16/10/2018 12:47 GMT+7

Trẻ nhỏ cũng mắc sỏi đường tiết niệu

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Khoa ngoại niệu Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM trung bình mỗi tháng tiếp nhận 4-5 trẻ mắc sỏi đường tiết niệu. Đáng chú ý, số lượng trẻ mắc sỏi đường tiết niệu năm nay tăng hơn so với những năm trước.

Trẻ nhỏ cũng mắc sỏi đường tiết niệu - Ảnh 1.
Để tránh bị sỏi đường tiết niệu, trẻ em nên uống nhiều nước - Ảnh: XUÂN MAI

ThS.BS Phan Tấn Đức - trưởng khoa thận niệu Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM - lưu ý rằng số trẻ mắc sỏi đường tiết niệu năm nay tăng cao.

Sỏi đường tiết niệu là một bệnh lý phức tạp và thường gặp ở người lớn, chủ yếu là nam giới (chiếm 80%). Tuy nhiên hiện nay bệnh xuất hiện ở trẻ em. Sỏi ở thận niệu, niệu quản, bàng quang, sỏi san hô... trong đó sỏi san hô phức tạp và khó điều trị nhất.

BS PHAN Tấn Đức

Chú ý khi trẻ đau bụng

Từ lâu, nhiều người cứ nghĩ bệnh sỏi đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận, là bệnh của người lớn vì bệnh thường xuất hiện ở người từ độ tuổi 35 trở lên. Thế nhưng hiện nhiều trẻ em cũng mắc bệnh này.

Ngồi ghế đá tại hành lang bệnh viện, tay chống cằm, chị Phạm Thị Hậu (36 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) vừa bất ngờ vừa lo lắng khi bác sĩ kết luận con trai út bị sỏi thận. Chị Hậu cho biết bé nhỏ năm nay 9 tuổi, vài tháng trước bé có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu đục, thỉnh thoảng đau bụng.

"Lúc đó tưởng bé nóng trong người nên gia đình chỉ đốc thúc bé ăn các loại thực phẩm có tính mát nhưng những ngày gần đây bé có biểu hiện đau bụng dữ dội. Qua khám và xét nghiệm, bác sĩ kết luận bé bị sỏi bàng quang nằm ở vùng hạ vị, kích thước khoảng 20x22mm. Sỏi gây bít tắc đường đi của nước tiểu nên phải mổ lấy sỏi trong hai ngày tới" - chị Hậu chia sẻ.

Tương tự, một người đàn ông nước da đen nhẻm, các ngón tay đan vào nhau, mắt hướng về phòng mổ - nơi con trai N.T.N. (6 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) đang được phẫu thuật lấy sỏi niệu quản. "Nhà có cái rẫy trồng cà phê, hồ tiêu nhưng xa lắm, chắc khoảng 20 cây số nên mỗi lần hai vợ chồng lên đó thì phải ở vài ngày để tưới tiêu, chăm bón. Ở nhà, đứa lớn chăm đứa bé. Chẳng hiểu sao cách đây mấy ngày, đứa nhỏ đau bụng quằn quại, đổ nhiều mồ hôi, da tái xanh... Các bác sĩ khám và cho biết đứa nhỏ bị sỏi niệu quản, kích thước 11x13mm, khuyến khích gia đình nên cho mổ lấy sỏi" - ba bé N. nói.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến bé N. bị sỏi niệu quản có thể do bé sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nhưng lại không cung cấp đủ nước cho cơ thể, chế độ dinh dưỡng còn nghèo nàn.

Vì sao tăng?

Sỏi đường tiết niệu là những khối tinh thể kết tụ một số thành phần trong nước tiểu ở đường niệu trên (chủ yếu là canxi), gây nhiều biến chứng nặng nề, chủ yếu là do sự ứ trệ nước tiểu tại thận. Cụ thể như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm khe thận mãn tính, suy thận, xơ hóa tại vị trí sỏi...

BS Tấn Đức cho biết nguyên nhân gây sỏi đường tiết niệu ở trẻ em chủ yếu là do rối loạn chuyển hóa và những yếu tố thuận lợi như nhiễm trùng đường tiểu, hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, bàng quang thần kinh, bệnh lý bẩm sinh đường tiết niệu... Ngoài ra, qua hồ sơ điều trị, có một điểm chung là các bệnh nhi đều sống ở vùng cao nguyên - nơi có môi trường nhiệt độ cao và uống ít nước. Vì vậy có thể nói sỏi đường tiết niệu liên quan khá mật thiết đến điều kiện khí hậu, nhiệt độ môi trường, chế độ ăn uống.

Triệu chứng lâm sàng khi trẻ có sỏi ở đường tiết niệu như: đau hông lưng, tiểu đau, tiểu ra sỏi, hoặc đôi khi triệu chứng âm thầm đến khi xuất hiện các triệu chứng của suy thận mãn như tăng huyết áp, phù, tiểu ít...

Khi trẻ mắc sỏi đường tiết niệu cần tiến hành mổ lấy sỏi hay tán sỏi nội soi bằng laser ngược dòng... Trường hợp nhẹ, đơn giản chỉ cần mổ một lần. Các phương pháp can thiệp là tán sỏi ngoài cơ thể chưa áp dụng ở trẻ em.

Tránh bệnh thế nào?

Để trẻ tránh bệnh sỏi đường tiết niệu, ThS.BS Phan Tấn Đức đưa ra các khuyến cáo sau:

1. Đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra phát hiện các dị tật bẩm sinh đường tiết niệu sớm.

2. Khi thấy bé có các biểu hiện như tiểu đục, tiểu đau, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, nhiễm trùng tái đi tái lại... cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện khám.

3. Tập thói quen cho bé uống đủ nước, ăn đầy đủ các nhóm thức ăn, hạn chế ăn mặn, tránh táo bón.


XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp