Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:
Phóng to |
Đám cưới của Subia Gaur và Ashwani Gupta diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người - Ảnh: The Telegraph |
“Romeo - Juliet” thời nay
Mọi chuyện bắt đầu khi Subia mới 15 tuổi và đăng nhập vào một trang web kết bạn. Trong thế giới mạng bao la, cô đã gặp Ashwani - một sinh viên chuyên ngành phân tích tài chính. Họ làm quen và chia sẻ với nhau mọi buồn vui, kể cả hình ảnh cập nhật hoạt động hằng ngày của mỗi người thông qua Internet mỗi tối. Và tình yêu đã đến nhẹ nhàng như hơi thở. “Ba năm là khoảng thời gian đủ dài để chúng tôi thật sự hiểu rằng mình không thể sống thiếu nhau. Vì ngay cả khi cách xa hàng trăm ngàn cây số, chúng tôi cũng đã không hề ngưng nghĩ về nhau hằng ngày, hằng giờ” - Ashwani cho biết. Tình yêu của họ trở nên chín muồi hơn nữa khi Subia có dịp sang Mumbai (Ấn Độ) thăm ông bà. Ashwani đã tìm mọi cách để có thể đi từ Ghaziabad, gần Delhi, tới Mumbai và gặp “nàng công chúa của đời mình”.
Tấm chân tình của Ashwani và cả sự đồng điệu đến kỳ lạ trong lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên này khiến Subia phải thừa nhận: “Lần đầu tiên tôi gặp anh ấy, tôi đã biết chắc chắn đây là người mình sẽ cưới làm chồng. Tôn giáo không phải là vấn đề quan trọng. Ashwani không bắt tôi phải cải đạo. Anh ấy chấp nhận tôi như là chính tôi. Tôi không muốn làm cha mẹ bị tổn thương, nhưng tôi phải đến với người đàn ông mà mình yêu nhất trên đời này”.
Tuy nhiên, mọi việc không thật sự đơn giản như thế. Theo các quy định tôn giáo, người Hồi giáo và người theo đạo Hindu không thể cưới nhau. Đó là chưa kể họ lại sống ở hai quốc gia cách nhau rất xa. Cha mẹ của Subia rồi cũng phát hiện câu chuyện tình yêu này khi con gái chuẩn bị vào đại học ở London. Họ đã dùng mọi áp lực buộc Subia phải chấm dứt cuộc tình “hết sức phi lý” này, như lời cha Subia. Họ thậm chí đã lên kế hoạch cho Subia kết hôn với một người theo đạo Hồi. Tuy nhiên, Subia phớt lờ tất cả và tìm đủ cách trốn đến Ghaziabad gặp Ashwani. Khi mẹ của Subia phát hiện con gái mình mất tích, bà lập tức đặt vé máy bay sang Delhi và buộc con gái phải quay về, kể cả dùng cách đe dọa bằng vũ lực. Để đối phó với quá nhiều căng thẳng đó, cặp đôi này đã quyết định kết hôn với nhau: “Tôi nghĩ khi chúng tôi kết hôn thì cha mẹ tôi sẽ không thể bắt tôi về nhà nữa!” - Subia cho biết.
Biết được tin này, gia đình của Subia đã nhờ đến cả cảnh sát để “giải cứu” cho Subia. Họ cho rằng con gái của mình đã bị bỏ “bùa mê thuốc lú”. Tuy nhiên, sau khi cảnh sát Ấn Độ đến gặp cô dâu, nghe cô kể lại câu chuyện của mình, họ quyết định ủng hộ cuộc hôn nhân.
Báo chí Ấn Độ cũng nhanh chóng vào cuộc và gọi đây là chuyện tình Romeo - Juliet thời hiện đại, một biểu tượng cho sức mạnh phi thường của tình yêu. Ngay sau đó, đám cưới theo đúng truyền thống Ấn Độ của Ashwani và Subia đã được tổ chức với sự bảo vệ cẩn mật của cảnh sát Ấn Độ, phòng trường hợp gia đình Subia đến... cướp cô dâu và được truyền hình trực tiếp trên khắp Ấn Độ.
Hơn 1.000 người vì hiếu kỳ và ngưỡng mộ cặp đôi này đã đến chung vui trực tiếp với họ ngay trong lễ cưới.
Ở đầu bên kia đại dương, cha mẹ Subia chỉ biết đến lễ cưới của con gái khi xem qua đài truyền hình Ấn Độ. Cha Subia đau khổ: “Con gái tôi là một người theo đạo Hồi, tại sao nó có thể kết hôn với một người đạo Hindu? Đây mới là sự sỉ nhục to lớn nhất với cả gia đình chứ không phải chỉ là chuyện nó lừa dối và kết hôn trái ý chúng tôi”.
Về phía gia đình nhà trai, cha của Ashwani cho rằng: “Để chúng cưới nhau dù sao vẫn tốt hơn là trốn chạy cùng nhau. Lúc đó tôi sẽ mất luôn cả đứa con trai”.
Một năm sau ngày cưới, đến nay gia đình nhỏ của Ashwani và Subia vẫn rất hạnh phúc và có ý định chuyển đến Anh sinh sống lâu dài. Subia nhiều lần về thăm nhà tại Anh và mẹ cô đã tha thứ. Tuy nhiên, cha Subia vẫn kiên quyết không nhìn mặt con gái, mặc cho chàng rể của ông, Ashwani đã cải đạo sang Hồi giáo.
Phóng to |
Mustafa cùng vợ và con ở Baghdad - Ảnh: The Asahi Shimbun |
Yêu nhau qua... ánh mắt
Một trong những xung đột gay gắt nhất tại Iraq trong những năm vừa qua là giữa cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shia. Tuy nhiên, điều đó đã không thể ngăn cản được tình yêu tuyệt vời của những người trẻ thuộc về hai nhóm người này.
Mustafa Hazem, 22 tuổi, người Sunni và Mona, 20 tuổi, người Shia, đã kết hôn với nhau vào tháng 6-2010. Đến tháng 4-2011, báu vật tình yêu của họ đã ra đời: cậu con trai Yusef. Tuy nhiên, để có được kết thúc có hậu như cổ tích này, họ đã phải trải qua rất nhiều sóng gió bão táp khắc nghiệt của văn hóa và tôn giáo tại Iraq.
Lần đầu tiên Mustafa gặp Mona là khi cô đi cùng mẹ vào tiệm bán vải nơi anh làm việc. Sức hút từ đôi mắt của cô gái này đã khiến Mustafa lập tức bỏ cả ngày làm việc, theo sát chiếc xe hơi chở Mona và mẹ cô về tận nhà. Tuy nhiên, tại Iraq, nam nữ chưa kết hôn không được phép gặp riêng. Chính vì thế, tiếp sau đó, họ cũng chỉ thể hiện tình cảm của mình bằng cái nhìn tha thiết, đầy yêu thương mỗi lần Mona đi mua vải cùng mẹ.
Sau một năm yêu nhau chỉ qua ánh mắt như thế, Mustafa nhận thấy đã đến lúc phải cầu hôn Mona. Ngay khi vừa trình bày vấn đề này với cha, lập tức anh đã vấp phải sự phản đối dữ dội: “Cả cộng đồng Sunni sẽ giết con nếu con dám kết hôn với một phụ nữ Shia”.
Lời cảnh báo của cha Mustafa không phải không có căn cứ. Trong năm 2006, 2007, chỉ riêng tại Baghdad đã có hơn 100 người Sunni và Shia bị giết chết trong các cuộc ẩu đả. Tuy nhiên, Mustafa đã kiên trì lặp đi lặp lại ý định của mình với cha trong suốt bốn tháng sau đó. Rốt cuộc cha anh đã phải xiêu lòng gật đầu, dẫn anh đến nhà của Mona hỏi cưới.
Tuy nhiên, điều hiển nhiên là cha Mona không đời nào chấp nhận lời cầu hôn này. Ông từ chối Mustafa thẳng thừng một lần, rồi ba lần, năm lần. Song song đó, lần lượt rất nhiều yêu cầu oái oăm của cha Mona đã đưa ra để thử thách Mustafa, đó là phải có 91.000 USD để hỏi cưới, xây một ngôi nhà gần nhà của ông... Tuy nhiên, cuối cùng chính ông đã phải chào thua chàng trai si tình kiên trì này. Lần thứ bảy đến nhà hỏi cưới Mona, Mustafa đã có thể chính thức đính hôn với người anh yêu thương.
Mustafa và Mona không phải là trường hợp Romeo - Juliet thời hiện đại duy nhất ở đất nước từng là xứ sở thần tiên Ba Tư với hàng trăm ngàn chuyện tình lãng mạn, nồng nàn này. Khác với kết cục buồn trong bi kịch của Shakespeare, khi mà hai gia đình Montague và Capulet chỉ có thể hòa hợp lại sau cái chết của đôi tình nhân, thế hệ trẻ tại Iraq hiện nay đã từng bước tranh đấu và cố gắng thuyết phục gia đình để được sống trọn vẹn với tình yêu của mình, vượt qua mọi khác biệt về tôn giáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận