Người lớn không nên vội trách phạt khi con trẻ làm sai - Ảnh: Dr. Phil
Tế nhị và mềm mỏng
Theo cô Trần Thị Minh Châu, giáo viên trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, trẻ em vốn tinh nghịch, đặc biệt lứa tuổi tiểu học. Trong giai đoạn đang hình thành nhân cách này, các em cũng có tính "táy máy" nên đôi khi có hành vi trộm cắp.
"Tôi vẫn nhớ trường hợp một nhóm học trò trường trung học kế bên sang trường tôi trộm vặt và bị bắt được. Việc đầu tiên mà tôi nghĩ bất kỳ giáo viên nào cũng phải làm trong trường hợp này là liên hệ với phụ huynh các em.
Tôi cũng vậy, tôi răn đe các em dưới sự chứng kiến của phụ huynh. Bởi các em vẫn trong độ tuổi có người giám hộ, nên không thể để các em tự ra về trong tâm thế mình mang lỗi và hoang mang không biết bị trường báo cáo như thế nào", cô Minh Châu chia sẻ.
Cô cũng cho biết thêm, khi phát hiện trẻ làm sai, cần phân tích cho các em biết mình sai như thế nào và tùy theo từng trường hợp, tính cách của mỗi em mà có cách xử lý phù hợp.
Đối với những em có hành vi ăn cắp vặt ngay trong lớp lại càng phải tế nhị hơn. Đầu tiên phải công khai việc không truy cứu nếu tự giác, sau đó ai lấy cái gì thì sau giờ học tự động bỏ đồ lại đúng vị trí đã lấy.
Làm như vậy các em sẽ không bị tổn thương về tâm lý, không xấu hổ với bạn bè, nhận thấy cái sai của mình đã được mọi người khoan dung. Tuy nhiên sau đó cũng nên nói chuyện riêng với các em để các em sửa chữa.
"Với những em không tự giác nhận sai, tôi gọi em đó ra nói chuyện riêng, tâm sự với em rằng ngày xưa bằng tuổi em tôi cũng từng phạm sai lầm, và tôi đã sửa sai như thế nào, tôi đã cố gắng thế nào để thành cô giáo. Các em sẽ tâm phục khẩu phục", cô Châu chia sẻ.
Cần bình tĩnh khi con trẻ làm sai
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trương Thị Bích Phượng, lứa tuổi học sinh dễ xuất hiện cảm xúc tiêu cực dù là ở trường hay ở nhà, nên thường hành động thiếu suy nghĩ khi có vấn đề phát sinh.
Chẳng hạn, khi làm ngã em, làm mất tiền học phí... do sợ cha mẹ trách phạt, có em bỏ nhà đi bụi, có em nhảy lầu tự tử.
Tất nhiên các em có lỗi, nhưng người lớn cũng cần xem xét. Khi trẻ làm sai, người lớn ít khi dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân mà đa phần sẽ la mắng, dọa nạt, thậm chí đánh trẻ.
Con vô tình làm bể cái chén, cha mẹ mắng con là đồ vô tích sự, đồ ăn hại, thậm chí xót của mà đánh con. Lâu ngày khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái hoảng sợ mỗi khi gây ra lỗi.
Vì vậy, theo bà Phượng, người lớn cần giữ thái độ bình tĩnh khi trẻ mắc lỗi, hỏi han, tìm hiểu nguyên nhân. Có như vậy mới giải quyết tận gốc vấn đề và giúp trẻ sửa sai.
Còn việc hăm dọa, la mắng, đánh đập trẻ sẽ khiến trẻ ngày càng tự ti, khi phạm lỗi sẽ giấu bay giấu biến, thậm chí sẽ phản ứng hết sức căng thẳng như đánh lại, chống trả lại, hoặc gây đau đớn cho chính mình.
Còn đối với xã hội, nhà trường cũng nên lưu ý trẻ rất dễ tổn thương và có thể có hành động dại dột nên luôn cần có người giám hộ các em trong các sự vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận