Cô Diệp cùng các học trò - Ảnh: Như Hùng |
Thật bất ngờ: mới đầu giờ học mà một học sinh (chứ không phải cô giáo) đang say sưa nói về... tác giả Nguyễn Tuân.
Trên bục giảng, ngoài một học sinh đang đứng thuyết trình, còn có một học sinh khác đang ngồi trước máy tính để chiếu cho các bạn xem những hình ảnh, tư liệu về bài học.
Phía dưới, các học sinh ngồi theo hình chữ U, riêng cô giáo ngồi phía cuối lớp. Trên bảng tuyệt đối không ghi chữ nào.
Cô giáo là khách mời
Viết nhật ký từ thư viện Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Chắc các bạn thích nhất những tiết học văn có thuyết trình?” thì thật ngạc nhiên, các học sinh đều lắc đầu: “Hình thức học như vậy tụi mình đã làm từ năm lớp 10 tới nay, không thích bằng tiết đọc sách trong thư viện!”. Thì ra, từ đầu năm học này, cô Diệp dành riêng 1 tiết học/tuần để cho học sinh lên thư viện chỉ để...đọc sách. Học sinh được chọn đọc bất cứ cuốn sách nào mình thích, sau đó các em sẽ viết nhật ký đọc sách theo yêu cầu của cô giáo. Để làm được như vậy, cô và các giáo viên trong tổ văn phải viết lại tài liệu dạy học, gạt bỏ bớt những kiến thức khô khan, hàn lâm, chỉ giữ lại những kiến thức ngắn gọn, dễ hiểu đối với học sinh trung học. Do đó, bài học cũng nhẹ nhàng hơn, có dư thời gian để học sinh vào thư viện. |
“Bài thuyết trình về tác giả Nguyễn Tuân của mình đến đây là hết, các bạn có hỏi gì không?”. Hai cánh tay đưa lên: “Các bạn hãy cho biết những bút danh của Nguyễn Tuân?”. “Đó là Thanh Thủy, Nhất Lang, Thanh Hà...”. “Tác giả Nguyễn Tuân bị bắt vô tù bao nhiêu lần?”. “Theo mình nhớ là hai lần... Còn ai hỏi gì nữa không?... Nếu không còn ý kiến gì thì nhóm mình sẽ chuyển sang nội dung khác”.
Lúc này cô giáo mới lên tiếng: “Nhóm thuyết trình phải cho các bạn suy nghĩ và đặt câu hỏi chứ. Nào, tất cả mọi người! Còn em nào hỏi gì nữa không?”. Im lặng!
“Nếu các em không còn câu hỏi nào thì cô sẽ đặt câu hỏi cho nhóm thuyết trình và cho cả lớp. Nếu được giới thiệu một lời khái quát dùng cho Nguyễn Tuân thì các em sẽ dùng câu nào?”.
Một cánh tay rụt rè đưa lên: “Thưa cô, em sẽ chọn câu: Nguyễn Tuân là người suốt đời đi tìm cái đẹp”. “Tại sao em lại chọn câu này?”. “Là vì nó thể hiện rất rõ ở tác phẩm Chữ người tử tù mà trước đây em đã học. Ở đây, nhà văn đã truyền đi thông điệp: Cái đẹp vượt lên mọi cảnh ngộ để chiến thắng”...
Cứ thế tiết học về tác phẩm Người lái đò sông Đà của lớp 12 A-D, Trường THPT Giồng Ông Tố trôi đi một cách nhẹ nhàng và thú vị. Xen lẫn những đoạn thuyết trình là những câu hỏi đầy bất ngờ và kịch tính của người dự khán (là các bạn cùng lớp) khiến cả nhóm thuyết trình ngớ người ra (vì không chuẩn bị trước).
Có lúc cả nhóm không biết trả lời thế nào, đành xin cô giáo “Sẽ trả lời vào cuối tiết học”. Không ngờ cô yêu cầu: “Các em phải trả lời ngay chứ”, nhóm đành giao hẹn trước khi trả lời: “Nghĩ sao nói vậy nha các bạn”. Thế mới có những trận cười sảng khoái của cả cô và trò.
Thế nên tiết học mới trôi qua một cách nhanh chóng vì các học sinh thật sự làm chủ tiết học ấy, tự đưa ra những nhận định ban đầu về tác giả, tác phẩm rồi trả lời những thắc mắc, băn khoăn của các bạn đưa ra.
Cô giáo đóng vai một vị khách mời uyên bác, sẵn sàng cứu nguy cho nhóm thuyết trình khi họ “bí”, đưa ra những câu hỏi đúng lúc để cả lớp phải tìm hiểu kỹ hơn về bài học; kịp thời bổ sung câu trả lời cho nhóm thuyết trình để học sinh của mình cảm nhận đầy đủ những cái hay, cái đẹp của tác phẩm...
“Thích cô nên thích học văn cô dạy”
Đó là lời đúc kết của nhiều học sinh lớp 12A-D khi chúng tôi hỏi về phương pháp dạy văn của cô Diệp.
“Hồi học THCS, mình rất ghét môn văn. Tất cả học sinh cứ phải học, phải làm theo một cái khuôn với trình tự nhất định một cách khô khan và khó hiểu. Nếu làm khác đi chắc chắn phải chịu điểm thấp. Đến khi học cô Diệp, mình thấy môn văn thật hấp dẫn và gần gũi. Học văn với cô rất vui vẻ. Cô cho tụi mình được thoải mái trình bày theo cách nhìn của bản thân, cô tôn trọng suy nghĩ cá nhân của học sinh, không bắt tụi mình phải học thuộc lòng những câu hỏi giáo khoa mà phải là đọc - hiểu” - học sinh Trâm Anh cho biết.
Trong khi đó, học sinh Hồng Phúc lại chia sẻ: “Mình sẽ không thi đại học môn văn nên không đầu tư nhiều cho văn. Nhưng mình thích học văn với cô Diệp. Cô nói giọng miền Trung nhưng nghe ngọt ngào và truyền cảm. Những lúc cô đọc thơ thì... tuyệt vời. Trong giờ dạy, cô còn đưa ra nhiều dẫn chứng gắn liền với cuộc sống khiến mình cảm thấy môn văn hữu ích”. “Cô còn rất xìtin nữa nha. Từ điệu bộ cho đến lời nói đều rất gần gũi với học sinh” - học sinh Ý Kiệt chen vào.
“Không yêu thương văn sẽ làm hỏng văn”
Đó gần như là “kim chỉ nam” trong dạy học của cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp: “Vì yêu thương nên tôi muốn học sinh của mình cũng yêu thương văn. Muốn các em thích học văn thì trước hết phải làm cho giờ văn thoải mái, không gò ép”.
Cô tâm sự: “Cách đây khoảng 5-6 năm, mình nói sẽ cho học sinh bốc thăm để làm việc nhóm. Mỗi nhóm có nhiệm vụ soạn một bài thuyết trình về tác giả - tác phẩm trong chương trình học, đến tiết đó các em sẽ nói cho cả lớp nghe. Không ngờ học sinh hào hứng nhận lời. Thật sự, lúc đầu mình cũng hơi lo ngại, bởi cứ nghĩ học trò vùng ven, các em sẽ không đủ đam mê, không có phương tiện (máy tính nối mạng) để tìm tư liệu, soạn bài”.
Nhưng kết quả đạt được thật không ngờ: “Một khối có ba lớp thì ba bài thuyết trình với ý tứ, lời văn... hoàn toàn khác nhau cho thấy các em không hề sao chép của nhau mà tự tìm tòi, soạn bài” - cô Diệp kể và kết luận: “Kinh nghiệm rút ra là phải tin vào học sinh của mình. Hồi đầu, tôi không an tâm, khi học sinh soạn bài xong phải cho tôi xem trước, sửa lỗi rồi mới thuyết trình. Bây giờ, tôi đã tự tin cho các em được tự do trình bày ý kiến của mình, nếu có sai sót tôi sẽ sửa ngay trước lớp”.
Cũng vì tin học sinh mà cách đây nhiều năm, cô Diệp đề xuất với ban giám hiệu Trường Giồng Ông Tố thành lập đội tuyển văn do cô phụ trách. Mặc dù hồi ấy học sinh Giồng Ông Tố không có khái niệm “đi thi học sinh giỏi” (nói gì đến việc đoạt giải), mặc dù hồi ấy nhiều ý kiến lo ngại rằng “học trò vùng ven thì làm sao “địch” lại với học sinh nội thành”.
Thế nhưng ngay năm đầu tiên “ra quân”, học sinh Giồng Ông Tố đã đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi Olympic 30-4.
Giải năm ấy không cao nhưng nó mang lại một niềm tin cho cả giáo viên và học sinh trong trường, rằng không phải vùng ven thì không có học sinh giỏi. Bây giờ, năm nào Giồng Ông Tố cũng có học sinh giỏi văn và cả những môn khác nữa.
Thậm chí năm học 2013-2014, trường còn có giải nhất học sinh giỏi văn cấp TP. Kết quả này bắt nguồn từ sự tiên phong, dám nghĩ - dám làm của cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Giồng Ông Tố, TP.HCM.
Có trường nổi tiếng mời về dạy nhưng cô vẫn ở lại Trong quá trình dạy học, cô Diệp luôn tìm tòi, đi đầu trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Cái hay của cô là những đổi mới ấy phù hợp với đối tượng học sinh vùng ven chứ không phải dành cho học sinh trường chuyên. Trước đây từng có một số trường THPT nổi tiếng của TP mời cô Diệp về dạy nhưng vì những tình cảm của đồng nghiệp, của học sinh mà cô quyết định ở lại trường. Những sáng kiến của cô đến nay đã lan tỏa, được tất cả giáo viên của tổ văn học tập và thực hiện. Nhiều năm nay, năm nào Giồng Ông Tố cũng có học sinh giỏi văn cấp TP. Đây là thành quả nỗ lực không ngừng của cô Diệp. Bởi ai cũng biết đầu vào Trường Giồng Ông Tố không cao. Việc phát hiện, truyền lửa đam mê văn chương (vì học sinh bây giờ đa số chỉ thích toán, lý, hóa) và bồi dưỡng các em trở thành học sinh giỏi là cả một quá trình vất vả mà một giáo viên giỏi nhưng nếu thiếu nhiệt huyết sẽ không thể làm được. Năm 2014, cô đã được Sở GD-ĐT TP.HCM trao giải thưởng Võ Trường Toản (giải thưởng cao quý dành cho các nhà giáo giỏi do báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận