Phóng to |
* Anh đã đoạt giải thơ Bút Mới của báo Tuổi Trẻ. Anh nghĩ gì về cuộc thi thơ Bút Mới tiếp tục được tổ chức hai năm một lần, dành cho các bạn trẻ yêu thơ dưới 25 tuổi?
- Trần Hoàng Nhân: Tôi đã hai lần nhận giải thơ Bút Mới của báo Tuổi Trẻ, dù cả hai đều là giải khuyến khích. Bút Mới với tôi là kỷ niệm không quên của một thời tuổi trẻ, khi đó tôi dưới 25 tuổi.
Hiện nay, các cuộc thi thơ có tiếng vang dành cho người trẻ đều rơi rớt dần. Nhìn trên mặt báo, dường như chỉ còn giải thơ Bút Mới lúc trước do Tuổi Trẻ tổ chức, nay được chuyển sang tập san Áo Trắng.
Nói thế để thấy sân chơi Bút Mới quan trọng như thế nào với nhiều cây bút trẻ. Theo dõi Bút Mới qua các mùa giải gần đây, thấy rằng giải ngày càng tươi trẻ, tạo ra một tình yêu văn chương hiếm hoi trong giới trẻ vốn đang bị nhiều thú vui khác hấp dẫn mình.
Tôi nghĩ một người trẻ yêu văn chương, muốn chứng tỏ mình bằng văn chương sẽ có lợi hơn hoặc chí ít là vô hại cho cuộc sống này nếu so với một người trẻ yêu mua sắm, muốn chứng tỏ mình bằng hàng hiệu hay siêu xe...
Nhưng nghịch lý là những giải thưởng văn chương như Bút Mới lại chưa được nhiều người quan tâm. Cứ nhìn vào hàng đống tiền tài trợ cho các cuộc thi khác sẽ thấy tài trợ cho văn chương bèo bọt ra sao. Trong khi đó, giá trị tinh thần của một bài thơ hay giúp con người sống đẹp là vô biên. Rất tiếc, vì nhiều lý do, phần lớn người ta thích giải trí cho nhẹ đầu hơn là nặng óc đọc thơ và suy ngẫm.
* Anh là một nhà báo, công việc làm thơ thường “mơ mộng” vậy có ảnh hưởng đến bài báo của anh? Làm thơ có giúp ích gì cho nghề báo?
- Tôi làm thơ khi có tâm trạng, còn viết báo khi... đói bụng. Tâm trạng sống không phải lúc nào cũng có, nhưng đói bụng thì diễn ra hằng ngày. Tôi tách bạch việc mơ mộng và viết báo, vì làm thơ thuộc phạm trù cá nhân, còn viết báo ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người, kể cả cái bao tử của chính mình. Khi cái bụng đói thì cái đầu chỉ “lơ mơ” chứ không thể “mộng mơ” được.
Tuy nhiên, làm thơ lại giúp ích khá nhiều trong nghề báo. Tôi tin rằng nhiều sự kiện báo chí được nhìn bởi “đôi mắt thơ” sẽ đẹp hơn, nếu sự kiện ấy đáng buồn thì thông qua góc nhìn “như thơ” cũng sẽ dịu nhẹ, bớt hằn học hơn.
Trần Hoàng Nhân sinh tại Tuy Hòa (Phú Yên) - một đô thị nhỏ ở duyên hải Nam Trung bộ có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy ngang. Học trung học Trường Lương Văn Chánh - Phú Yên và đoạt một số giải thưởng thơ của các báo Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Mực Tím, Tài Hoa Trẻ... khi đang là học sinh, sinh viên.
Đã in tập thơ đầu tay Nằm im đợi nắng thức (NXB Văn Nghệ 2005), Người mong khoảng cách để mà nhớ thương (NXB Trẻ 2012).
Hiện đang sống tại Sài Gòn, làm việc ở báo Thể Thao & Văn Hóa.
Email: [email protected].
* Tập thơ đầu tay in năm 2005, anh viết nhiều thể loại thơ. Tập thơ mới in cuối năm 2011, anh chỉ viết 39 bài thơ lục bát. Tại sao anh chọn thơ lục bát để diễn tả tâm trạng mình thay cho các thể thơ khác?- Thuở nhỏ tôi sống với bà nội, bà ru tôi ngủ bằng thơ lục bát: ca dao, Lục Vân Tiên hoặc Kiều. Có lẽ lục bát đã thấm vào tôi đến tận chân tóc, do đó dùng lục bát chuyển tải tâm trạng, nhất là tâm trạng buồn nhớ của mình sẽ thuận lợi hơn.
Việc chỉ in 39 bài vì tôi làm lục bát rất ít, chỉ khoảng 50 bài trong các cuốn sổ thơ của mình. Những người chơi số đề nói 39 là con số “tiểu thần tài”. Dù tôi không bao giờ đánh số đề nhưng muốn gửi đến bạn đọc một con số may mắn nho nhỏ, biết đâu có người đọc tập thơ của tôi rồi gặp hên và sẽ nhớ đến tác giả.
Còn nếu có nhiều bạn đọc bỏ tiền mua thơ của tôi thì đúng là “thần tài” gõ cửa nhà tôi rồi. Thực tế, nhà thơ Lâm Xuân Thi và quỹ Tình Thơ đã mua 500 cuốn lục bát này để tôi có thêm ngân khoản “rửa thơ” với bạn bè. Xem ra con số 39 bài lục bát cũng “linh nghiệm” đấy chứ!
* Anh nghĩ những người thích thơ lục bát hiện nay có thể làm mới thể thơ này ở điểm nào?
- Tôi nghĩ thơ lục bát giống một ngôi nhà cổ, không thể tiện nghi, hào nhoáng bằng các “cao ốc” thơ hiện đại. Nhưng nếu khéo trưng bày và sửa sang nội thất thì nhà cổ vẫn hiện đại không kém bất kỳ tòa nhà mới xây nào, lại có giá trị cổ của riêng nó.
Ở tuổi U-40, tôi thích bốn câu lục bát này của Nguyên Sa: “Bốn mươi con vạc ăn đêm/ Có giường nệm trắng, có em cởi truồng/ Em nằm em hát cải lương/ Anh nằm anh nhớ Tú Xương ngậm ngùi”. Bốn câu này của Nguyên Sa có phải là làm mới “nội thất” của ngôi nhà cổ lục bát?
* Anh viết: “Ở nhà lại tưởng xa nhà /Người mong khoảng cách để mà nhớ thương”. Vậy theo anh, người trong “khoảng cách” được ta nhớ thương hơn người sống gần gũi bên ta, như vợ con ta?
- Rất nhiều điều ở ngay bên cạnh mình mà mình không quý lại tơ tưởng chuyện xa vời, đến khi mất đi mới tiếc trong muộn màng. Tôi làm câu thơ này trong tâm trạng nhắc nhở mình phải biết quý những gì thuộc về hôm nay - ngay bây giờ - đang có đây, chứ đừng để mất đi rồi mới nhớ thương.
Rất nhiều người trước khi lấy chồng cưới vợ, sinh con đều có một mối tình nào đó, tôi cũng vậy. Nên duyên vợ chồng là một chuyện, còn yêu lại là chuyện khác, chưa chắc người mình yêu nhất sẽ là vợ/chồng mình. Một ông bạn già kể với tôi về chuyện tình của ông. Ông yêu một người đến hơn 30 năm dù vẫn giữ trọn nghĩa với vợ con. Con người vốn phức tạp và sự phức tạp này xem ra lại rất... bình thường, vì đó mới là con người.
* Anh nổi tiếng “ăn nhậu”, nhưng sao trong thơ anh không có món ăn đặc sản nào của Tuy Hòa, khiến anh nhớ đến quê hương mỗi khi đi xa?
- Cảm ơn đã khen tôi dù là khen khả năng không có lợi cho sức khỏe là... ăn nhậu! Thực tế ở Tuy Hòa không có món đặc sản để trở thành thương hiệu như nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, món nào ở Tuy Hòa với tôi cũng là món ngon và càng xa càng nhớ. Ngon còn vì khung cảnh, người thân, bạn bè ở Tuy Hòa khiến cọng rau, con cá bình thường đều trở thành đặc sản với riêng tôi.
Tôi nhớ đến các món ngon Tuy Hòa thông qua hình ảnh bạn bè, người thân của mình sum vầy bên nhau, vì món ngon mà ăn một mình cũng trở nên vô vị. Còn bạn đọc nào muốn biết món ngon Tuy Hòa ngon ra sao xin hãy tìm tôi và tôi hân hạnh được mời về Tuy Hòa trực tiếp nếm thử.
* Anh cho rằng in một tập thơ hoặc vài tập thơ cũng chẳng để làm gì, điều quan trọng là gặp được tri âm. Nếu gặp được tri âm rồi, anh có còn muốn làm thơ?
- Tôi nghĩ chỉ có làm vua mới không cần tri âm là một vị vua khác trong việc chia sẻ ngai vàng, nhưng vua có thể chia sẻ tình cảm với nhiều người. Với tôi, tri âm là sống có tình với nhau. Càng có nhiều tri âm tôi sẽ càng ham muốn làm thơ, và sẽ ngợi ca “chữ tình” bằng nhiều cách giống như đã và đang làm với những vần lục bát thô mộc này.
* Xin cảm ơn anh.
Gió mùa đông thổi vì emSao anh mong ngóng đến mềm thịt daỞ nhà lại tưởng xa nhàNgười mong khoảng cách để mà nhớ thương Ngoài kia lá rụng xuống đườngNhư đang gởi nỗi tha hương cho mùaNgười đi đã khẽ khàng chưaKẻo làm vỡ tiếng chuông chùa mỏng manh. Ban mai đậm một nỗi buồnNày em có nhớ tôi luôn giật mìnhMột ly cạn hết linh tinhNếp nhăn trên trán sợi tình giăng qua Vẫn không hát nổi bài caThế là mây trắng, thế là sông trôiTại sao quán kín chỗ ngồiNgười đi nhịp phố, kệ đời người đi Tôi liền ngoảnh mặt tức thìNgoài kia đông đúc cũng vì đợi tôiEm ơi, tôi sạch buồn rồiSạch buồn nên cứ mãi ngồi tìm vui. Về nhà như thể về quêVề qua hẻm cụt lê thê ngõ dàiVề quê ai nhớ nhớ aiNhớ ai ai nhớ lai rai nhớ tình. Về đêm lại gặp bình minhLùng nhùng cơm áo tưởng mình lại taNgóng tìm như thể đường xaMột hôm mây trắng nhớ nhà về đâu ? |
Áo Trắng số 3 ra ngày 15/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận