Một tiết dạy môn giáo dục công dân của thầy Trần Tuấn Anh tại lớp 6/6 Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Báo Tuổi Trẻ tri ân bạn đọc, còn tôi, tôi xin tri ân những nhân vật của báo đã “bước vào” trang giáo án của tôi.
Tài sản vô giá
Tôi xin cảm ơn Lê Vũ Hoàng - nhân vật trong bài báo “”.
Với gia cảnh khó khăn, mái nhà dột nát, cả ba lần đi thi (thi tuần, thi quý, thi năm) thì mẹ đều nằm trên giường bệnh với khối u trong não, Hoàng đã có ý chí, nghị lực vươn lên chiến thắng.
Lê Vũ Hoàng là nhân vật đầu tiên tôi minh họa trong tiết dạy, khi còn là sinh viên năm 2 đi kiến tập với bài giảng “Quyền và nghĩa vụ học tập”, và đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận được tràng pháo tay của các em học sinh lớp 6 đang tròn xoe đôi mắt khi nhìn tấm hình đăng quang của Lê Vũ Hoàng đội vòng nguyệt quế.
Tôi xin cảm ơn - cô bé bán khoai đậu ba trường đại học. Gấm là nhân vật cứ hẹn lại đến, vào đầu năm học với bài giảng “Siêng năng, kiên trì” lớp 6 của tôi.
Tôi nói với các em học sinh: “Chị Gấm hiếu thảo hiếu học, chị Gấm ý chí tự lập, hãy cố gắng học tốt, lớn lên giúp ích cho đời giống như chị Gấm nha các em...”.
Không biết tự lúc nào các nhân vật của báo Tuổi Trẻ như là một phần “máu thịt” của tôi, tôi say sưa kể, tôi thăng hoa trong từng tiết dạy...
“Các em ơi, thầy Trần Hoàng Ngân - phó giáo sư, tiến sĩ kinh tế (hiện là hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing) - đã trở lại hình ảnh của mình ngày xưa là người đạp xích lô, đội nón cối, mặc áo thun bạc màu, quần đùi ngắn, dép cao su... với lời mời: "Ai ngồi lên xích lô này cho tôi chở vòng dạo phố phải trả cho tôi số tiền 400 triệu để xây trường học cho trẻ em dân tộc ở bản Khe Ngài...". Và ông Cổ Gia Thọ - tổng giám đốc Công ty Thiên Long - đã ngồi lên xích lô cho thầy Ngân chở với số tiền trên...”.
Cả lớp học sinh òa lên, thán phục ngưỡng mộ trước tấm hình đầy tính nhân văn.
Trong những giây phút đó tôi vô cùng hạnh phúc và xúc động. Tôi quý, tôi trân trọng những hình ảnh, câu chuyện về Lê Vũ Hoàng, về Trần Bình Gấm, thầy Trần Hoàng Ngân... Tôi xem đó như là những tài sản vô giá của mình.
Bồi đắp tình yêu thương
Tôi đã lặng người trước những hình ảnh của phóng sự ảnh trên Tuổi Trẻ “”. Tôi dán lên bảng những tấm hình của người mẹ ấy đang trèo dừa, đang đội nón lá đạp xe đi bán từng quả dừa, đang làm phụ hồ để kiếm thêm thu nhập thuê nhà cho hai con...
Tôi nói: “Các bạn ơi, mẹ tôi đó, mẹ tôi làm nghề trèo hái dừa, mẹ các bạn làm nghề khác. Mẹ tôi, mẹ các bạn nghề nghiệp khác nhau nhưng điểm chung giống nhau của những người mẹ là thương con, là hi sinh, là mong muốn con mình nên người và thành tài...Mẹ tôi đó các bạn ơi”.
Lớp học lắng xuống, học sinh khóc, tôi khóc. Thầy trò cùng khóc, khóc chung với niềm hạnh phúc của những người mẹ có con ngoan và khóc chung với nỗi đau của những người mẹ có con chưa ngoan...
Và kỷ niệm khó quên với bài giảng “Tiết kiệm” về bạn Nguyễn Thành Trung, học sinh lớp 10, phụ mẹ bán bún riêu, hơn 3 năm tự để dành 16 triệu đồng tiền xu mua laptop.
Tôi nói với các em: “Chỉ một câu nói duy nhất mẹ chưa đủ tiền con à, thế là từ đó trở về sau Trung không bao giờ vòi tiền mẹ, tự để dành tiền xu mua máy tính. Trong khi đó có những bạn thì: ba mẹ ơi con điểm cao ba mẹ thưởng con, đổi điện thoại cho con nha; ba mẹ ơi gần tết rồi mua quần áo, giày dép mới cho con... Em ơi, nhìn con hàng xóm có đồ mới, con mình chưa kịp có thì người buồn đầu tiên là mẹ, là cha. Cha mẹ nào cũng muốn con mình đẹp, đủ đầy nhưng tiền thuê nhà, tiền học chưa đóng, rồi tiền xăng, tiền điện, tiền nước, tiền gas tất tần tật đè nặng trên đôi vai cha mẹ, con có hiểu hay chăng?”...
Qua tuần sau, có phụ huynh gặp cô hiệu trưởng: “Cô ơi, con bé nhà tôi lúc này hơi ngộ, khi đến quán ăn thường xem thực đơn rồi gọi món rẻ nhất. Tôi hỏi vì sao vậy, cháu trả lời vì con vừa học xong bài "Tiết kiệm" của thầy”.
Trong suốt thời gian dạy học 8 năm qua, rất, rất nhiều những nhân vật của báo Tuổi Trẻ đã đồng hành cùng thầy trò chúng tôi trong từng tiết học với những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Xin tri ân quý báo, tri ân các nhân vật của báo đã giúp tôi thêm yêu nghề, yêu học sinh, yêu môn giáo dục công dân.
Từ tình thương đó tôi sẽ bồi đắp cho các em học sinh lòng hiếu thảo với cha mẹ, yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đất nước.
Hộp thư Báo Tuổi Trẻ đã nhận được thêm bài viết tham gia “Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi” của các tác giả: Nguyễn Đức Thạc, Đoàn Dương Đức Giang, Thu Ngà, Đoàn Ngọc Trai (Hà Nội), Lưu Đình Long, Trần Kiêm Hạ, Phạm Minh Dũng, Nguyễn Minh Thanh, Ngọc Yến, Thiều Kim Hoa, Trần Văn Vui (TP.HCM), Nguyễn Thế Lượng (Phú Thọ), Nguyễn Thị Minh Thúy (Thanh Hóa), Lê Kim Dũng (Đà Nẵng), Trương Nhất Vương (Đắk Lắk), Ngô Nhựt Tân (Khánh Hòa), Phan Tuyết (Bình Thuận), Lê Phạm Phương Lan (Đồng Nai), Trần Quyết Tâm, Quách Thị Hòa (Bà Rịa -Vũng Tàu), Trần Vũ (Tây Ninh), Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), Trần Đức Hiền, Thành Công (Bạc Liêu), Hoàng Phan, Kim Dung, Phạm Văn Khiêm... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận