11/03/2023 20:51 GMT+7

Trẻ Việt 9 tuổi lên mạng, 13 tuổi mới được chỉ cách tự bảo vệ

Độ tuổi trung bình của trẻ Việt Nam sử dụng Internet là 9, còn thế giới là 13 tuổi. Điều gì xảy ra khi trẻ tiếp cận không gian mạng mà không được bảo vệ?

Trẻ Việt 9 tuổi lên mạng, 13 tuổi mới được chỉ cách tự bảo vệ - Ảnh 1.

Học sinh Trường phổ thông liên cấp Edison trong giờ học tin học được hướng dẫn kỹ năng về sử dụng mạng Internet an toàn - Ảnh: V.NGỌC

Thiếu kỹ năng, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Hội thảo "Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học?" do hệ thống Trường phổ thông liên cấp Edison phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và một số công ty về giải pháp công nghệ tổ chức ngày 11-3.

Tại đây, ông Trần Đăng Khoa - phó cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) - chia sẻ về con số khảo sát của Google về độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam và thế giới bắt đầu tiếp cận với Internet là 9 và 13 tuổi.

Ông Khoa cho rằng dù tiếp cận từ 9 tuổi nhưng phải tới 13 tuổi trẻ em Việt Nam mới được hướng dẫn về những kỹ năng bảo vệ an toàn trên không gian mạng. Như vậy bọn trẻ có ít nhất bốn năm thiếu kỹ năng trong khi không gian mạng tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ.

"Trẻ phải đối diện với nhiều thứ không an toàn trên không gian mạng như thông tin giả, hinh ảnh đồi trụy, bạo lực, lừa đảo… Trong khi đó nhiều nhà cung cấp chẳng những không chủ động lọc bỏ các video, hình ảnh có hại cho trẻ em. Nhiều nhà cung cấp còn lợi dụng chính những thông tin, video độc hại để mang lại lợi nhuận", ông Khoa chia sẻ.

Cũng trao đổi tại hội thảo trên, bà Nguyễn Phương Linh - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững - đưa ra một khảo sát sau đại dịch COVID-19, độ tuổi trẻ em sử dụng Internet giảm xuống ở 6 - 7 tuổi. Và có 87% trẻ 12 - 17 tuổi sử dụng Internet ít nhất 1 lần/ngày. 

Chia nhỏ độ tuổi hơn thì trẻ từ 14 - 15 đã sử dụng Internet là 93%, trẻ 16 - 17 tuổi là 97%. Điều đáng lo là đã có 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet. Hơn 70% từng có trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet - theo một khảo sát năm 2020.

Một con số khác được bà Phương Linh đưa ra là đã có 1.000 tư vấn của tổng đài 111 về xâm hại trẻ em qua môi trường mạng, trong đó can thiệp 100 vụ. Có 150 vụ theo Bộ Công an nhưng không phản ánh thực tế. Có 124 trẻ em từng trải qua việc bị xâm hại tình dục trực tuyến. Các trường hợp này chủ yếu ở độ tuổi từ 12 - 15.

Nhưng trên thực tế, rủi ro về không gian mạng không an toàn rất đa dạng liên quan tới bạo lực, tình dục, cung cấp thông tin sai lệch, độc hại tác động tiêu cực đến nhận thức người dùng, lừa đảo thương mại…

Theo bà Phương Linh, trong số 76,7% trẻ em sử dụng Internet được học về sử dụng Internet an toàn, nhưng lại chỉ có 53% học từ nhà trường, còn lại là tự học, học qua bạn bè. Việc dạy kỹ năng cho học sinh tại trường cũng nghiêng về kỹ năng sử dụng máy tính, công nghệ, chưa chú trọng kỹ năng số sử dụng Internet an toàn.

Giải pháp giáo dục và đồng hành trong sử dụng Internet

Tại hội thảo, việc ứng dụng công nghệ để kiểm soát, tạo những "bộ lọc" cho học sinh những không gian mạng sạch hơn, ít nguy cơ hơn được chia sẻ. Tuy nhiên, các nhà giáo dục và chuyên gia về công nghệ tại hội thảo đều cho rằng việc "cấm tiệt" không cho trẻ tiếp cận với Internet là không thể và cũng không nên trong bối cảnh hiện nay. Giải pháp tích cực là phải giáo dục và đồng hành.

Ông Ngô Tuấn Anh - CEO Công ty an ninh mạng SCS - cho rằng việc sử dụng công nghệ để đảm bảo an toàn cho trẻ có hai cách: chặn tối đa trẻ tiếp cận với thông tin độc hại và sử dụng thiết bị kiểm soát có thời điểm để hướng dẫn, đồng hành cùng trẻ sử dụng không gian mạng an toàn.

Các nhà giáo dục tại hội thảo thì cho rằng thời nay học sinh không thể thiếu Internet trong học tập được. Nên thay vì cấm phải giúp học sinh sử dụng Internet một cách thông minh.

Bà Lê Tuệ Minh - chủ tịch hội đồng trường, hệ thống Trường phổ thông liên cấp Edison - chia sẻ trước dịch COVID-19, khi đề cập đến việc cho học sinh sử dụng thiết bị kết nối mạng Internet để học tập, nhiều phụ huynh ngần ngại, thậm chí muốn cấm hoàn toàn. 

Nhưng ở tình thế phải học tập trực tuyến, nhận thức về điều này cũng thay đổi. Giáo viên và học sinh cũng được rèn giũa, nâng cao hơn kỹ năng ứng dụng công nghệ trong dạy và học.

"Chúng tôi đều quen với việc song song áp dụng dạy học online và ofline tùy theo nội dung, hoạt động học tập", bà Tuệ Minh chia sẻ.

Theo bà Minh, cũng chính vì thay đổi đó nên việc áp dụng các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh được đặt ra bức thiết. Cụ thể như việc đưa nội dung về an toàn không gian mạng vào nội dung dạy học các môn công nghệ và tin học, các chủ đề giáo dục nhằm hướng dẫn học sinh sử dụng mạng Internet an toàn, hiệu quả. 

Phối hợp với cha mẹ học sinh tổ chức hội thảo để tìm cách đồng hành cùng con. Xây dựng bộ cẩm nang, quy tắc sử dụng mạng an toàn…

Theo ông Tô Hồng Nam - phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, có bốn giải pháp nhằm đảm bảo an toàn không gian mạng trong các trường học:

1. Các nhà trường xây dựng thể chế, quy tắc sử dụng mạng Internet dựa trên khung quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Tăng cường các hoạt động đa dạng để tuyên truyền nâng nhận thức của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về nguy cơ tiềm ẩn trong không gian mạng và hậu quả do nó gây nên.

3. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các nhà trường, học sinh để tự phòng chống, xử lý hậu quả khi nó xảy ra.

4. Chú trọng hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ và nhận sự hỗ trợ trong việc tìm các giải pháp hiệu quả hơn đảm bảo an toàn không gian mạng.

Hơn 50% trẻ em Việt dùng Internet để vào website phần mềm, nghe nhạc, xem phim

Hơn 50% trẻ em Việt dùng Internet để vào website phần mềm, nghe nhạc, xem phim

TTO - Năm 2019, hơn 50% trẻ em Việt Nam sử dụng Internet để truy cập các website phần mềm, nghe nhạc và xem phim, tăng gần gấp đôi so với 2018.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp