09/10/2017 15:48 GMT+7

Trẻ miền quê khát sách: Thiếu sách, nghèo cả tương lai

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Con số thống kê từ các hệ thống phát hành sách đang 'ăn nên làm ra' cho thấy một thực tế: khách hàng mua sách chủ yếu ở thành thị còn việc tiếp cận với sách của các em nhỏ ở những miền quê hẻo lánh lại rất xa vời!

Trẻ miền quê khát sách: Thiếu sách, nghèo cả tương lai - Ảnh 1.

Thầy trò Trường THCS Phú Thành B (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) vui mừng đón nhận các đầu sách báo từ nhóm thiện nguyện ở TP.HCM - Ảnh: L.ĐIỀN

Sách nằm ở quãng giữa loại nhu yếu phẩm và xa xỉ phẩm, nó được cho vào rổ mua sắm của các gia đình khá giả và sẽ bị ưu tiên bỏ ra khỏi danh mục mua sắm hằng tháng, thậm chí hằng năm của các gia đình kinh tế khó khăn...

Một nhà phát hành có thâm niên nhận xét.

Thầy giáo Nguyễn Thanh ở Bắc Bình, Bình Thuận chia sẻ ông từng ao ước xây dựng một tủ sách gia đình cho hai con có sách đọc, nhưng thú thật các khoản chi thường xuyên của gia đình hai vợ chồng giáo viên như ông đã "lấn" mất phần mua sách cho con.

Chuyện của thầy Thanh không phải cá biệt khi một số đồng nghiệp của ông trong vùng hầu như không ai làm được tủ sách gia đình tươm tất.

"Rổ sách" của học trò nông thôn

Tại các tỉnh vùng nông thôn, nhà sách hiện đại chỉ có thể "đứng vững" ở khu đô thị trung tâm tỉnh. 

Cũng có phụ huynh muốn mua sách cho con, nhưng nhiều trường hợp kết quả lại là sự thất vọng cho cả hai. 

Như câu chuyện của ông Thanh Hòa ở Phan Rí, Bình Thuận. 

Vì bạn bè ở Sài Gòn giới thiệu các sách thiếu nhi mới ấn hành phù hợp tuổi của đứa con trai, ông Hòa dẫn con vào nhà sách lớn ở Phan Thiết tìm mua. 

"Thằng nhỏ thấy sách lạ và đẹp nên lựa mua rất nhiều, nhưng đến chừng tính tiền tự tay tôi phải lấy ra bỏ lại hầu hết vì không đủ tiền mua hết sách con thích", ông kể trong ngậm ngùi.

Có thể nói các em học sinh cư trú tại các miền quê xa đô thị, xa thành phố lớn chỉ tiếp cận với sách thông qua "cửa ngõ" gần như duy nhất là thư viện trường học. 

Nhưng bức tranh thư viện các trường không mấy sáng sủa. Trong dịp tìm hiểu hoạt động của một tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại vùng nông thôn Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), chúng tôi được nghe thông tin có ngôi trường cấp II tại đây (Trường THCS Thuận Hòa) suốt ba năm liền chưa được bổ sung sách cho thư viện. 

Vấn đề mua sách cho thư viện các trường là câu chuyện tài chính của các địa phương. "Hằng năm, phòng tài chính huyện duyệt ngân sách các khoản cho trường cấp II, ban giám hiệu luôn ưu tiên chi cho các khoản quan trọng, trong đó đều không có sách", một cán bộ tại Bình Thuận cho biết.

Một số nguyên nhân ngăn cản trẻ em nông thôn đến với việc đọc: Trong gia đình không có khoản chi cho sách. Trong vùng không có nhà sách.Văn hóa vùng miền ảnh hưởng thói quen đọc (các em miền Bắc và miền Trung đọc nhiều hơn các em miền Nam). Một số vùng, phụ huynh không đọc sách, không khuyến khích con đọc, nên các em không hình thành thói quen đọc sách. Các em bị hấp dẫn bởi thế giới ảo trên mạng, phim và game online... hơn sách.

(Nguồn: Thái Thị Hạnh Nhân - giám đốc Chương trình hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học, thành viên của Tổ chức Room to Read)

Trẻ miền quê khát sách: Thiếu sách, nghèo cả tương lai - Ảnh 4.

"Thư viện trong chai" của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ ở vùng núi huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) là các chai nước suối được khoét phần đáy để bỏ vào một quyển sách, treo dưới tán cây bồ đề. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Nhất chia sẻ: "Trường chưa có thư viện, tôi đề nghị để sách vào các vỏ chai nước suối treo ngoài sân và cho các em lấy đọc bất cứ lúc nào. Sau khi đọc xong, các em đem bỏvào chai" - Ảnh: L.ĐIỀN

Bức tranh buồn về thư viện

Bà Thái Thị Hạnh Nhân - giám đốc Chương trình hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học, thành viên của Tổ chức Room to Read, có thâm niên làm việc về phát triển phòng đọc cho học sinh các vùng miền từ Nam tới Bắc - cho hay các thư viện trường trang bị phổ biến nhất là sách giáo khoa và sách tham khảo. 

Còn sách về kỹ năng dành cho trẻ, các sách văn học, khoa học, giáo dục nhân cách, giới tính... đều chưa được trang bị. Trong tình hình các gia đình nông thôn không đủ tiền mua sách, lẽ ra thư viện trường là nơi bổ khuyết cho các em. 

Nhưng đến nay, sứ mệnh này đang bị bỏ ngỏ.

Xuôi về miền Tây Nam Bộ, một nhóm học sinh tại một trường phổ thông trung học ở Đồng Tháp chia sẻ: "Thư viện trường ít sách quá, chủ yếu là sách tìm hiểu pháp luật, tiểu sử các nhà văn... Rất ít sách kỹ năng". 

Ngược ra miền Trung, chúng tôi ngỡ ngàng khi nghe hai bạn sinh viên một trường cao đẳng tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam kể trường còn chưa có thư viện. 

Và ngay tại vùng quê nổi danh là "đất học" này, một em học sinh lớp 6 cho hay trong suốt năm lớp 5 em chỉ mượn sách 2 lần dù Trường tiểu học Trần Quốc Toản của em có thư viện.

Đằng sau chuyện nghèo sách của trẻ em vùng nông thôn còn nhiều câu chuyện đáng lo ngại khác. 

Từng làm luận văn thạc sĩ đề tài "Xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ", bà Hạnh Nhân cho biết nhiều trẻ không có thói quen đọc bắt nguồn từ cha mẹ không có ý thức đọc sách. Với những trường hợp đó, xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ thật sự gian nan. 

Đồng cảm với ý này, nhà thơ Cao Xuân Sơn từng chua chát nhận xét: "Ở các tỉnh, tình trạng thiếu sách kéo dài đã nhiều năm, và rồi người ta nghĩ các em không có sách thì vẫn sống, vẫn thành người, có sao đâu".

Sở dĩ giới chuyên gia đặt vấn đề xây dựng thói quen đọc, bởi tiếp cận và yêu thích sách mất thời gian hơn là tiếp xúc các phương tiện trò chơi có tính nghe nhìn hiện đại như game online đang tràn về các vùng quê. 

Nếu không có phương pháp xây dựng thói quen đọc cho trẻ, các phương tiện nghe nhìn giải trí khác sẽ lấn át sách và kho tàng tri thức từ sách dần dần bị bỏ bê. 

Chưa kể, sự đọc của các bạn trẻ có thể sẽ bị lệch, theo kiểu nhóm học sinh cấp III ở Cao Lãnh, Đồng Tháp chia sẻ: "Thư viện trường thiếu sách văn học, tụi con tìm mua sách trên mạng, chủ yếu là ngôn tình, đam mỹ thôi".

Với bức tranh đọc sách của những vùng quê đang như vậy, liệu giải pháp "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" mà nhà cách mạng Phan Châu Trinh phát động từ một trăm năm trước bao giờ mới thành hình để vực dậy khu vực nông thôn trên đất nước ta?

Tỉ lệ 20/80

Theo một cán bộ kinh doanh - phát hành của Nhà xuất bản Trẻ, tỉ lệ sách của Nhà xuất bản Trẻ bán được vào các trường học ở các tỉnh chỉ chiếm 20%, mà phải bán thông qua các công ty sách và thiết bị trường học.

"80% còn lại là thị phần của các công ty sách và thiết bị trường học hiện diện ở mỗi tỉnh thành. Các công ty này có chức năng cung cấp cả thiết bị dạy học, và tại nhiều địa phương, nhà trường thường ưu tiên mua các thiết bị chứ không ưu tiên mua sách", vị cán bộ này cho biết.

Còn Nhà xuất bản Kim Đồng tuy không đưa ra con số tỉ lệ sách Kim Đồng bán được vào các trường là bao nhiêu phần trăm, nhưng ghi nhận là không đáng kể, và cũng phải bán thông qua các công ty sách và thiết bị trường học.

Lấy một so sánh nhỏ giữa mức tiêu thụ sách của người dân thông qua số sách bán ra trong một tháng của nhà sách Fahasa Hậu Giang và nhà sách Fahasa Lotte Q.7 (TP.HCM), thấy mức tiêu thụ sách của nhà sách Hậu Giang bằng 36% nhà sách Lotte Q.7.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp