Dự án có vốn đầu tư gần 600 tỉ đồng, đã nghiệm thu nhưng hiện nhiều thiết bị đang “trùm mền”. Trong ảnh: máy tra cứu thông tin tại UBND P.Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) biến thành chỗ để loa, sổ sách - Ảnh: Hhữu Khá |
Dự án được triển khai từ năm 2011, nghiệm thu ngày 22-7-2014
Thế nhưng, trên thực tế nhiều thiết bị thông tin lại đang “trùm mền” từ nhiều năm qua.
Đó là ghi nhận của PV Tuổi Trẻ khi khảo sát nhiều ngày tại nhiều xã, phường thuộc bảy quận, huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng...
Máy tra cứu thông tin... không có CPU
Thêm 30 triệu USD cho giai đoạn 2 Ông Trần Văn Dũng cho biết: “Để vận hành được các thiết bị đầu cuối, trong những năm qua ban quản lý dự án đã tổ chức đào tạo cho hơn 4.000 cán bộ chuyên viên và sẽ tiếp tục đào tạo thêm 2.000 người nữa. Hiện chúng tôi được UBND TP Đà Nẵng giao nhiệm vụ lên phương án chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 của dự án với vốn vay hơn 30 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới để xây dựng mô hình thành phố thông minh”. |
Ngày 22-8, PV có mặt tại UBND phường Thanh Bình (Q.Hải Châu) để vào máy tra cứu thông tin, một cán bộ phường cho biết: “Máy hỏng cả tuần nay rồi, không tra cứu được”. Chiếc máy được đặt ở một góc phòng làm việc, do quá lâu không ai đụng tay đến nên bụi bẩn bám đầy.
Tiếp đó, khi đến trụ sở phường Vĩnh Trung (Q.Thanh Khê), PV cũng nhận được câu trả lời tương tự của cán bộ phường: “Máy bị hỏng hai tuần nay, không sử dụng được anh ạ”. Qua quan sát cho thấy rất ít công dân khi đến làm thủ tục hành chính ở phường Vĩnh Trung quan tâm đến thiết bị này. Vì thế chiếc máy được bỏ nằm một góc, bàn phím, con chuột để lăn lóc...
Ngày 28-8, PV trở lại hai phường Thanh Bình và Vĩnh Trung thì nhận thấy các máy trên vẫn trong tình trạng không sử dụng được. Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung Nguyễn Minh Trí và phó chủ tịch UBND phường Thanh Bình Võ Thị Cảnh cho biết “máy bị hỏng” và thừa nhận “từ lúc chưa hỏng cũng ít người sử dụng”.
Thực tế, không mấy cán bộ và người dân quan tâm sử dụng thiết bị đắt tiền này, vì vậy địa phương cũng không màng đến chuyện sửa chữa.
Điều trớ trêu là dự án trang bị máy tra cứu thông tin cho các phường, xã chỉ trang bị màn hình cảm ứng và không trang bị CPU. Vì vậy, có phường từ ngày trang bị đến nay đã ba năm nhưng vẫn bỏ không.
Đơn cử như phường Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn), do không có CPU nên máy tra cứu thông tin được xếp vào một góc phòng để lẫn với loa, giấy tờ. Do không có CPU nên để hoạt động được, nhiều phường, xã đã sử dụng CPU cũ gắn vào dùng tạm. Hệ quả chỉ một thời gian ngắn, các máy tra cứu trên đều rơi vào tình cảnh “chết” không hoạt động được như ở các phường Nam Dương, Hải Châu II, Mân Thái, Hòa Khê, Hòa Quý hay các xã Hòa Châu, Hòa Phước...
Tại các quận, huyện, sở, ngành, nhiều máy tra cứu thông tin cũng rơi vào cảnh bụi bặm vì rất ít người dân tìm đến tra cứu.
Hầu hết điện thoại (loại có màn hình hiển thị - video phone) được trang bị tại UBND phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng phải “trùm mền” vì không kết nối được với máy khác - Ảnh: Đ.Nam |
3 năm chưa gọi cuộc nào
Không chỉ hệ thống máy tra cứu thông tin trị giá hàng tỉ đồng bị “chết yểu” một cách lãng phí, mà gói máy điện thoại cố định có màn hình trị giá hàng chục triệu đồng/máy cũng đang “trùm mền” sau ba năm trang bị.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gói thiết bị đầu cuối gồm khoảng 400 điện thoại (trong đó có khoảng 100 điện thoại có màn hình) được trang bị cho chủ tịch các xã phường, quận huyện...
Tuy nhiên, thực tế tại hầu hết địa phương, điện thoại đắt tiền này chưa thực hiện được một cuộc gọi nào, trong khi thời gian bảo hành đã hết. Theo khảo sát tại một công ty chuyên cung cấp loại điện thoại trên ở Đà Nẵng, giá mỗi chiếc là 22,5 triệu đồng (kể cả chi phí lắp đặt, hướng dẫn sử dụng).
Ông Nguyễn Hữu Nam, chủ tịch UBND phường Phước Mỹ (Q.Sơn Trà), cho biết ông được trang bị chiếc máy này đã ba năm nhưng chưa một lần sử dụng.
Trong khi đó ông Nguyễn Minh Trí - chủ tịch UBND phường Vĩnh Trung - cho biết máy của ông chỉ có thể liên lạc với chủ tịch UBND phường bên cạnh (Thạc Gián), các phường còn lại không kết nối được vì không biết số. Trong khi đó một lãnh đạo xã Hòa Nhơn (H.Hòa Vang) than phiền: “Phía dự án họ có phát cho cái điện thoại có màn hình, đã ba năm nay nhưng tôi chưa gọi cuộc nào”.
Đã nghiệm thu... máy chạy tốt?
Dù có nhiều thiết bị đầu cuối chưa một ngày được đấu nối sử dụng, nhưng tất cả được nghiệm thu.
Trả lời Tuổi Trẻ ngày 29-8, ông Trần Văn Dũng, phó giám đốc Ban quản lý dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông TP Đà Nẵng, xác nhận: “Tính đến thời điểm này toàn bộ dự án cùng các hạng mục, gói thầu đã hoàn tất, nghiệm thu xong. Đến nay dự án trên đã giải ngân gần hết tiền, chỉ còn lại đâu chừng 500.000 USD, chúng tôi đang làm các thủ tục hoàn trả số tiền này cho WB. Riêng phần vốn đối ứng của TP Đà Nẵng chỉ sử dụng chừng 10 tỉ đồng nữa thôi”.
Ông Dũng cho biết ban đầu dự án được duyệt là 17,2 triệu USD, sau đó điều chỉnh tăng lên thành 27,2 triệu USD. Dự án bao gồm 20 gói, trong đó có đến 12 gói thiết bị, số còn lại thuộc gói tư vấn.
Cũng theo ông Dũng, ngoài trung tâm dữ liệu được ví như “trái tim” thì dự án trên còn có hơn 300km cáp quang được kéo đến 97 điểm trong toàn TP. Riêng gói thiết bị đầu cuối (máy tính, màn hình cảm ứng, điện thoại, máy chủ...) trị giá trên 3 triệu USD được đầu tư trang bị đến tận 91 xã, phường, quận, huyện và sở, ban ngành của TP. Ngoài ra còn có gói thiết bị đầu cuối dành cho 30 cơ quan Đảng, Đoàn có trị giá 700.000 USD cũng đã hoàn tất việc nghiệm thu.
Theo xác nhận của ông Dũng, toàn bộ gói thiết bị đầu cuối cho người dùng do nhà thầu FPT cung cấp với thời gian bảo hành ba năm, đến nay thời gian bảo hành đã kết thúc. “Trước khi kết thúc, chúng tôi cũng yêu cầu phía FPT kiểm tra lần cuối và họ cho biết toàn bộ thiết bị đầu cuối (điện thoại, máy tính, máy chủ, máy tra cứu thông tin...) đều vận hành ổn định, rất tốt” - ông Dũng cho biết.
Phương tiện tra cứu thông tin Từ năm 2012, chính quyền Đà Nẵng đã chuyển giao, trang bị cho 56 phường, xã mỗi nơi một máy tra cứu thông tin. Việc trang bị loại máy với màn hình cảm ứng hiện đại này được kỳ vọng là phương tiện giúp công dân tra cứu thủ tục hành chính nhanh chóng khi đến giải quyết công việc. Ngoài ra, những máy này được xem là bước đột phá của TP Đà Nẵng để người dân “chấm điểm” cán bộ, công chức qua mạng. Tuy nhiên tại nhiều địa phương, dù mới sử dụng nhưng máy đang nằm trong cảnh hư hỏng, phủ bụi. |
Không hoạt động là do xã, phường Chiều 10-9, Tuổi Trẻ trao đổi thẳng thắn với ông Phạm Kim Sơn - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng kiêm giám đốc Ban quản lý dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông TP Đà Nẵng - về việc máy tra cứu thông tin nhưng chỉ trang bị màn hình mà không có CPU. Ông Sơn nói: - Làm gì có chuyện đó. Chúng tôi đã trang bị đầy đủ chứ, làm sao có chuyện trang bị máy mà chỉ có màn hình không có CPU, không có CPU làm sao máy chạy được. Dự án đã trang bị CPU nhưng mấy ông (xã/phường - PV) lấy sử dụng vào mục đích khác đó thôi. Cái đó phải có CPU hết. Phải trang bị đồng bộ, có điều CPU nằm ở phía trong, họ chỉ cần kéo dây ra là hoạt động. * Trên thực tế có nhiều xã, phường được trang bị máy đã ba năm nhưng không hoạt động được ngày nào? - Nếu không hoạt động được là do họ thôi, chứ không phải không có CPU... Tuy nhiên ở xã, phường bây giờ có một số nơi trách nhiệm kém lắm, tôi đến tận nơi khuyến nghị từng địa phương mà. Thật ra cũng có thể có đó, họ không có nhu cầu thì họ bỏ đấy thôi, CPU họ đem làm việc khác. Lưu ý rằng ở bộ phận một cửa máy tra cứu thông tin là một bộ phận rất nhỏ, màn hình đó công dân có thể tra cứu, lướt web. * Còn hệ thống điện thoại có màn hình được trang bị cho chủ tịch UBND các xã/phường, quận/huyện có hoạt động tốt không? - Điện thoại này hoạt động bình thường mà. Nó hoạt động phải có mạng Lan, mạng này đang hoạt động bình thường. Có điều các ông có muốn hoạt động hay không thôi. Như máy của tôi hiện vẫn hoạt động bình thường. Loại máy này có giá khoảng 800 USD. * Qua khảo sát cho thấy rất nhiều nơi loại máy này không hoạt động được. Việc này ông có nghe không? - Có báo cáo. Nhưng thực tế không hoạt động là họ không muốn dùng thôi. Trách nhiệm là mấy ông đó ráng chịu. Vừa rồi tôi đã cho khảo sát hết và có văn bản báo cáo lên UBND TP. Mình trang bị như vậy nhưng người có tinh thần trách nhiệm thì xài, còn người không có tinh thần trách nhiệm hoặc không thích sự thay đổi công nghệ thì họ không xài. Thật ra họ không thích thì không xài chứ các máy đó rất cần thiết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận