Một trong những kỳ vọng để thúc đẩy kinh tế, đó là giải ngân đầu tư công, thì lại rất chậm.
1 triệu tỉ đồng đóng băng - mạch máu bị tắc?
Chúng ta thấy rằng 1 triệu tỉ đồng ngân sách không tiêu được và phải đi gửi ngân hàng là lượng vốn rất lớn mà nếu cứ "đóng băng" như vậy, trở thành mạch máu bị tắc trong nền kinh tế và dòng tiền không thể luân chuyển trong xã hội, sẽ rất nan giải.
Trong khi đó, những ngành nghề có tính lan tỏa trong xã hội như bất động sản bị chững lại, khiến nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như xây dựng, bán vật liệu xây dựng, phụ trợ... đều không có công việc.
Những doanh nghiệp là xương sống trong nền công nghiệp như ngành sản xuất chế biến chế tạo, xuất khẩu... thì thị trường đều bị co lại.
Những vấn đề này đã được Quốc hội, Chính phủ nhận diện, tập trung tháo gỡ. Nhưng bên cạnh những chính sách như hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế, phí, giảm lãi suất cho vay... cần phải rà soát, phân loại và đánh giá thực trạng của từng nhóm ngành hàng, lĩnh vực để chỉ ra những điểm nghẽn, nút thắt và có chính sách tháo gỡ đúng và trúng với "bệnh" từng ngành.
Đây là yêu cầu cấp bách. Bởi nếu năm nay không tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp thì những lo ngại doanh nghiệp có thể tạm dừng hoạt động, dừng hoạt động, phá sản hay phải "bán mình" là hoàn toàn có thể xảy ra.
Sức khỏe doanh nghiệp sẽ tạo nên sức ép lớn, đè nặng lên nền kinh tế. Lớn hơn nữa là an sinh xã hội, đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không chỉ là chuyện sợ sai
Về đầu tư công, không chỉ là vấn đề sợ sai, sợ trách nhiệm mà các quy định, khung chính sách hiện nay còn bất cập.
Đơn cử như định mức nguyên vật liệu trong đầu tư xây dựng, có địa phương đưa ra định mức cát san lấp là 100.000 đồng/m3, nhưng giá thị trường lên tới 120.000 đồng/m3, dẫn tới doanh nghiệp không thể đấu thầu.
Rất nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như da giày, dệt may, điện tử, đồ gỗ... không có đơn hàng thì cần phân loại để tìm cách tháo gỡ.
Có thể là vừa đi khai mở thị trường mới, vừa khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa thông qua chính sách giảm thuế VAT. Nhóm doanh nghiệp nào vẫn có thị trường nhưng đói vốn, thiếu vốn, dòng tiền khó khăn thì cần có cơ chế để hỗ trợ vốn.
Quốc hội đang bàn chính sách giảm thuế VAT. Trong nghị quyết 43 thực hiện trước đây, Chính phủ có dư địa để đề xuất thực hiện từ đầu năm 2023, nhưng rất tiếc đã không thực hiện được.
Vì vậy, với mức giảm thuế đề nghị áp dụng cho nửa cuối năm nay, mức độ lan tỏa sẽ không nhiều. Chính phủ cần chủ động đề xuất cơ chế linh hoạt hơn để chính sách khi áp dụng thực sự có tính lan tỏa. Đồng thời cần sớm thực hiện nghiêm việc hoàn thuế VAT vốn đang có nhiều vướng mắc, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền cho sản xuất kinh doanh.
Một vấn đề nữa đặt ra, trong lúc người dân và doanh nghiệp khó khăn như vậy, cũng cần có giải pháp để giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đặc biệt là sau hàng loạt vụ việc điều tra, xử lý, thanh tra doanh nghiệp thời gian qua.
Cần tính toán gói hỗ trợ an sinh cho người yếu thế
Những tác động của khủng hoảng kinh tế, sự suy giảm của sức khỏe doanh nghiệp đang ngày một lớn. Tình trạng mất việc làm, thiếu việc làm khi đơn hàng giảm đang là sức ép lớn với người dân.
Vì vậy, Chính phủ cũng cần tính toán tới các gói hỗ trợ an sinh mang tính toàn diện và bao phủ hơn để hỗ trợ những người lao động yếu thế, những người mất việc để họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận