Phóng to |
Giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài trời lạnh - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Dễ sinh biến chứng
60 giường bệnh của khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai đang phải ghép giường điều trị cho hơn 100 bệnh nhi. Phần lớn bệnh nhi tăng cường tại các giường bệnh cố định này đều mắc các chứng bệnh do thời tiết thay đổi, nhiễm lạnh đột ngột. Trong phòng điều trị tích cực, nhiều trẻ từ nhiễm khuẩn hô hấp đã sinh biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản, phải thở máy. Thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy lượng bệnh nhi đến khám tại viện tăng 30% so với bình thường. Trong đó, mỗi ngày có đến 15 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú do sốt cao, co giật, biến chứng viêm màng não, biến chứng viêm phổi. Các biểu hiện viêm đường hô hấp trên nếu được phụ huynh quan tâm ngay từ đầu thường nhẹ, nhưng nếu phụ huynh chủ quan có thể chuyển nặng hơn, lan xuống thành viêm đường hô hấp dưới.
Theo TS Trần Minh Điển - phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhi đến khám, chủ yếu là các bệnh liên quan viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sốt do virut. “Biện pháp dự phòng tốt nhất chính là giữ sạch đường mũi, họng cho trẻ” - TS Điển khuyến cáo.
Còn tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM đang có 170-180 trẻ mắc bệnh hô hấp (viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suyễn...) nằm điều trị. Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, dự báo trong những ngày tới khi thời tiết lạnh hơn, số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện sẽ tăng khoảng 20% so với số trẻ nhập viện điều trị hiện nay.
Theo bác sĩ Tuấn, thời tiết trở lạnh là điều kiện rất thuận lợi cho virut đường hô hấp phát triển, trong đó có virut cúm, virut hợp bào hô hấp (RSV)... Riêng virut hợp bào hô hấp lây lan nhanh, cả người lớn và trẻ em đều có thể nhiễm virut này. Với người lớn, trẻ lớn khi nhiễm virut này chỉ bị cảm, ho nhẹ, nhưng ở trẻ dưới 2 tuổi sẽ hình thành bệnh viêm tiểu phế quản. Đặc biệt, ở trẻ dưới ba tháng tuổi sẽ có khả năng biến chứng suy hô hấp cao. Thực tế tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 có tới 90% trẻ viêm tiểu phế quản bị suy hô hấp phải thở oxy là trẻ dưới ba tháng tuổi.
Bác sĩ Tuấn cũng nhấn mạnh thời tiết chuyển lạnh sẽ khiến bệnh nhân suyễn hay bị lên cơn (ho, khò khè, khó thở). Điều này khá nguy hiểm vì “một lần bệnh nhân lên cơn suyễn sẽ là một lần bệnh nhân có nguy cơ tử vong”. Thống kê cho thấy 1/3 số trẻ bị tử vong do lên cơn suyễn đều là những trẻ chưa từng lên cơn suyễn bao giờ. Do vậy việc phát hiện trẻ lên cơn suyễn đầu tiên rất quan trọng.
Không phải lúc nào cũng mặc quá ấm
Nhiều trẻ bị viêm phổi trong nỗi hoang mang của cha mẹ. Có trẻ do được mặc quá ấm, nhiệt độ tăng cao, sinh mồ hôi, ngấm ngược trở lại khiến cơ thể trẻ nhiễm lạnh, sinh viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, thậm chí viêm phổi nguy hiểm. PGS Dũng cho hay việc theo dõi cơ thể trẻ, chọn lựa quần áo mặc cho trẻ phù hợp có ý nghĩa phòng bệnh quan trọng: “Khi bắt đầu đi ngủ buổi tối, trẻ thường cảm thấy nóng, nên phụ huynh chỉ cần cho con mặc quần áo thoáng, ấm vừa đủ. Đến giữa đêm trẻ sẽ lạnh hơn, lúc đó bố mẹ cần đắp thêm chăn (mền) cho con”.
Ngoài ra, dù thời tiết chuyển lạnh, các gia đình không nên đóng kín cửa suốt ngày, mà lựa lúc nào ấm áp nhất trong ngày để mở tung các cửa sổ, giúp trao đổi không khí. Bên cạnh đó, bác sĩ Tuấn khuyên nếu cho trẻ ra ngoài trời lạnh cần mặc ấm cho trẻ, có thể cho trẻ đội nón, mặc thêm áo lạnh, mang găng, vớ (tất). Thời gian này phụ huynh nên chích ngừa bệnh cúm mùa cho trẻ để ngừa bệnh cúm mùa.
Theo bác sĩ Tuấn, với những người lớn bị cảm, ho, sổ mũi, cần tránh tiếp xúc gần với trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Rửa tay trước và sau khi chăm trẻ cũng là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả để tránh cho trẻ bị lây bệnh cúm, viêm tiểu phế quản... Cho trẻ ăn uống đủ chất, uống nhiều nước để nâng cao sức đề kháng.
Bộ Y tế yêu cầu chủ động phòng dịch cúm mới Ngày 7-12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công điện gửi các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur yêu cầu chủ động phòng, chống dịch cúm mới xâm nhập và lây lan tại Việt Nam. Công điện này được đưa ra sau khi Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ thông báo phát hiện ba trường hợp nhiễm chủng virut cúm mới tái tổ hợp từ chủng cúm A/H1N1 đại dịch năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ heo. Để chủ động phòng chống dịch xâm nhập và lây lan tại Việt Nam, Cục Y tế dự phòng yêu cầu các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt theo dõi những người bị sốt, có hội chứng cúm đến từ khu vực có dịch, tăng cường giám sát các chùm ca bệnh cúm, trường hợp viêm phổi nặng nghi do virut tại cộng đồng. Các điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia được yêu cầu phải phát hiện sớm các thay đổi và sự lưu hành của virut cúm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận