Cô là Đỗ Minh Nguyệt, giáo viên trường THPT Quảng Xương 1 Thanh Hóa, một nhà giáo luôn tận tụy với công việc, hết lòng yêu thương học sinh.
Ngày ấy ở trường chúng tôi, ba năm học phổ thông trung học, ai không được học với cô là một thiệt thòi lớn. Riêng lũ chúng tôi, vì là lớp chuyên văn nên may mắn được cô làm chủ nhiệm tới 2 năm liền.
Cô là giáo viên dạy văn, những bài giảng của cô luôn có sức hút mãnh liệt với học trò. Bài giảng không gói gọn chương trình trong sách giáo khoa mà luôn mở rộng để chúng tôi hiểu bài sâu hơn.
Cô thường đưa những tình huống có vấn đề để cả lớp cùng tranh luận. Học về tác phẩm văn học nào, ngoài việc giúp chúng tôi thấy được nét đặc sắc của tác phẩm đó, cô còn cho chúng tôi biết thêm một số tác phẩm cùng thời để so sánh và thấy được những nét tiến bộ, khác biệt giữa các tác phẩm và các giai đoạn văn học.
Cô cung cấp cho chúng tôi rất nhiều vốn sống văn học mà mình chưa biết, chưa hề đọc qua. Ngày trước tụi tôi chưa có khái niệm đề mở, chỉ biết rằng cô thường ôn luyện cho chúng tôi những kiến thức vượt ngoài sách giáo khoa nhưng vô cùng thiết thực.
Cô luôn nói: học văn trước hết là học làm người, vì thế thông qua những bài giảng, cô đã truyền cho chúng tôi tình yêu con người, lòng vị tha, tinh thần tương thân tương ái…
Ngoài việc dạy văn hóa, cô luôn chú ý rèn chữ viết cho chúng tôi dù khi ấy chúng tôi sắp vào đại học. Cô nói: văn dù viết hay nhưng chữ xấu, cẩu thả cũng không gây được sự chú ý của người đọc. Những lúc rảnh cô thường dành thời gian để rèn cho chúng tôi viết.
Cô còn truyền cho chúng tôi kinh nghiệm viết văn cho hay, thu hút người đọc, như nên mở bài theo kiểu phản biện, phần thân bài dẫn chứng đưa ra phải sắc, có sự liên hệ giữa các tác phẩm để làm nổi bật điều mình muốn nói…
Những bạn học sinh lớp chuyên toán, vốn dĩ rất "dị ứng" với môn văn nhưng khi được cô dạy rồi thì luôn trông chờ đến tiết văn học để được nghe cô giảng.
Cô cũng luôn uốn nắn chúng tôi từng lời ăn tiếng nói, cách ứng xử lịch sự, có văn hóa để không làm người khác buồn lòng. Có lần cô dẫn đám học trò "nhà quê lên tỉnh" chúng tôi đi thi học sinh giỏi. Trước khi vào quán ăn, cô dặn dò: "Mấy em phải ăn nhỏ nhẹ, từ tốn.
Ăn phở phải lấy đũa và thìa múc từ từ và bao giờ cũng để lại một ít nước trong tô cho phải phép lịch sự, đừng bưng cả bát húp sùn sụt giống ở nhà, người ta cười cho".
Tới lúc ăn, bạn H. cầm lên chiếc tô còn một ít nước hỏi: "Thế này là đủ lịch sự chưa cô?". Hôm ấy, cả cô và trò chúng tôi được một trận cười nghiêng ngả.
Cô còn thành lập đội tuyển để phụ đạo thêm cho chúng tôi đi dự thi học sinh giỏi và ôn thi đại học nhưng không bao giờ cô nhận một đồng thù lao nào. Cô luôn nói: cách trả ơn cô tốt nhất là các em học cho giỏi, đừng bận tâm điều gì cả.
Thế là hằng ngày, sau những buổi học chính khóa trên trường, chúng tôi lại tập trung để ôn thi đại học ở nhà riêng của cô. Ngày ấy, cô cũng có ba mẹ già, cô vẫn nuôi con nhỏ và chồng lại đi bộ đội xa tận Điện Biên Phủ.
Dù cuộc sống chẳng mấy dư giả gì nhưng cô luôn nấu cơm ngon, canh ngọt cho chúng tôi ăn những khi học bài xong đói bụng. Sau này chúng tôi biết rằng, để chúng tôi no bụng, cô cũng thường ăn ít lại.
Có lẽ vì lòng yêu thương trò như con nên ai cũng thích được cô dạy dù chỉ một lần. Mỗi khi cô xuất hiện nơi nào, học sinh lại vây kín để được nhìn, được nói chuyện với cô.
Nhìn cô, thấy việc cô làm sao đẹp và thánh thiện quá, điều này đã thôi thúc trong tôi ước muốn được trở thành cô giáo.
Rồi tôi cũng đạt được ước mơ của mình. Dù cuộc sống nhà giáo bây giờ không là màu hồng như trước đây tôi nhìn thấy, thế nhưng so với thời của cô thì cuộc sống bây giờ đã khá hơn rất nhiều.
Tôi nghiệm ra một điều, để được trò yêu thương, kính trọng thì thời nào cũng thế, người thầy phải biết hy sinh, phải chịu thiệt, phải yêu thương các em hết lòng.
Dù chưa làm được những điều như cô đã từng làm cho mình, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng hoàn thiện mình để không phụ sự kì vọng mà cô đã gửi gắm...
Những ngày tháng 11 này, bao thế hệ học trò không khỏi bồi hồi khi nhớ về những người thầy, người cô đã từng thầm lặng nâng bước mình vào đời.
Thay lời tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, mời bạn đọc chia sẻ bài viết về những người thầy, người cô yêu quý của mình với Tuổi Trẻ Online qua email [email protected].
Bạn cũng có thể gửi thiệp, lời chúc mừng, biết ơn... thầy cô theo địa chỉ [email protected], chúng tôi sẽ đăng tải lên trang tuoitre.vn vào đúng ngày 20-11. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận