọa, xúc phạm rồi bất ngờ vung tay đánh vào mặt của điều dưỡng trực" - báo cáo nêu.
Theo Bệnh viện Nhi Đồng 1, hành vi hành hung nhân viên y tế của ông C. làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự của bệnh viện và việc điều trị cấp cứu cho các bệnh nhi khác, đặc biệt gây tổn hại đến tinh thần và sức khỏe của nhân viên y tế. Do đó, đơn vị có công văn đề nghị công an vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm hành vi bạo hành nêu trên.
Hành vi giở thói côn đồ hành hung nhân viên y tế nêu trên không phải là cá biệt. Đầu tháng 11-2019, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân bị tai nạn giao thông đa chấn thương ngực, hàm, mặt... được chuyển đến từ Hải Phòng. Trong lúc một điều dưỡng mang thai 4 tháng đưa bệnh nhân này về khoa phẫu thuật hàm - mặt, bất ngờ bị bệnh nhân giật tóc, lên gối hành hung.
Rất may, điều dưỡng này chỉ bị chấn thương phần mềm vùng trán, không ảnh hưởng đến thai nhi. Nguyên nhân của hành vi này, theo gia đình, là bệnh nhân từng dùng thuốc gây nghiện. Sau phẫu thuật, dù tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng người này vẫn còn hiện tượng bị ảo giác.
Nhờ hệ thống báo động “code grey”, công an và bảo vệ của Bệnh viện Nhân dân Gia Định bắt một đối tượng khi mang hung khí vào bệnh viện “xử” đối phương - Ảnh: BÁ NGỌC
Đập phá máy siêu âm, rượt bảo vệ
Bác sĩ Đỗ Tuấn Linh - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM - cho biết lâu lâu tại đơn vi vẫn xảy ra tình trạng người nhà bệnh nhân uống rượu bia to tiếng quát tháo bác sĩ. Đặc biệt từng có trường hợp người nhà bệnh nhân vào đập phá máy siêu âm và một số dụng cụ y tế tại phòng cấp cứu.
"Hôm đó rạng sáng, khi đưa người nhà vào cấp cứu, họ đòi hỏi phải làm nhanh trong khi phải tuân thủ quy trình an toàn người bệnh. Nhẹ thì quát tháo, còn nặng thì đập phá thiết bị, thậm chí hành hung cả nhân viên y tế. Bảo vệ đến can thiệp cũng bị rượt đánh" - bác sĩ Linh nói. Trước thực tế này, bác sĩ Linh cho biết đơn vị đang chuẩn bị các bước ứng dụng hệ thống "code grey" nhằm phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh, trật tự khi xảy ra.
"Một năm bệnh viện cũng 5 - 7 lần cầu cứu công an hóa giải tình trạng gây rối như xô xát, đập cửa tại bệnh viện. Đơn vị tìm cách xoa dịu sự nóng nảy của các nhóm người, chứ ở bệnh viện, đặc biệt là khoa cấp cứu, đều gặp áp lực này" - bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, nói. Bác sĩ Vũ nói rằng đa phần người gây rối, to tiếng trong bệnh viện là người nhà bệnh nhân.
"Có trường hợp người bệnh đã tử vong ở ngoài đường, khi đưa vào bệnh viện chúng tôi hồi sức không được, họ cũng đổ là do bác sĩ không cứu. Đặc biệt sợ nhất các trường hợp giang hồ thanh toán nhau bên ngoài, khi vào cấp cứu kéo theo rất đông, ảnh hưởng đến tâm lý nhân viên y tế" - bác sĩ Vũ nói.
Để giúp nhân viên y tế có thể "tự phòng thân", ngoài duy trì các khóa học võ, thời gian qua tại một số bệnh viện như Hùng Vương, Truyền máu - huyết học, Nhi Đồng 2, Hoàn Mỹ Sài Gòn, Nguyễn Trãi... thường tổ chức các buổi tập huấn mời cán bộ Công an TP "chỉ chiêu" đối phó với nạn hành hung, xâm hại trong bệnh viện.
Nguồn: Bộ Y tế - Đồ họa: T.ĐẠT
Hóa giải nhiều trường hợp gây rối
Bệnh viện Nhân dân Gia Định là bệnh viện lớn của TP.HCM, nơi tiếp nhận nhiều ca bệnh phức tạp mỗi ngày, trong đó có nhiều ca vào viện do mâu thuẫn xô xát bên ngoài, sau đó kéo vào bệnh viện gây rối.
Điển hình là cuộc truy sát của hai nhóm người ngay trong bệnh viện cuối tháng 9-2013. Sau cuộc hỗn chiến ở ngoài đường, các đối tượng cầm hung khí xông vào bệnh viện quát tháo, hăm dọa các bác sĩ, y tá trực nhằm "truy" tung tích đối thủ.
Cảnh tượng này làm nhiều nhân viên y tế "khiếp vía", việc cấp cứu cho bệnh nhân khác vì thế bị gián đoạn. Đây cũng được coi là vụ gây rối trong bệnh viện "đình đám", nhưng sau đó vụ gây rối này không đủ cơ sở để khởi tố.
Trước thực tế trên, một số bệnh viện tự thiết lập một "hàng rào an ninh" bảo vệ chính mình. Đó là hệ thống "code grey" - hệ thống phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh, trật tự vừa được Bệnh viện Nhân dân Gia Định áp dụng bước đầu phát huy tác dụng khi kịp thời hóa giải thành công 31 trường hợp gây rối và 2 trường hợp quá khích sử dụng hung khí đe dọa, hành hung được xử lý nhanh gọn, không gây tổn hại về con người và tài sản.
Đây là sản phẩm vừa được Sở Y tế TP đánh giá rất cao và được chọn giới thiệu bình chọn giải thưởng y tế thông minh năm 2019.
Cụ thể, vụ việc xảy ra vào khoảng 21h ngày 28-4, một bác sĩ công tác tại khoa chấn thương chỉnh hình của bệnh viện đã kích hoạt hệ thống "code grey" với mức độ 3 khi phát hiện một nam thanh niên rút dao từ trong áo đi lùng sục tìm người bên ngoài hành lang của khoa.
Khi nhận được tín hiệu từ hệ thống, ngay lập tức nhóm an ninh bệnh viện nhanh chóng có mặt tại lầu 1 của bệnh viện, "nhắm" thấy đối tượng và rượt đuổi. Cùng lúc đó, một nhóm an ninh "đóng" ở vị trí bí mật quan sát camera liên tục cập nhật hướng di chuyển của đối tượng qua bộ đàm.
Ngay khi đối tượng tháo chạy xuống sảnh trước của bệnh viện lập tức bị lực lượng công an cùng bảo vệ "đón lõng" bắt giữ chỉ trong vòng 15 phút.
Theo Bệnh viện Nhân dân Gia Định, hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện này dựa trên nền tảng API service (giao diện lập trình ứng dụng) tích hợp tổng đài ảo tạo ra các file giọng nói với nhiều cách đọc khác nhau, gọi được nhiều số điện thoại cùng lúc.
"Chỉ mất 1-2 phút kể từ lúc tổng đài nhấn nút báo động "code grey", ban giám đốc, trực lãnh đạo, nhóm trực an ninh sẽ nhận được cuộc gọi tự động được gửi đến điện thoại của từng cá nhân. Qua đó kịp thời có mặt tại hiện trường, ngăn chặn các vụ gây rối" - một cán bộ bệnh viện nói.
Công an TP.HCM hướng dẫn các nữ nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Đồng 2 cách ứng phó với hành hung, xâm hại trong bệnh viện - Ảnh: NHI ĐỒNG
* PGS.TS TĂNG CHÍ THƯỢNG (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM):
Đề nghị khởi tố hành vi cố ý gây thương tích
Tôi cho rằng hành động hành hung nhân viên y tế của người nhà bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 là không thể chấp nhận, gây tâm lý bất ổn cho nhân viên bệnh viện và nhân viên trong ngành. Ngay sau khi xảy ra sự việc, sở yêu cầu bệnh viện có văn bản chính thức gửi đến Công an Q.10 và các cơ quan chức năng có liên quan điều tra và khởi tố tội hành hung nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ.
Để đối phó với thực trạng này, Sở Y tế TP có kế hoạch phối hợp cùng Công an TP tổ chức diễn tập phối hợp trong phát hiện, ngăn chặn các sự cố gây mất an ninh, trật tự tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tháng 12-2019.
Thiết lập các báo động khẩn cấp để giải quyết sự cố
Theo Sở Y tế TP.HCM, không riêng gì Việt Nam, môi trường làm việc ở các bệnh viện trên thế giới cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ rủi ro và có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.
Ngoài báo cháy quen thuộc, thực tế cho thấy các nhân viên bệnh viện thường bị động đối với các tình huống xảy ra bất ngờ như nhân viên y tế bị hành hung, tai nạn nghề nghiệp xảy ra trong khi chăm sóc bệnh nhân.
Để chủ động ứng phó giải quyết các tình huống trên, nhiều bệnh viện tại các nước đã thiết lập các báo động khẩn cấp được mã hóa theo màu nhằm giúp nhân viên dễ dàng gọi hỗ trợ đúng người trong thời gian nhanh nhất.
Cụ thể như ấn nút màu xanh (code blue) gọi hỗ trợ cấp cứu ngưng tim ngưng thở, ấn nút màu hồng (code pink) gọi hỗ trợ cấp cứu ngưng tim ngưng thở ở trẻ sơ sinh, ấn nút màu trắng (code white) gọi hỗ trợ khi có nguy cơ bị bạo hành… Khi áp dụng các báo động này sẽ giúp hỗ trợ giải quyết tình huống kịp thời.
Ở Việt Nam, gần đây Bộ Y tế có giới thiệu hệ thống báo động khi các y bác sĩ bị hành hung theo hình thức tương tự như "code white". Hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh, trật tự trong bệnh viện "code grey" của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang được giới thiệu nhân rộng cho tất cả bệnh viện ở TP.HCM và cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận