Đoàn kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Trong ảnh: một cửa hàng ở tỉnh Vĩnh Long được kiểm tra - Ảnh: T.L
An ninh năng lượng là vấn đề lớn, hiểu đơn giản là trên bình diện quốc gia phải duy trì liên tục, ổn định nguồn cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng với giá chấp nhận được.
Nhưng những ngày qua một số người tiêu dùng ở ĐBSCL không mua được xăng dầu. Dù theo Bộ Công thương, thiếu xăng dầu chỉ là cục bộ nhưng từ đây đã đặt ra yêu cầu: phải cẩn trọng hơn với an ninh năng lượng.
Nếu bình thường, tình trạng treo biển hết xăng đa số chỉ nhằm găm hàng chờ điều chỉnh giá để kiếm thêm chút ít thì nay lại diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, đó là nguồn cung: Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng.
Diễn biến đó, cùng với giá xăng dầu thế giới tăng nhanh, nhưng giá trong nước lại chậm điều chỉnh đã khiến thị trường xăng dầu thêm "nóng".
Cũng may, tình hình đã tạm được giải quyết. Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động hơn 100% công suất. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ tăng dần sản lượng. Doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu.
Nhưng ổn định thị trường xăng dầu, giữ vững an ninh năng lượng không chỉ tập trung giải quyết nguồn cung, mà trước mắt cần phải chấn chỉnh ngay khâu lưu thông phân phối.
Cho đến nay, cơ chế điều hành lưu thông phân phối xăng dầu đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa ổn. Vì sao cây xăng treo biển hết hàng lại chủ yếu ở ĐBSCL?
Có hay không tình trạng rộng tay cấp phép cho doanh nhân phân phối nhưng thiếu kiểm tra, giám sát?
Xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện, không phải ai cũng có thể nhảy vào làm nhà phân phối, quyền lợi đi kèm trách nhiệm. Trách nhiệm đó là phải đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường, không thể lời thì bán, khó khăn thì né.
Nhưng theo Bộ Công thương, nhiều cây xăng hết hàng là do lỡ mua của các thương nhân quy mô nhỏ, trong khi các doanh nghiệp đầu mối lớn (chiếm trên 90% thị phần) vẫn kiên trì bán xăng dầu cho người tiêu dùng. Như vậy, việc cho phép các thương nhân không đủ năng lực tham gia thị trường đã "làm rầu" thị trường xăng dầu.
Vì vậy, nhân tình trạng treo biển hết xăng, cũng cần thanh lọc lại hệ thống các nhà phân phối. Không thể để hệ thống phân phối xăng dầu được giám sát chặt nhưng vừa qua vẫn lọt vài trăm triệu lít xăng dầu lậu, xăng giả. Thậm chí, có lúc bán xăng lậu đã trở thành cái mốt làm giàu nhanh của nhiều cửa hàng xăng dầu. Thiệt thòi rơi vào người tiêu dùng.
Nhưng trách thương nhân cũng phải xem lại cách điều hành có lúc quá cứng nhắc. Như vừa qua, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu rơi vào ngày nghỉ Tết, phải chuyển sang chu kỳ điều chỉnh giá tiếp theo, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng liên tục đã đẩy thương nhân vào thế càng bán càng âm vốn. Không được tăng giá bán, chẳng mấy ai vui vẻ mở cửa bơm xăng với mức chiết khấu... 0%, xem như lỗ!
Cũng cần tìm ra một cách giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu hiệu quả hơn, như ứng dụng công nghệ thông tin, để nắm chắc và xử lý nhanh nạn găm hàng chờ tăng giá. Đừng để xảy ra treo biển hết hàng cơ quan chức năng mới vội cho người đi "tổng kiểm tra", ngó từng bồn xăng dầu để xử lý.
Thị trường xăng dầu thế giới đang trong giai đoạn nhạy cảm, giá nhăm nhe tăng, nguồn cung không ổn định. Vì vậy, đừng để thị trường xăng dầu trong nước thêm "nóng", ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, bởi đằng sau đó chính là an ninh năng lượng quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận