Phóng to |
Grigris là bộ phim thứ hai được trình chiếu tại TP.HCM trong khuôn khổ Liên hoan phim Pháp ngữ 2014 - Ảnh: ST |
Lặng lẽ khai mạc tối 12-3 tại phòng chiếu phim Idecaf (TP.HCM) với bộ phim Cả hai cùng thắng của đạo diễn người Thụy Sĩ Claudio Tonetti, đêm 13-3 chương trình tiếp tục với bộ phim của Pháp và Cộng hòa Tchad: Grigris. Đó là những bộ phim mà theo đánh giá của những khán giả đến rạp là thuần khiết, chân thực đến mức nghẹt thở...
Hạnh phúc là gì?
Grigris là nghệ danh của Souleyman - chàng trai da màu người Tchad có nụ cười sáng lóa lập lòe như đom đóm trong đêm. Chàng là một vũ công đặc biệt trong một hộp đêm nghèo nàn, nơi tối tối người ta vây quanh xem những trò nhào nặn kỳ thú từ chiếc chân bị tật tong teo gầy guộc của chàng. Chiếc chân “chấm phẩy” trở thành món đồ chơi để nhiều người mua lấy niềm vui, đổi lại Grigris sẽ có một số tiền cầm chừng đủ để thuốc thang cho người bố dượng bệnh tật sắp lìa đời. Thế nhưng điều đặc biệt ở chàng là Souleyman chưa bao giờ lấy làm phiền lòng về sự khiếm khuyết cá nhân, cho cả sự phù phiếm giả lả của đám đông hiếu kỳ. Chàng hân hoan thăng hoa trong từng bước nhảy, chàng thật sự hạnh phúc với những lời khen, những tiếng huýt sáo vỗ tay, có lẽ vì vậy chàng mới chọn cho mình cái nghệ danh rất không giống ai Grigris - nghĩa là “đem lại hạnh phúc”.
Chàng đem lòng yêu tha thiết Mimi - một cô gái da màu với thân hình siêu mẫu, gương mặt thanh tú luôn khát khao được trở thành một người mẫu tiếng tăm nhưng những thứ cô có được chỉ là một cuộc sống tồi tàn của một gái bán hoa... Họ như cỏ dại mọc trong bùn đen, không kiêu hãnh, thanh tao nhưng cũng chẳng gì hạ gục nổi. Khán giả sẽ khó lòng bắt gặp hình ảnh của mình trong cuộc sống tăm tối của Grigris và Mimi, nhưng có thể họ sẽ bắt đầu định nghĩa lại hạnh phúc thật sự là gì khi nhìn thấy hình ảnh Grigris và Mimi ôm chặt nhau trên chuyến xe lộng gió, bước chân vào một hành trình mới, nơi có tiền cũng có nghĩa là chẳng có gì...
Thô mộc và sống động
Những bộ phim chỉ có giá vé 30.000 đồng, ra mắt trong một phòng chiếu giản tiện, nơi khán giả chỉ cần mua vé vào rạp là có thể ngồi ở bất cứ đâu tùy thích mà không cần phân vân số ghế của mình, bởi dù ngồi góc nào họ cũng sẽ được thưởng thức những bộ phim thô mộc, sống động, nơi người ta tin chắc sẽ chẳng có chàng “người hùng” nào xuất hiện, cuộc sống có nghĩa là lao động bằng đôi tay - đôi chân, dù chúng không lành lặn.
Chín bộ phim được trình chiếu lần này trong khuôn khổ liên hoan đều là những đại diện xuất sắc đến từ Pháp, Thụy Sĩ, Romania, Bỉ, Guinea, Luxembourg, Senegal, Cộng hòa Tchad... Không gì tuyệt vời hơn khi được xem một bộ phim hay, đổi lại cũng chẳng gì chạnh lòng bằng những bộ phim ấy lại chưa thể đến với số đông công chúng. Khán phòng Idecaf hai hôm đó không phủ kín người...
Những liên hoan phim nước ngoài ngày càng được mở rộng với nhiều nguồn phim phong phú từ Liên hoan phim châu Âu, Liên hoan phim Pháp ngữ, Liên hoan phim Đức... Nếu được ví von, người đến với những liên hoan phim dạng này giống như những nhà du hành đơn lẻ trong chuyến hành trình của riêng mình. Và hành trình ấy giá được chào đón thêm những gương mặt mới, có lẽ chắc sẽ khiến cho mỗi buổi trình chiếu trở thành một “liên hoan” thực thụ với những người yêu phim.
Liên hoan phim Pháp ngữ 2014 do các đối tác trong Nhóm các đại sứ quán, phái đoàn và tổ chức Pháp ngữ ở VN tổ chức khá quy mô với bốn điểm chiếu: Hà Nội (L’Espace), TP.HCM (IDECAF), Vinh (Trung tâm Pháp ngữ Vinh, 36 Nguyễn Đức Cảnh) và Huế (Trung tâm Văn hóa Pháp, 1 Lê Hồng Phong). Riêng tại TP.HCM, liên hoan kéo dài đến hết ngày 29-3. Ngày 22-3 chiếu phim Màu da vàng (15g) và 29-3 chiếu phim Vĩnh biệt Berthe, bà thân yêu...(15g). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận