Hình ảnh X-quang cho thấy chiếc tai nghe không dây nằm trong ổ bụng bệnh nhân - Ảnh bệnh viên cung cấp
Ngày 29-3, Bệnh viện E cho biết đơn vị vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân nuốt phải tai nghe không dây vào ổ bụng.
Cụ thể khoảng 22h35 ngày 26-3, khoa cấp cứu Bệnh viện E tiếp nhận bệnh nhân 15 tuổi ở Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội có biểu hiện nuốt dị vật.
Gia đình cho biết lúc 21h cùng ngày có cho con sử dụng tai nghe không dây. Nhưng 10 phút sau, gia đình phát hiện mất một bên tai nghe và con chỉ tay vào bụng. Gia đình lập tức đưa con đi cấp cứu.
Các bác sĩ cho bệnh nhi làm các xét nghiệm và chiếu chụp cần thiết. Kết quả chụp X-quang cho thấy trong ổ bụng bệnh nhi có hình tai nghe điện thoại không dây.
Tuy nhiên, do bệnh nhi có tiền sử mắc bệnh tự kỷ từ bé nên việc điều trị không dễ dàng. Bệnh nhi không hợp tác với các thầy thuốc trong việc lấy máu làm các xét nghiệm hoặc chiếu chụp và gây mê...
Phải đến 2h50 sáng 27-3, ThS.BS Nguyễn Văn Thành - khoa nội gan mật - mới nội soi ống mềm có gây mê để gắp dị vật cho bệnh nhi.
Theo các bác sĩ, bệnh nhi may mắn khi nuốt phải dị vật là hình dạng tròn, trơn bóng nên đã trôi xuống dạ dày mà không bị mắc lại ở vị trí thực quản hay đường thở, nhờ vậy tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Cũng theo bác sĩ của khoa cấp cứu, thời gian qua Bệnh viện E tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do nuốt phải dị vật như đồng xu, cúc áo, hòn bi, hòn đá, móng tay, đinh vít, kẹp ghim, các bộ phận của những món đồ chơi, pin tiểu…
Khi trẻ nuốt phải dị vật, nguy cơ cao nhất có thể gặp phải là tử vong hoặc bị chết não do dị vật chèn kín đường thở. Dị vật còn có thể gây các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm ổ bụng.
Thậm chí nhiều trẻ còn không nhận biết rằng đã nuốt phải dị vật, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét đường tiêu hóa, tắc nghẹn đường thở… Do vậy, bố mẹ cần để ý tới con, dành thời gian chơi và tránh các đồ chơi kích thước nhỏ như đồng xu, viên bi, chìa khóa...
Trong trường hợp trẻ không may nuốt phải dị vật, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế tốt nhất gần khu vực sinh sống để xử lý, tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận