Nhà văn Di Li chia sẻ về văn hóa ẩm thực trên thế giới trong hai cuốn tùy bút - Ảnh: MI LY
"Ẩm thực, dù chỉ là viên kẹo rẻ tiền hay bữa tiệc cung đình thì đều là những hồi ức ngọt ngào và thi vị. Để mỗi lần hoài niệm dội về, lại nhói lên cái không gian ấy, những con người ấy, đã cùng ta nếm trải dư vị cuộc đời"
Nhà văn Di Li (tùy bút Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa)
Chiều 19-12, tại TP.HCM, nhà văn Di Li ra mắt hai cuốn sách tùy bút ẩm thực Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa và Nửa vòng trái đất uống một ly trà. Cuốn sách đầu tiên viết về ẩm thực Việt Nam, cuốn thứ hai viết về ẩm thực quốc tế.
Sau mỗi món ăn là hồn cốt của một dân tộc
"Với mỗi món ăn, tôi đều cố gắng lý giải từ lịch sử và tính cách của dân tộc ấy. Đằng sau mỗi món ăn là hồn cốt của một dân tộc" - nhà văn Di Li chia sẻ.
Chẳng hạn, vì sao ở Nhật Bản, đồ ăn lại có rất ít thịt? Một bát mì ramen chỉ có những vụn thịt, có những món ăn không thịt. Di Li kể, một lần đến Nhật cùng nhóm bạn, cả đoàn như phát cuồng sau một tuần vì đồ ăn ít thịt quá.
Nhà văn Di Li có sở thích đi du lịch nhiều nước trên thế giới và rất sành ăn - Ảnh: FB NHÂN VẬT
Sau đó, nữ nhà văn tìm hiểu lịch sử và nhận ra Nhật hoàng từng cấm ăn thịt gia súc vì việc này có liên quan đến nạn đốt rừng. Về sau, người Nhật có thể ăn thịt trở lại nhưng không quen với chế độ nhiều thịt nữa. "Chỉ từ một bát mì ramen, chúng ta có thể đọc ra lịch sử 1.000 năm của người Nhật" - Di Li nói.
Nhà văn từng đến Ba Lan và thưởng thức món ăn theo cô là "kinh dị nhất trong đời": sữa chua không đường trộn hành sống (onion yogurt) - đặc sản của quốc gia này. "Đó là một tổng hợp kinh hoàng của vị giác mà mỗi lần nghĩ lại, tôi đều có thể dùng đó làm biện pháp giảm cân. Vị sữa chua hành dễ nửa thế kỷ sau vẫn còn ứ lên tận cổ" - Di Li viết.
Mặc dù vậy, theo Di Li, ở Việt Nam có những điểm đặc biệt mà trên thế giới không có. Đó chính là "bún mắng cháo chửi", thứ "phản văn hóa" rất nhiều người phản đối nhưng vẫn tồn tại ngay trên chính đất thủ đô. "Đây là thứ văn hóa quái gở, rất cần phải bài trừ" - nhà văn chia sẻ.
Hai cuốn sách Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa và Nửa vòng trái đất uống một ly trà - Ảnh: MI LY
Để viết nên hai cuốn tạp bút này, nhà văn Di Li đã có một hành trình ẩm thực đầy hứng thú. Theo lời một người bạn, cô ham mê và sành ăn đến mức "sẵn sàng mua vé máy bay đi đến một nơi xa chỉ để ăn một món ăn thật ngon cho bõ cơn thèm rồi bay về".
Vì thế, cuốn sách của cô đã điểm qua rất nhiều món ăn ngon, quán ăn ngon ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.
Đồ ăn Việt Nam chưa được quảng bá hiệu quả
"Cách Di Li viết về món ăn không chỉ khiến người đọc thấy ngon mà còn làm chúng ta say mê nền văn hóa đằng sau món ăn" - nhà văn sành ăn Đỗ Hương nhận xét về phong cách viết tùy bút ẩm thực của Di Li.
Bản thân Di Li đam mê đồ ăn Việt Nam và nhất là Hà Nội, nhưng cô hiểu rõ đó là do xuất thân và căn cốt của mình. Còn món ăn quốc tế cô yêu thích nhất chính là tom yum của Thái Lan, một món ăn mà "khi hấp hối, tôi vẫn có thể ăn được".
Theo Di Li, bên cạnh chất lượng ẩm thực xét theo khẩu vị chung của thế giới, ẩm thực Việt Nam còn gặp bất lợi khi chúng ta chưa biết cách quảng bá đồ ăn Việt Nam hiệu quả. Về điều này, chúng ta cần học hỏi Thái Lan hay Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận